Chủ tịch Vivaso: 'Tôi rút cổ phần ở Hãng phim rồi về hưu cho đỡ mệt'

Ông Nguyễn Thủy Nguyên, Tổng giám đốc của Vạn Cường - Vivaso. Ảnh: Minh Sơn
Ông Nguyễn Thủy Nguyên, Tổng giám đốc của Vạn Cường - Vivaso. Ảnh: Minh Sơn
Ông Nguyễn Thủy Nguyên cho hay sẽ rút cổ phần ở VFS, trong khi đạo diễn Lê Thanh Vân nói đây chính là "mục tiêu của nhiều nghệ sĩ".

Ngày 21/9, trả lời về kết luận thanh tra việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam (VFS), ông Nguyễn Thủy Nguyên - Chủ tịch Tổng công ty Vận tải thủy (Vivaso), đơn vị mua lại 65% cổ phần (32,5 tỷ đồng) của Hãng phim nói: "Tôi không quan tâm, kết luận như thế nào là việc của cơ quan chức năng. Tôi là doanh nghiệp, có tiền đi mua khi cổ phần hóa lẽ ra nên được khuyến khích".

Ông Nguyên cho hay, từ ngày thương vụ mua bán diễn ra đến nay, hoạt động của Công ty luôn bị dõi theo khiến ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh. "Tôi sẽ rút cổ phần cho xong và về nghỉ hưu, đỡ mệt", ông Nguyên nói.

Trước việc Hãng phim truyện Việt Nam sau cổ phần hóa không cho ra một bộ phim nào, ông Nguyên nêu ý kiến cá nhân là "do tình trạng khiếu kiện".

"Khi mời đối tác Hàn Quốc đến hợp tác làm phim, họ nhìn thấy hiện trạng hãng phim và việc kiện tụng nên quay lưng", ông nói.

Về tương lai của Hãng phim truyện Việt Nam, ông Nguyên cho rằng, hiện có một vài đơn vị đặt vấn đề mua lại, tuy nhiên việc này sẽ mất thời gian và phức tạp.

Trong khi đó, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân - người từng chỉ ra những vi phạm trong quá trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam nói, "mục tiêu ban đầu quan trọng nhất của tôi và nhiều nghệ sĩ khác, đó là buộc Công ty vận tải thủy rút khỏi Hãng phim đã đạt được".

Chủ tịch Vivaso: 'Tôi rút cổ phần ở Hãng phim rồi về hưu cho đỡ mệt' ảnh 1 Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân. Ảnh: XH

Theo ông Vân, "câu chuyện về quá trình cổ phần hóa Hãng phim rất dài, chúng tôi theo dõi từ những ngày đầu và đã nhìn ra nhiều thiếu sót như Thanh tra Chính phủ chỉ ra, bao gồm việc chọn lựa nhà đầu tư chiến lược không minh bạch, không tôn trọng hãng phim và định giá thương hiệu của hãng phim bằng không".

Thời gian tới, ông Vân kỳ vọng các cấp có thẩm quyền sẽ sớm có giải pháp để vực dậy ngành phim.

Ngày 20/9, Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam. Kết luận chỉ rõ một số tồn tại và khuyết điểm. Cụ thể, việc lựa chọn đơn vị tư vấn định giá doanh nghiệp và tư vấn cổ phần hóa vi phạm Luật Đấu thầu 2013. VFS ký kết hợp đồng với hai đơn vị tư vấn định giá doanh nghiệp và cổ phần hóa, nhưng chưa tuân thủ mẫu hợp đồng quy định.

Việc chọn lựa và bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược cũng có nhiều sai sót.

Cơ quan thanh tra kiến nghị, Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện ngay các quy trình, thủ tục để nhà đầu tư chiến lược là Tổng công ty vận tải Thủy xin rút vốn trước thời hạn.

Hãng phim truyện Việt Nam được thành lập năm 1953, trực thuộc Bộ Văn hóa Thể thao Du Lịch. Lịch sử tồn tại của hãng gắn liền với dòng phim cách mạng và nghệ thuật.

Năm 2016, hãng Phim truyện Việt Nam chào mời cổ phần hóa. Sau nhiều lùm xùm, tổng công ty vận tải thủy Vivaso hoàn tất quá trình mua lại đơn vị vào tháng 6 cùng năm. Hiện, Hãng mang tên Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển phim truyện Việt Nam. Nhiều nghệ sĩ bức xúc vì tình hình chậm lương, lương thấp và không có định hướng làm phim của ban lãnh đạo mới.

Sáng 13/10/2017, theo yêu cầu của lãnh đạo Chính phủ, Thanh tra Chính phủ đã công bố quyết định thanh tra Hãng Phim truyện Việt Nam, từ năm 2014 - giai đoạn khởi đầu tiến trình cổ phần hóa - đến khi thành lập Công ty Cổ phần.

Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG