Thường trực HĐND thành phố Hà Nội vừa tổ chức phiên giải trình về tình hình quản lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn thành phố. Qua kết quả giám sát, có hàng trăm dự án chậm triển khai trên địa bàn, vi phạm Luật Đất đai. Thậm chí, có các dự án đã có quyết định thu hồi đất nhưng qua thời gian vẫn không được thực hiện.
Ông Nguyễn Trọng Đông, Giám đốc Sở TN&MT TP Hà Nội cũng thừa nhận, có nguyên nhân chủ quan đến từ các cấp, các ngành trong việc hậu kiểm, việc phối hợp thanh tra, kiểm tra, xử lý sai phạm chưa được quyết liệt. Tuy nhiên, theo ông Đông việc thu hồi dự án chậm triển khai rất khó, vì theo quy định của Luật Đất đai 2013, việc thu hồi sẽ không bồi thường chi phí cho chủ đầu tư nên gặp phải sự chống đối. “Trong quá trình thực hiện gặp nhiều vướng mắc, gặp sự phản ứng của chủ đầu tư. Sở sẽ thực hiện quyết liệt, mong muốn các quận huyện cùng vào cuộc, điều tra về tài sản trên đất để vào cuộc thu hồi đất của các dự án vi phạm. Theo quy định thì quy trình giải phóng mặt bằng để làm dự án thì có cưỡng chế thu hồi đất nhưng quy trình xử lý vi phạm thì lại chưa có việc cưỡng chế nên gặp nhiều khó khăn trong cưỡng chế thu hồi đất vi phạm”, ông Đông nói.
Xử lý việc ôm đất vàng ra sao?
Trưởng Ban Pháp chế HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Hoài Nam đặt vấn đề có hay không việc nể nang, né tránh một số dự án ở khu vực nội đô. Ông Nam nêu tên một số dự án ở Hàng Bài, Lý Thường Kiệt, Lò Đúc, Hàng Khoai. Theo ông Nam, ở đây không có vướng mắc gì về quy hoạch, về vấn đề tài chính. Có những dự án nằm án binh bất động, có dự án để lãng phí, trở thành bãi trông giữ xe, gây mất an ninh trật tự. “Đây chắc chắn không phải chủ đầu tư không có năng lực tài chính. Họ rất có năng lực tài chính. Phải chăng chúng ta chưa quyết liệt, chưa thể hiện trách nhiệm của mình để đôn đốc họ. Chúng ta ưu tiên, nể nang các nhà đầu tư”, ông Nam đặt vấn đề.
Ông Nam cũng cho biết, qua giám sát, HĐND thành phố đặt vấn đề có việc chủ đầu tư các dự án lợi dụng việc điều chỉnh quy hoạch để kéo dài việc đưa đất vào sử dụng. “Chúng tôi có trong tay rất nhiều bằng chứng, nhiều chủ đầu tư chẳng liên quan gì đến quy hoạch phân khu, ngay trong khu vực nội thành này thôi, nhưng mà xin điều chỉnh từ 1 đến 3 lần, thậm chí 5 lần. Mỗi lần xin điều chỉnh đều theo hướng tăng mật độ, tăng chiều cao, tăng diện tích sử dụng. Lấy cớ đó, mỗi lần điều chỉnh quy hoạch cho kéo dài thời gian nên cứ 2- 3 năm lại xin một lần. Có dự án nằm ở trung tâm quận Hoàn Kiếm, trung tâm quận Hai Bà Trưng, ít nhất 3 - 4 lần điều chỉnh quy hoạch, nhưng vẫn nằm im chưa sử dụng”, ông Nam nêu ví dụ.
Ông Lê Vinh, Giám đốc Sở QH&KT Hà Nội cho rằng, chưa đủ cơ sở để kết luận có việc xin điều chỉnh quy hoạch để kéo dài thời gian, chây ì, không triển khai dự án. “Cái này phải tổ chức thanh tra, kiểm tra mới kết luận được”, ông Vinh nói.