Chủ tịch tỉnh nghe giáo viên mầm non 'kể khó'

Giáo viên mầm non vùng cao bày tỏ tâm tư, chia sẻ về những khó khăn gặp phải trong công tác với Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo ngành giáo dục TT-Huế
Giáo viên mầm non vùng cao bày tỏ tâm tư, chia sẻ về những khó khăn gặp phải trong công tác với Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo ngành giáo dục TT-Huế
TPO - Nhân kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế, đã có buổi gặp mặt với hơn 400 cán bộ quản lý và giáo viên mầm non trên địa bàn vào sáng 17/11 để nghe tâm tư, chia sẻ những khó khăn mà đội ngũ này gặp phải trong quá trình công tác.

Áp lực làm việc quá giờ, vượt giờ

Đến nay, toàn tỉnh TT-Huế có 206 trường mầm non (186 trường công lập), nhưng có tới 411 điểm trường; với 4.490, cán bộ giáo viên, trong đó, có 3.870 người thuộc biên chế. Tại buổi gặp mặt, 15 cán bộ, giáo viên đã thẳng thắn chia sẻ, nêu tâm tư về những khó khăn mà đội ngũ này gặp phải trong quá trình công tác.

Cô giáo Phan Thị Nguyện đến từ huyện Quảng Điền cho biết, từ khi vào nghề dạy trẻ mầm non đến nay, chị và nhiều đồng nghiệp luôn chịu áp lực về thời gian làm việc, do đặc thù công việc nên luôn trong tình trạng “đi sớm về muộn”, làm việc vượt giờ, bị quá tải về số lượng giờ làm việc. Chị và nhiều giáo viên mầm non mong muốn ngành giáo dục có cơ chế giảm giờ làm cho đội ngũ này, cũng như có chế độ đãi ngộ thỏa đáng nếu làm việc vượt giờ, để giáo viên yên tâm công tác.

"Giáo viên mầm non thường phải làm việc quá giờ quy định, phải trực thêm giờ trưa…", đó là cũng tâm tư của giáo viên Nguyễn Thị Thùy Trang, Trường mầm non Hoa Anh Đào (huyện miền núi A Lưới).

Chủ tịch tỉnh nghe giáo viên mầm non 'kể khó' ảnh 1

Giáo viên đề nghị quan tâm thỏa đáng đến bộ phận cấp dưỡng, bảo vệ, có chế độ thỏa đáng khi giáo viên thường xuyên làm vượt giờ

Xung quanh câu chuyện áp lực về thời gian làm việc, giáo viên Nguyễn Thị Phương (huyện Quảng Điền) nêu ra những bất cập về bố trí một nhân viên kiêm nhiệm nhiều công việc tại trường mầm non. Cụ thể, nhân viên kế toán kiêm văn thư, nhân viên y tế kiêm thủ quỹ.

“Đặc thù trường mầm non có bán trú, trẻ được bố trí ăn uống hàng ngày, liên quan vấn đề tiền bạc, nên không thể thiếu nhân viên thủ quỹ. Do một lúc làm nhiều việc, nên nhân viên luôn chịu áp lực về thời gian. Dù họ có cố gắng nhiều, nhưng do áp lực thời gian, nên một số nhân viên không thể hoàn thành được công việc của mình, hoặc hoàn thành thì không thể đạt mức xuất sắc. Lãnh đạo tỉnh cần nhìn vào thực tế này để có chính sách giải quyết phù hợp”, chị Phương kiến nghị.

Còn cô giáo Nguyễn Thị Hiền, Trường mầm non Phong Xuân 1 (huyện Phong Điền), thì kể rằng, nơi trường chị công tác có đến 2 cơ sở giảng dạy nhưng chỉ có mỗi 1 nhân viên bảo vệ làm việc theo chế độ 24/24 giờ, đồng lương thấp chỉ 2,5 triệu đồng/tháng, không đủ trang trải cho cuộc sống. Với 1 suất bảo vệ như vậy luôn nảy sinh những khó khăn trong công việc khi phải quán xuyến một lúc hai điểm trường. Do đó, chị mong muốn cơ quan chức năng có chính sách tuyển dụng thêm bảo vệ cho nhà trường, hoặc có chính sách đãi ngộ thỏa đáng hơn đối với lực lượng này.  

Bấp bênh nhân viên cấp dưỡng

Trong đội ngũ công tác tại các trường mầm non ở TT-Huế, nhân viên cấp dưỡng là bộ phận chịu nhiều thiệt thòi, với thu nhập thấp, bấp bênh, thậm chí bị nợ lương nếu như nguồn đóng góp của phụ huynh sụt giảm.

Giáo viên Nguyễn Thị Minh Tâm (Trường mầm non Thượng Nhật, huyện miền núi Nam Đông) cho biết, lương nhân viên cấp dưỡng chỉ 3,8 triệu đồng, nhưng thực nhận chỉ 2,8 triệu, vì phải đóng các loại bảo hiểm hết 1 triệu đồng. Khoản tiền chi trả lương cho bộ phận công tác này hoàn toàn từ nguồn xã hội hóa, thu từ phụ huynh chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số, nên hết sức khó khăn, một khi nguồn thu thấp, thu nhập của nhân viên cấp dưỡng bị ảnh hưởng theo, thậm chí họ bị nợ lương.

Chủ tịch tỉnh nghe giáo viên mầm non 'kể khó' ảnh 2

Chủ tịch Phan Ngọc Thọ tặng hoa chúc mừng các giáo viên mầm non nhân dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam

Tương tự, giáo viên Phùng Thị Ánh Hồng, Trường mầm non Ánh Dương (thị xã Hương Thủy) và Nguyễn Thị Hằng (Trường mầm non Hương Bình, thị xã Hương Trà) đã thẳng thắn trao đổi với Chủ tịch UBND tỉnh và Giám đốc Sở GD&ĐT về những khó khăn về đời sống mà bộ phận nhân viên cấp dưỡng đang gặp phải.

“Thu nhập dành cho nhân viên cấp dưỡng không ổn định khi phải dựa vào nguồn xã hội hóa là đóng góp của phụ huynh. Trường thu nhiều thì trả nhiều, thu ít đành phải trả ít. Thu nhập như vậy rất bấp bênh. Như vậy, chế độ chính sách đối với nhân viên như hiện nay là chưa bảo đảm, thu nhập thấp, dẫn đến sẽ làm việc không lâu dài. Do đó, đề nghị có chính sách đối với bộ phận lao động này, cần hỗ trợ thêm lương cho người cấp dưỡng”, chị Ánh Hồng đề xuất.

Cũng tại buổi gặp mặt này, nhiều giáo viên còn tâm tư về khó khăn trong xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp do gặp phải quá nhiều quy định rối rắm và một phần vì các địa phương chậm triển khai. Giáo viên còn đề nghị có chính sách hỗ trợ cho vay lãi suất ưu đãi để giáo viên vùng núi xây dựng nhà ở, bảo đảm công bằng giữa miền xuôi và vùng cao; trong khi, giáo viên thành phố được mua nhà ở xã hội…

Chủ tịch tỉnh nhắn nhủ giáo viên làm bằng cái tâm cho giáo dục

Ghi nhận nhiều ý kiến, tâm tư, chia sẻ của giáo viên mầm non, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cho rằng, giáo dục mầm non là cấp học nền tảng, để các cháu có hành trang bước vào đời, nên những cô giáo, người làm quản lý trong giáo dục mầm non có những đặc thù riêng. “Những ý kiến đóng góp hôm nay đều rất xác đáng và xuất phát từ thực tế, lãnh đạo tỉnh sẽ tiếp thu, nghiên cứu để có những đề án và hỗ trợ kịp thời”, ông Phan Ngọc Thọ cho biết.

Chủ tịch tỉnh nghe giáo viên mầm non 'kể khó' ảnh 3

Tại buổi gặp mặt, Chủ tịch tỉnh Phan Ngọc Thọ nhắn nhủ giáo viên mầm non hãy làm bằng cái tâm cho giáo dục

Theo ông Phan Ngọc Thọ, thời gian tới, ngành giáo dục cần xây dựng mô hình quản lý nhà trường thật sự đổi mới, lồng ghép nhiều mô hình trường học kiểu mẫu theo hướng trường học hạnh phúc, trường học xanh, trường học thông minh. Việc chuẩn hóa cơ sở vật chất, cần phải ưu tiên xây dựng hệ thống nhà vệ sinh đạt chuẩn ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, trang bị hệ thống trang thiết bị dạy học.

Chủ tịch Phan Ngọc Thọ đề nghị các địa phương cần phối hợp cùng ngành giáo dục rà soát lại hệ thống trường mẫu giáo để quy hoạch lại mạng lưới trường học hoàn chỉnh phù hợp đặc điểm vùng miền; tiếp tục nghiên cứu để xây dựng chế độ chính sách, đãi ngộ phù hợp với cán bộ, giáo viên; nâng cao, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ giáo viên đáp ứng đổi mới toàn diện giáo dục. "Điều quan trọng là chúng ta làm với cái tâm cho giáo dục và cho con em chúng ta", Chủ tịch UBND tỉnh nhắn nhủ.

MỚI - NÓNG
‘Giá vàng’ và ‘bão Yagi’ được tìm kiếm nhiều nhất năm 2024
‘Giá vàng’ và ‘bão Yagi’ được tìm kiếm nhiều nhất năm 2024
TPO - Cốc Cốc vừa phát hành Báo cáo xu hướng tìm kiếm và lướt web 2024, nhìn lại những mối quan tâm nổi bật của người dùng Việt Nam trên internet. Theo đó, “Anh trai vượt ngàn chông gai”, “Anh trai say hi” cùng từ lóng “đỉnh nóc kịch trần bay phấp phới” gây bão tìm kiếm. “Bão Yagi” và “giá vàng” dẫn đầu danh sách từ khóa nổi bật nhất.