Chiều 15/7, TPHCM tổ chức hội nghị sơ kết sau 7 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Chủ trì hội nghị tại điểm cầu UBND TPHCM có Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong.
Tại hội nghị, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho biết trước khi thực hiện Chỉ thị 16, người dân TP cần 7.000 tấn lương thực thực phẩm/ngày.
Khi 3 chợ đầu mối tạm ngưng hoạt động thì việc cung ứng gặp khó khăn, sản lượng sụt giảm 50%. Hiện tại các siêu thị, doanh nghiệp bình ổn nâng quy mô, năng lực cung ứng, nhưng so với nhu cầu của người dân thì thiếu hụt khoảng 1.000 tấn rau, củ, quả, thực phẩm tươi sống...
Theo ông Vũ, từ ngày 1/7, TPHCM huy động thêm các kênh khác như doanh nghiệp logistics, thương mại... nhưng so với trước khi thực hiện Chỉ thị 16 thì hàng hóa vẫn thiếu hụt do khó khăn về luân chuyển, giao thông, tăng chi phí, yếu tố tâm lý của người dân trước các tin đồn…
“Hôm qua là ngày khó khăn nhất khi người dân tập trung rất đông đến siêu thị, cửa hàng tiện lợi để mua. Sau khi thành phố bác bỏ tin đồn thì số người mua đã giảm”, ông Vũ cho hay.
Người dân TPHCM xếp hàng vào siêu thị mua hàng hóa, lương thực thực phẩm |
Lãnh đạo Sở Công Thương TPHCM cho biết đã phối hợp TP Thủ Đức, huyện Hóc Môn khai thác các khu vực gần chợ đầu mối để làm các địa điểm trung chuyển hàng hóa. Đến nay đã đưa vào hoạt động được 3 ngày, tiếp nhận 100 tấn rau của quả ở các địa phương đưa về.
Trong những ngày tới, TPHCM sẽ phát huy vai trò của các thương lái ở chợ đầu mối, tiếp tục thực hiện thông qua giao hàng trực tuyến, giao hàng qua điện thoại để đưa hàng về TPHCM, đồng thời huy động công ty bưu chính, giao hành nhanh, các doanh nghiệp logistics... hỗ trợ 1.000 điểm bán bổ sung.
Dự kiến từ ngày 16/7, TPHCM sẽ chính thức khởi động, sử dụng hệ thống cửa hàng hiện có của đơn vị cung ứng đang hoạt động, huy động 7 công ty logistics hoạt động độc lập với các điểm bán này với công suất đặt ra là 1.000 tấn. Sở Công Thương và nhiều quận huyện đang nghiên cứu mô hình chợ hoạt động tự quản, giảm thiểu tối đa số lượng sạp để thực hiện 5K, ứng dụng công nghệ thông tin giúp người dân có điều kiện tiếp cận nguồn rau củ quả…
Tại hội nghị, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TPHCM Trần Quang Lâm đề nghị thành phố kiến nghị Bộ Giao thông vận tải sớm thống nhất cơ chế lưu thông với các tỉnh để tránh tắc nghẽn việc cung cứng hàng hóa.
Theo Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, thời gian qua, tuy ngành công thương thành phố đã có nhiều nỗ lực nhưng vẫn xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa. UBND TPHCM yêu cầu Sở Công Thương và các đơn vị chức năng tiếp tục huy động nguồn lực, đảm bảo cung ứng hàng hóa đầy đủ cho người dân.
Theo Chủ tịch Nguyễn Thành Phong, Bộ trưởng Bộ Công thương đã có ý kiến về việc cho các chợ truyền thống hoạt động trỏ lại. Tuy nhiên, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng cần cẩn trọng trong việc này vì số ca mắc COVID-19 của thành phố vẫn còn tăng cao.
“Hiện nay một số địa phương có đề xuất tổ chức bán hàng ở các quảng trường, đường lớn. Thay vì tổ chức bán trong chợ truyền thống, chính quyền kẻ ô, kẻ vạch bán giữa lòng đường, lề đường, đảm bảo khoảng cách cho người dân đi mua hàng. Thành phố cần xem xét, có tính toán cụ thể phương án này khi hệ thống cách cửa hàng tiện lợi đang vượt quá khả năng cung cứng”, ông Phong chỉ đạo và yêu cầu tính toán thí điểm trên từng địa bàn cụ thể, chưa áp dụng trên phạm vi toàn TPHCM.
Theo ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM, từ ngày thực hiện Chỉ thị 16 (0 giờ ngày 9/7) đến nay, TPHCM có thêm 9.736 ca mắc COVID-19, trong đó có 1.794 ca phát hiện trong cộng đồng.