Bưởi là loại quả không thể thiếu trên mâm ngũ quả ngày Tết của mọi gia đình. Bưởi là nguồn cung cấp vitamin C tuyệt vời, ngoài ra còn có đường, acid citric, lycopin, các men amylase, peroxidase, vitamine C, A, B1, B2, P. Nước ép bưởi có tác dụng tốt cho hoạt động tim mạch, làm giảm đường huyết, chống viêm, làm giảm kết tụ tiểu cầu, kháng siêu vi. Bưởi là một vị thuốc quý, quà tặng tuyệt vời từ thiên nhiên.
Theo Đông y, múi bưởi vị chua ngọt, tính hàn; vào tỳ, vị, phế. Có tác dụng kiện tỳ tiêu thực, khoan trung hạ khí, nhuận phế hóa đàm, chỉ khái, giải rượu. Dùng cho trường hợp ngực bụng đầy trướng đau tức, rối loạn tiêu hóa, nôn ói do nhiễm độc thai nghén, nôn ói do say tàu say xe, viêm khí phế quản, viêm họng ho nhiều đàm, say bia rượu...
Mứt bưởi: Bưởi chín, bóc bỏ vỏ và hạt, tách từng múi hoặc thái lát cho vào liễn sứ, thêm ít rượu đậy kín ngâm ướp một đêm, thêm đường mật, nấu cô, đánh tơi trộn đều, ngậm nuốt dần dần. Dùng cho các trường hợp ho nhiều đờm, hen suyễn khó thở, đau rát họng.
Bưởi chín ăn tươi: Dùng cho trường hợp thai nghén nhạt miệng, ăn kém đầy hơi. Ngày ăn 1 - 2 lần, trái bưởi ngọt, có thể thêm chút muối, đường gia vị; chỉ định cho các trường hợp say rượu bia, say tàu xe, hôi miệng.
Canh thịt nạc hoàng kỳ bưởi chín: Thịt lợn nạc 80 - 100g, hoàng kỳ 9g, bưởi chín 4 - 5 múi. Thịt lợn thái nhỏ, bưởi bóc bỏ vỏ hạt, cùng nấu canh cho ăn. Dùng cho các trường hợp viêm họng, viêm khí phế quản thể viêm khô, ho khan, đau rát họng.
Bưởi ướp dấm mật ong: Bưởi 1 quả, mật ong 30ml, dấm ăn 15ml. Bưởi bóc bỏ vỏ cùi và hạt, thái lát, cho mật ong, đun cách thủy đến chín nhừ; sau đó cho dấm, khuấy trộn đều, cho ăn vào buổi sáng và buổi tối. Dùng cho người cao tuổi viêm khí phế quản ho nhiều đờm.
Kiêng kỵ: Người tỳ vị hư hàn, đại tiện lỏng cần thận trọng.
TS. Nguyễn Đức Quan