Phát triển du lịch: Chậm, còn rào cản

Chưa khai thác hết tiềm năng biển đảo

0:00 / 0:00
0:00
TP - Đó là thực tế được nêu ra tại Hội thảo “Du lịch biển, đảo Việt Nam - Thời cơ, thách thức và giải pháp” diễn ra tại Đà Nẵng ngày 9/12.

Đây là sự kiện bên lề hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam (VITM) diễn ra sáng cùng ngày với sự tham gia của hơn 300 gian hàng của các đơn vị trong và ngoài nước.

Rời rạc, lạc hậu

Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, nhìn nhận với tài nguyên du lịch biển, đảo to lớn, đa dạng, Việt Nam có điều kiện phát triển trở thành một trong những điểm đến du lịch biển đảo đẳng cấp hàng đầu khu vực và thế giới. Tuy nhiên, trên thực tế, việc phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh. “Với trên 3.000km đường bờ biển, hàng trăm bãi biển đẹp, hàng trăm hòn đảo có tài nguyên du lịch, hàng chục thành phố ven biển nhưng du lịch biển đảo vẫn chỉ là mảnh ghép rời rạc, hạ tầng lạc hậu, thiếu cảng biển du lịch. Việt Nam cũng chưa có đội tàu du lịch nào…”, ông Bình nói.

Chưa khai thác hết tiềm năng biển đảo ảnh 1

Du khách trên tàu đi tuyến biển Đà Nẵng - Lý Sơn Ảnh: T.T

TS. Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, chỉ ra thêm một số hạn chế trong phát triển du lịch biển đảo như thiếu sáng tạo trong phát triển sản phẩm du lịch, phân vùng chưa hợp lý ở nhiều quy mô, cấp độ. Là địa phương có thế mạnh bờ biển, vùng biển trải rộng trên 11.000 km2, ngoài khơi có đảo Lý Sơn còn giữ được vẻ đẹp nguyên sơ, nhưng tỉnh Quảng Ngãi chưa phát huy hết tiềm năng. Cụ thể là thiếu chiến lược, quy hoạch phát triển du lịch biển, đảo một cách rõ nét. Ngoài ra, hạ tầng du lịch ven biển đầu tư chưa thực sự đồng bộ, sản phẩm du lịch chưa phong phú, chưa thu hút nguồn khách có khả năng chi tiêu cao.

“Mỗi địa phương cần phải có một điểm nhấn về du lịch biển đảo chứ không thể để tới đâu cũng thấy na ná nhau. Nếu không thì không thể khai thác kéo dài thời gian của du khách. Đặc biệt, phát triển du lịch biển đảo mà không quan tâm đến môi trường thì phải trả giá rất đắt”. Ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh

Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, cho hay bờ biển Đà Nẵng trải dài với các bãi tắm đẹp Mỹ Khê, Non Nước, Mỹ An, Nam Ô, Làng Vân... có giá trị lớn cho phát triển du lịch biển và nghỉ dưỡng. Ngoài ra, sự góp mặt của hàng loạt thương hiệu nổi tiếng thế giới như InterContinental, Hayatt, Sheraton, Hilton, Accor… đã tạo nên thương hiệu, thế mạnh cho du lịch nghỉ dưỡng biển, golf và loại hình du lịch MICE. Du lịch biển đảo được xác định là sản phẩm đặc thù của thành phố, đã tạo dựng được thương hiệu nhất định. Dù vậy, so với tiềm năng, phát triển du lịch biển đảo chưa tương xứng. Các hoạt động thể thao, giải trí biển chỉ mới thu hút được đối tượng khách phổ thông, chưa có phân khu riêng cho khách cao cấp. Hệ thống cảng, bến thủy nội địa quy mô nhỏ, tạm thời, hạ tầng chưa đảm bảo. “Hiện vẫn chưa có cơ chế, chính sách riêng thu hút đầu tư phát triển du lịch, nhất là cơ chế thu hút đầu tư các loại hình du lịch cao cấp như du thuyền, trung tâm mua sắm, tổ hợp vui chơi giải trí đẳng cấp quốc tế...”, ông Bình nói.

Chú trọng cảng biển, tàu biển

Tại hội thảo, các địa phương đều nêu bất cập về hạ tầng, đặc biệt là cảng biển. Có nơi tàu chở khách phải cập vào cảng cá hôi thối, nguy hiểm, có nơi cảng chật chội... Ông Nguyễn Xuân Bình đề xuất mở rộng, nâng cấp cơ sở vật chất tại cảng Tiên Sa. Đồng thời đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng thuỷ nội địa (Cảng Sông Hàn, Cảng sông Thu) để phát triển các tuyến du lịch Sông Hàn - cửa biển - bán đảo Sơn Trà và tuyến Sông Hàn - Hòn Chảo, Đà Nẵng-Lý Sơn, Cù lao Chàm.

Ông Vũ Thế Bình nói rằng, Việt Nam chưa có đội tàu biển, nên cần nỗ lực khai thác để đón tàu quốc tế, đồng thời kích thích nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư đội tàu.

Ông Vũ Văn Đảo, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vũng Tàu Marina. (đơn vị sản xuất tàu và khai thác du lịch bằng tàu) kể rằng, năm 2012, công ty sản xuất tàu bằng vật liệu PPC. Khi đi đăng kiểm lại không có tiêu chuẩn này, phải mất 3 năm tháo gỡ tàu mới xuống nước được. Sau đó, công ty ký loạt hợp đồng đóng tàu cho các địa phương, lại vướng quy chuẩn giới hạn tàu đóng bằng PPC chỉ chở 12 người, vậy là tàu từ 20 chỗ trở lên không thể bàn giao. Công ty tiếp tục làm thuyền buồm 2 thân gây sốt tại Vũng Tàu, được khai thác rất tốt. Tuy nhiên, lại tiếp tục bị cấm do hoạt động không phù hợp với quy hoạch khu công nghiệp dù trước đó đã được Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho doanh nghiệp xây dựng dự án Bến thuyền du lịch trong Khu công nghiệp Đông Xuyên, thành phố Vũng Tàu.

Ông Phạm Hà, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lux, nói rằng, để đưa du khách ngủ đêm trên vịnh Hạ Long, cần tới 18 loại giấy tờ. Ông đề xuất rút gọn thủ tục, ứng dụng chuyển đổi số để giảm phiền hà cho doanh nghiệp cũng như du khách. “Chúng tôi sẽ kiến nghị Bộ VHTT&DL xây dựng chiến lược phát triển du lịch biển đảo rõ ràng, lấy ý kiến của đông đảo địa phương, doanh nghiệp. Đồng thời quy định rõ các tiêu chí về kỹ thuật, xúc tiến, phát triển... để không nhập nhằng, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương, doanh nghiệp”, ông Vũ Thế Bình cho hay.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.