Tuyến huyện vẫn được chuyên gia đầu ngành điều trị
Sáng qua (18/4), PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cùng các cộng sự ngồi tại Hà Nội để hội chẩn, khám chữa bệnh cho ba bệnh nhân, một người đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa thành phố Hà Tĩnh, một bệnh nhân ở Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Khương (Lào Cai) và một bệnh nhân đang ở nhà, thuộc xã Quảng Trạch, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa. Toàn bộ hoạt động khám chữa bệnh được thực hiện trên nền tảng khám chữa bệnh từ xa do Viettel chủ trì phát triển.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, nền tảng này đáp ứng đầy đủ 6 lĩnh vực khám chữa bệnh từ xa theo quy định của Bộ Y tế gồm tư vấn y tế, hội chẩn tư vấn khám chữa bệnh, hội chẩn tư vấn chẩn đoán hình ảnh, hội chẩn tư vấn giải phẫu bệnh, hội chẩn tư vấn phẫu thuật và đào tạo chuyển giao kỹ thuật khám chữa bệnh.
Ông Hùng chia sẻ, sự ra đời của nền tảng này giúp người bệnh không phải đến bệnh viện khi không thật cần thiết và miễn phí trong thời gian có dịch COVID-19.
Đại diện đơn vị phát triển công nghệ cho biết, nền tảng này giúp người dân dễ dàng theo dõi sức khỏe qua ứng dụng hoặc website, kết nối với bác sĩ qua hình thức gọi điện, nhắn tin, đặt lịch khám, tương tác với người thân, người có cùng bệnh và cập nhật các thông tin hướng dẫn điều trị.
Với cơ sở y tế, nền tảng hỗ trợ lập phác đồ theo dõi cho từng bệnh nhân, quản lý tình trạng sức khỏe hàng ngày, cảnh báo, nhắc nhở điều trị, tương tác trực tiếp với bệnh nhân (qua điện thoại, tin nhắn) và chỉ định điều trị, phục hồi chức năng, tư vấn dinh dưỡng, khám lại. Các bác sĩ tuyến dưới có thể nhận được sự tư vấn, hỗ trợ của các bác sĩ tuyến trên trong điều trị bệnh mà bệnh nhân không cần phải vượt tuyến, chuyển tuyến.
Trong giai đoạn tiếp theo, khi phổ cập công nghệ 5G tại Việt Nam với khả năng kết nối vạn vật và xử lý thời gian thực, nền tảng sẽ phát triển khả năng phẫu thuật từ xa. Bác sĩ ở bất kỳ đâu trên thế giới đều có thể trực tiếp tham gia vào quá trình điều trị cho bệnh nhân ở tại Việt Nam.
Chữa khỏi bệnh nhân COVID-19 nặng nhờ hội chẩn trực tuyến
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chia sẻ, nhờ việc hội chẩn trực tuyến thường xuyên giữa các chuyên gia y tế đầu ngành trong khám chữa, điều trị bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 nên các ca bệnh nặng của Việt Nam được chữa trị thành công. “Nhờ công nghệ thông tin chúng tôi tập hợp được đội ngũ bác sĩ đầu ngành cả nước. Không còn khoảng cách giữa miền Bắc, miền Nam, giữa bệnh viện tuyến trung ương với tuyến huyện, tỉnh. Bệnh nhân COVID-19 đang ở bệnh viện tuyến huyện vẫn nhận được điều trị từ các bác sĩ đầu ngành ở Trung ương”, ông Long nói.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao nền tảng khám chữa bệnh từ xa trong bối cảnh Việt Nam là quốc gia có chiều dài trên 3.000 km, với nhiều núi non hiểm trở xa cách. Thủ tướng giao Bộ Y tế và Bộ TT&TT phối hợp chặt chẽ để chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế, từng bước hình thành hệ thống chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh dựa trên các công nghệ số, phát triển các nền tảng công nghệ cho lĩnh vực y tế như nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa, nền tảng quản trị y tế thông minh. Thủ tướng đề nghị Viettel thực hiện đào tạo khi triển khai nền tảng vào các bệnh viện, cơ sở y tế, đảm bảo hệ thống chạy ổn định trên toàn quốc, phần mềm liên tục được phát triển và nâng cấp để đáp ứng nhu cầu.