Mở đầu hội nghị, ông Phạm Anh Tuấn – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định chia sẻ, việc đào đạo và phát triển nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ trẻ đối với Bình Định đòi hỏi cấp bách, cần phải giải quyết.
Ông dẫn chứng trong 5 trụ cột phát triển kinh tế của Bình Định, đòi hỏi nguồn nhân lực rất nhiều, đặc biệt là khi phát triển công nghệ.
Hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định với thanh niên năm 2023. Ảnh: Trương Định |
Ông Tuấn cho hay, hiện giờ tỉnh chưa thu hút được nhiều dự án, nhưng sắp tới, nếu như các dự án vào, điều lo lắng nhất là không có người để làm. Đây là một trong những vấn đề lớn của tỉnh. Theo ông, lực lượng ở đây gồm cả lực lượng quản lý, lực lượng công nghệ và cả những công nhân lành nghề. Việc này trông chờ rất nhiều vào lực lượng trẻ. Trong khi các nguồn lực sau khi được đào tạo cơ bản phần lớn lại không quay về địa phương. Ông Tuấn mong muốn hội nghị thẳn thắng trao đổi về điều này.
Lãnh đạo tỉnh mong muốn tại hội nghị lắng nghe được nhiều kế sách, ý tưởng mới, sáng tạo, cũng như đưa ra những kiến nghị, đề xuất, những băn khoăn để cùng tháo gỡ. Để sự điều hành của chính quyền có thể giúp các hoạt động hiệu quả, thiết thực hơn.
Thanh niên là nguồn lực, là con người, là trình độ trong chuyển đổi số
Bí thư Đoàn phường Lý Thường Kiệt (TP Quy Nhơn) Nguyễn Thành Long, nêu câu hỏi về những chính sách của tỉnh trong việc phát triển xã hội số cũng như vai trò của thanh niên.
Về vấn đề kinh phí trong chuyển đổi số, làm thế nào để cấp phường, xã tiếp cận được các doanh nghiệp đặc biệt là những doanh nghiệp có quy mô, để có nguồn lợi từ kinh tế hỗ trợ để xã hội hóa kinh phí.
Bí thư Đoàn phường Lý Thường Kiệt (TP Quy Nhơn) Nguyễn Thành Long. Ảnh: Trương Định |
Theo anh Long, trong chuyển đổi số, thanh niên là nguồn lực, là con người, là trình độ còn doanh nghiệp là nguồn lực về công nghệ, là kinh tế mới có thể đi nhanh và đi đúng hướng được, tránh tính hình thức trong công tác chuyển đổi số.
Nói về nguồn lực công nghệ, anh Long chia sẻ, ở các vùng nông thôn còn nhiều khó khăn, qua đó anh đề xuất nên tập trung những nguồn lực về các vùng này trước, để san bằng khoảng cách về công nghệ.
Chị Lê Mộng Huyền – Bí thư Liên chi đoàn Khoa Kinh tế và kế toán trường ĐH Quy Nhơn đặt vấn đề về việc định hướng phát triển nghề nghiệp, đặc biệt là những nghề nghiệp trọng tâm của tỉnh trong thời gian tới và cơ hội nào của thanh niên trẻ.
Ngoài ra, tại hội nghị một số ý kiến mong muốn được quan tâm xây dựng một “Nền tảng công nghệ” kết nối Cộng đồng Start-up trong thanh niên, sinh viên với các quỹ đầu tư khởi nghiệp cũng như các nguồn lực hỗ trợ khác để thanh niên, sinh viên có nhiều hơn những cơ hội biến ý tưởng đổi mới sáng tạo, ước mơ thành hiện thực.
Ảnh: Trương Định |
Một vấn đề khác mà nhiều đại biểu quan tâm, đó là thế hệ trẻ đang có xu hướng dịch chuyển nghề nghiệp khỏi khu vực công để tham gia khu vực kinh tế tư nhân...
Đoàn viên thanh niên với chuyển đổi số mà trọng tâm là Tổ công nghệ số cộng đồng
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo một số sở ngành đã giải đáp những câu hỏi, ý kiến của các bạn đoàn viên thanh niên (ĐVTN). Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định giao nhiệm vụ cho cả chính quyền và thanh niên cùng triển khai thực hiện.
Ông Phạm Anh Tuấn phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Trương Định |
Ông Tuấn lưu ý Tỉnh Đoàn, tổ chức Đoàn các cấp, ĐVTN quan tâm nắm chắc định hướng, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH của tỉnh để cùng tham gia hiến kế, đóng góp ý kiến, sáng kiến của mình.
Trong đó, trực tiếp xây dựng các mô hình kinh doanh như: khởi nghiệp, lập nghiệp và lập các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh để chính mình làm giàu và đóng góp cho sự phát triển của địa phương.
Về vấn đề thanh niên khởi nghiệp, ông Tuấn cho hay, đăng ký qua Tỉnh Đoàn để UBND tỉnh sẽ hỗ trợ bằng xã hội hóa, bằng chính sách của Nhà nước.
Về học nghề, Chủ tịch tỉnh mong muốn Tỉnh Đoàn, Đoàn các cấp định hướng cho thanh niên học nghề trên cơ sở phát triển KT-XH của chính mỗi địa phương.
Tỉnh Đoàn, các cơ sở Đoàn cần có kế hoạch triển khai cụ thể. Đồng thời cần phải có chế tài, khen thưởng, kỷ luật, gắn với trách nhiệm để tránh tình trạng nói nhưng không làm, làm tạm bợ, không có kết quả cao.
Theo ông Tuấn, tỉnh sẽ tạo nguồn lực để hỗ trợ các hoạt động của Đoàn Thanh niên cũng như hỗ trợ trong việc đào tạo nghề. Dự kiến hằng quý, UBND tỉnh sẽ làm việc với Tỉnh Đoàn, các cơ sở Đoàn để lắng nghe, giải quyết các đề xuất của ĐVTN và qua đó cũng tiếp thu các sáng kiến.
Qua đó, ông cũng yêu cầu tổng hợp lại những ý kiến của thanh niên tại hội nghị gửi UBND tỉnh để có nghiên cứu trả lời và có triển khai.
Đối với một số vấn đề liên quan cơ chế chính sách, bà Huỳnh Thúy Vân - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định yêu cầu các sở ngành, trên cơ sở nghiên cứu các quy định của Trung ương và những chính sách đặc thù của tỉnh, và trong phạm vi, khả năng, điều kiện của tỉnh thì nên mạnh dạn xây dựng dự thảo để báo cáo UBND tỉnh để trình ra HĐND.