Tại buổi họp ngày 9/7, Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM Nguyễn Nguyên Phương cho biết hiện có hơn 150 chợ truyền thống ở TPHCM tạm ngưng hoạt động, chiếm hơn 50% tổng số chợ truyền thống ở TPHCM.
Việc các chợ dừng hoạt động ảnh hưởng đến việc cung ứng hàng hóa, đặc biệt là những người dân có thu nhập thấp, không có khả năng dự trữ, phải mua thực phẩm sử dụng hằng ngày.
Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, để hạn chế ảnh hưởng đến người dân, Sở Công Thương đã hướng dẫn UBND các quận huyện rà soát lại các chợ đóng cửa, nếu chợ nào chưa đáp ứng thì phối hợp với Sở khắc phục để sớm mở cửa trở lại phục vụ người dân.
Ngoài ra, chợ nào có nguy cơ đóng cửa thì các địa phương phải báo sớm để Sở Công Thương xem xét, nếu còn khả năng khắc phục thì khắc phục, không phải đóng chợ.
“Trong trường hợp các quận huyện muốn đóng một chợ truyền thống nào đó thì phải kiếm mặt bằng phù hợp gần địa điểm chợ để các hệ thống phân phối tổ chức điểm bán hàng di động phục vụ nhu cầu cho người dân”, ông Phương cho hay.
Để cung ứng hàng hóa cho người dân, Sở Công Thương yêu cầu các quận huyện phải tổ chức lực lượng tiếp nhận, phân phối nguồn hàng các doanh nghiệp cung ứng để phân phối tới tận từng khu phố.
Chính quyền địa phương nhắc nhở tiểu thương đảm bảo an toàn phòng chống dịch |
Các doanh nghiệp cung ứng hàng hóa thống kê mặt hàng, xuất xứ, giá cả, sau đó chuyển cho các địa phương để có thể huy động hội phụ nữ, thanh niên, hoặc tiểu thương các chợ đang bị đóng… cùng đứng ra nhận hàng hóa này phân phối cho người dân từng khu phố.
Các hệ thống phân phối có trách nhiệm xây dựng quy cách bán hàng, giờ bán hàng cũng liệt kê công khai loại hàng hóa và giá bán để địa phương thông tin cho người dân. Người dân khi đến điểm mua bán này chỉ lấy hàng đưa về vì giá bán đồng giá và đã được thông báo từ trước.
Theo lãnh đạo Sở Công Thương TPHCM, tuy 3 chợ đầu mối tạm ngưng kinh doanh, chuỗi cung ứng hàng thiết yếu vẫn không bị đứt gãy.
Cụ thể, khi chợ đầu mối Hóc Môn dừng hoạt động, các thương nhân vẫn đưa hàng rau củ quả về kinh doanh qua hình thức giao hàng trực tiếp cho các thương lái, mối quen. Hàng không đưa vào chợ mà tập trung chủ yếu dọc theo hai bên tuyến đường Nguyễn Thị Sóc, Quốc lộ 22… Xe vận chuyển từ các tỉnh giao trực tiếp cho các điểm. Từ đây, hàng hóa được vận chuyển đến các chợ, siêu thị, cửa hàng phân phối...
Tương tự, tại chợ đầu mối Thủ Đức, thương nhân vẫn đưa hàng về kinh doanh bán hàng trực tiếp trên các tuyến đường xung quanh như Ngô Chí Quốc, xa lộ Hà Nội… Còn tại chợ Bình Điền, các thương nhân chuyển vừa giao hàng trực tiếp, vừa tập kết hàng dọc đường Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh) để giao, nhận hàng, sản lượng rau củ quả, thủy hải sản.
Sở Công Thương đã làm việc với TP Thủ Đức và các quận, huyện, tiếp tục cho phép tiểu thương duy trì hoạt động, với điều kiện phải tuân thủ chặt chẽ các yêu cầu về an toàn phòng chống dịch. Bạn hàng phải đặt hàng trước, đến lấy hàng là đi ngay, tránh tụ tập không đảm bảo an toàn phòng chống dịch.
Trước đó, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng đã yêu cầu triển khai thiết lập các vùng đệm để tiếp nhận nguồn hàng từ các tỉnh Đông, Tây Nam Bộ. Trước mắt, TPHCM thí điểm bố trí một vùng đệm diện tích khoảng 1 ha tại huyện Củ Chi (giáp ranh huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh) để tập kết hàng hóa, tổ chức khử khuẩn phương tiện, thay đổi tài xế, bàn giao phương tiện để tiếp tục vận chuyển, lưu thông hàng hóa. Sau đó, mô hình trên sẽ nhân rộng ra các khu vực Thủ Đức và Bình Chánh...
Bà Thắng cũng yêu cầu UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện rà soát, tìm kiếm các vị trí đất trống gần chợ đầu mối để tổ chức địa điểm tập kết và trung chuyển hàng hóa tạm thời, triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn, phòng, chống dịch tại địa điểm nêu trên và tạo điều kiện cho thương nhân chủ động giao dịch, mua bán.