Chùa không phép xâm lấn Di tích lịch sử quốc gia

Chùa không phép xâm lấn Di tích lịch sử quốc gia
TPO - Một ngôi chùa đồ sộ nhưng không giấy phép đã xây trên khuôn viên Di tích lịch sử - Kiến trúc nghệ thuật quốc gia Đền Hữu, xã Thanh Yên, huyện Thanh Chương (Nghệ An). Việc xây dựng trái phép này đã ảnh hưởng đến sự trang nghiêm, linh thiêng của ngôi đền.

Ông Nguyễn Cảnh Nhu, đại diện cho dòng họ Nguyễn Cảnh ở xã Thanh Yên, huyện Thanh Chương cho biết, đền Hữu tại làng Xuân Bảng (nay là thôn Yên Mỹ), xã Thanh Yên, huyện Thanh Chương (Nghệ An) là nơi thờ Thái phó Tấn Quốc Công Nguyễn Cảnh Hoan (1521-1576), một võ tướng có nhiều công lao dưới thời Lê Trung Hưng.

Theo sử sách, Thái phó Tấn Quốc Công Nguyễn Cảnh Hoan có nhiều công lao to lớn trong việc gìn giữ, mở mang bờ cõi và bảo vệ cuộc sống người dân vùng đất Hoan Châu (nay là đất Nghệ An). Sau khi ông mất, chính quyền đương thời và nhân dân nhiều nơi đã lập đền, phủ thờ cúng ông như là một sự ghi nhận, biết ơn những công lao to lớn của ông.

Chùa không phép xâm lấn Di tích lịch sử quốc gia ảnh 1 Di tích lịch sử - Kiến trúc nghệ thuật quốc gia Đền Hữu.

Trải qua hơn 400 năm, ngôi đền được xem là một công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo, chứa đựng nhiều giá trị văn hoá và lịch sử khi còn giữ được 3 toà thượng điện, trung điện và hạ điện, 38 sắc phong do các triều đại phong kiến phong tặng và rất nhiều cổ vật, di vật có giá trị.

Đền vừa là công trình tưởng niệm người có công với dân, với nước gắn với tín ngưỡng thờ thánh của cộng đồng dân cư, vừa là di tích kiến trúc độc đáo, lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị lịch sử văn hóa.

Đền Hữu được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật quốc gia theo Quyết định số 99/QĐ-VHHTTDL ngày 22.1.2009. Để bảo vệ di tích, cơ quan chức năng đã khoanh vùng khu vực quản lý theo Bản đồ khoanh vùng đã được xác lập ngày 20/5/2008.

Ông Nguyễn Văn Chiến – Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cho biết: “Kể từ khi được công nhận đến nay, UBND xã Thanh Yên, Ban Quản lý di tích Đền Hữu và người dân trong vùng đã thực hiện tốt công tác chăm sóc, tu bổ di tích, phát huy tốt giá trị của di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia”.

Chùa không phép xâm lấn Di tích lịch sử quốc gia ảnh 2 Nhiều hạng mục công trình chùa Linh Sâm được xây dựng xâm lấn di tích.

Tuy nhiên, theo phản ánh của đại diện họ Nguyễn Cảnh, khoảng 2 tháng nay, trong khuôn viên đền Hữu, công trình chùa Linh Sâm bỗng nhiên được xây dựng xâm lấn trái phép. Phía tây đền, một doanh nghiệp đã xây dựng phần thô 6 ngôi nhà và cổng tam quan chồng lấn lên phần đất khu vực cần bảo vệ của di tích. Về thủ tục pháp lý thì công trình chùa Linh Sâm chưa đầy đủ theo quy định. Điều đáng nói, hơn 2 tháng xây dựng thì xã Thanh Yên mới “phát hiện thấy” và đình chỉ.

Giải thích về vấn đề này, ông Bùi Hữu Chương - Chủ tịch UBND xã Thanh Yên nói: “Công trình chùa Linh Sâm chưa được cấp phép xây dựng và một số thủ tục cần thiết. Còn vì sao không can thiệp thì tôi mới đảm nhiệm chức vụ chủ tịch xã được hơn chục ngày, nên không nắm rõ hồ sơ, tài liệu”.

Chùa không phép xâm lấn Di tích lịch sử quốc gia ảnh 3 Hơn 2 tháng công trình xây dựng không phép nhưng chính quyền địa phương không hề "phát hiện".

Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Chiến - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cho hay trước đây ở xã Thanh Yên có chùa Linh Sâm, nhân dân và các phật tử muốn phục dựng nhưng không có nguồn lực. Vừa qua có một số con em quê hương và doanh nghiệp kêu gọi xã hội hóa.

Chùa không phép xâm lấn Di tích lịch sử quốc gia ảnh 4 Người dân bức xúc trước sự "làm ngơ" của chính quyền xã Thanh Yên.

“Địa điểm đang xây chùa thì xã khẳng định là do xã quản lý, xây rồi mới biết chồng lấn lên phần khoanh vùng bảo vệ của khu di tích. Ngay khi nhận được phản ánh của người dân, lãnh đạo huyện đã xuống kiểm tra và yêu cầu đình chỉ. Phương án xử lý phải chờ Sở ngành chuyên môn. Còn việc công trình chưa có hồ sơ thủ tục đã xây dựng mà xã không hay biết, thì có kết luận sẽ xử lý luôn”, ông Chiến cho biết thêm.

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.