Đóng góp tích cực vào sự phát triển
Theo Tổng Bí thư, công tác thi đua, khen thưởng có tầm quan trọng đặc biệt, góp phần tạo ra động lực thúc đẩy các hoạt động cách mạng. Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần này là một sự kiện có ý nghĩa chính trị xã hội quan trọng, được tổ chức đúng vào dịp toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang ra sức thi đua phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ của năm 2015 và cả nhiệm kỳ 2010 - 2015, lập thành tích thiết thực chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.
Tổng Bí thư cho rằng, năm năm qua, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, đất nước ta cũng đứng trước không ít khó khăn, thách thức lớn. Trong bối cảnh đó, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã nỗ lực phấn đấu đạt được những thành quả quan trọng.
Nền kinh tế vượt qua nhiều khó khăn, quy mô và tiềm lực được nâng lên; kinh tế vĩ mô dần ổn định, lạm phát được kiểm soát; tăng trưởng kinh tế đạt tốc độ khá và có chiều hướng phục hồi. Giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hoá, xã hội, y tế, tiếp tục phát triển. An sinh xã hội được quan tâm nhiều hơn và cơ bản được bảo đảm, đời sống của nhân dân được cải thiện.
Tổng Bí thư khẳng định, những thành tích đạt được trên tất cả các lĩnh vực của đất nước trong 5 năm qua có sự đóng góp tích cực của các phong trào thi đua yêu nước. 5 năm qua, ở ngành nào, cấp nào cũng có nhiều phong trào thi đua sôi nổi, thiết thực, bám sát vào nhiệm vụ chính trị trọng tâm của ngành mình, đơn vị mình.
Qua các phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu, điển hình của tập thể, cá nhân trong lao động, sản xuất. Đã có hàng vạn đề tài, sáng kiến, giải pháp hữu ích làm lợi cho Nhà nước và xã hội; nhiều mô hình, giải pháp được nhân rộng, có sức lan toả trong cả nước.
Các cơ quan thông tấn, báo chí đã góp phần không nhỏ vào việc giới thiệu, tuyên truyền, động viên, đẩy mạnh phong trào thi đua, cổ vũ những nhân tố mới, điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, tạo thêm động lực cho việc thực hiện nhiệm vụ chính trị.
Khen thưởng phải chính xác
Tuy nhiên, Tổng Bí thư cho rằng, phong trào thi đua yêu nước trong thời gian qua vẫn còn những hạn chế, khuyết điểm. Phong trào thi đua tuy phát triển sâu rộng nhưng chưa toàn diện, chưa đồng đều, liên tục; nhiều nơi còn mang nặng tính hình thức, chưa gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ chính trị; một số phong trào tác dụng lan toả chưa cao; công tác sơ kết, tổng kết ở một số địa phương, đơn vị chưa được coi trọng đúng mức, chậm phát hiện và nhân rộng những điển hình tiên tiến. Đối tượng khen thưởng là những người lao động trực tiếp chưa nhiều, cần suy nghĩ, nghiêm túc rút kinh nghiệm và có biện pháp tích cực khắc phục những hạn chế, khuyết điểm này.
Tổng Bí thư đề nghị thời gian tới cần đưa công tác thi đua gắn với công việc hằng ngày của mỗi người như lời Bác Hồ dạy : "Đừng tưởng lầm rằng thi đua là một công việc khác với những công việc làm hàng ngày. Thật ra, công việc hàng ngày chính là nền tảng thi đua".
Các cấp uỷ, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị cần tăng cường chỉ đạo, tổ chức phong trào thi đua, bảo đảm thiết thực, hướng công tác thi đua vào nhiệm vụ trọng tâm, đột phá, lấy kết quả công tác thi đua là một tiêu chí để đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý. Mỗi cán bộ, đảng viên phát huy tốt vai trò tiền phong gương mẫu, thực sự là hạt nhân trong các phong trào thi đua.
Bên cạnh đó, các đối tượng thi đua cần phải rộng rãi nhưng cũng phải làm rõ ai thi đua với ai, hạn chế tối đa những chênh lệch về năng lực và điều kiện phấn đấu trong thi đua; bảo đảm hài hoà ba lợi ích : lợi ích của người lao động; lợi ích của tập thể, địa phương, đơn vị; lợi ích của xã hội.
Ngoài ra, công tác khen thưởng phải kịp thời, chính xác, đúng người, đúng việc, lấy kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị làm thước đo khen thưởng, đặc biệt quan tâm phát hiện nhân tố mới, tăng cường khen đột xuất; chú trọng khen thưởng công nhân, nông dân, những người lao động trực tiếp.