Chủ tịch Quốc hội muốn thăm cơ sở nghiên cứu đang yếu, đang thiếu

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm mô hình vệ tinh Micro Dragon của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm mô hình vệ tinh Micro Dragon của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam
TPO - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, bà sẽ đi thăm một cơ sở nghiên cứu khoa học trong thời gian tới. Tuy nhiên, bà đề nghị không đưa đến cơ sở nghiên cứu đầy đủ, đàng hoàng mà đến nơi đang yếu, đang thiếu.

Sáng nay (17/5), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân có buổi thăm và làm việc với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam, nhân Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5.

Tại buổi làm việc với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, GS.VS Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã báo cáo những thành tựu mà Viện đạt được trong thời gian gần đây. Về nghiên cứu cơ bản, Viện dẫn đầu cả nước về số lượng các công trình công bố quốc tế với khoảng 2000 công bố/năm. Số lượng các công trình công bố quốc tế trong hệ thống ISI của Viện dẫn đầu và chiếm tỷ trọng lớn của cả nước. Nhiều công trình của các nhà khoa học Viện được công bố trên tạp chí khoa học uy tín với hệ số ảnh hưởng cao. Trung bình mỗi tiến sỹ trong biên chế của Viện đạt 01 công bố quốc tế /năm, đây là tỷ lệ trung bình của các tổ chức khoa học, trường đại học trên thế giới, một số nhóm nghiên cứu mạnh đạt tới 1,5 công bố ISI/năm. Nghiên cứu cơ bản của Viện được quốc tế đánh giá cáo và ngang tầm khu vực.

Về khoa học ứng dụng, một số sản phẩm tiêu biểu của Viện Hàn lâm KH&CN như làm chủ vệ tinh quan sát trái đất VNRed Sat-1, vệ tinh này hoạt động rất hiệu quả phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, chế tạo thành công vệ tinh siêu nhỏ Pico Dragon hoạt động trong không gian và gửi tín hiệu thành công về mặt đất, chế tạo và thử nghiệm thành công máy bay không người lái, sản xuất nhiều giống cây mới, vắc xin thành phẩm, thuốc chống sốt rét artemisinin, thuốc cắt cơn nghiện ma túy Hentos.

GS.VS Châu Văn Minh cũng nêu khó khăn mà Viện gặp phải như cơ chế chính sách còn gây nhiều khó khăn trong việc thực hiện đề tài, chương trình nghiên cứu khoa học. Cơ sở vật chất, trang thiết bị thiếu thốn, chưa đồng bộ khi so sánh với khu vực ASEAN. Đặc biệt là việc thiếu hụt cán bộ khoa học và công nghệ đầu ngành do lứa nhà khoa học vàng được Nhà nước cử đi học nước ngoài từ thập nhiên 80, 90 đã đến tuổi về hưu trong khi việc thu hút cán bộ trẻ gặp rất nhiều khó khăn.

Trả lời kiến nghị của Viện Hàn lâm, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Khoa học và Công nghệ, Môi trường Quốc hội, các bộ, ngành liên quan nghiên cứu đề xuất sửa đổi quy định cho phù hợp nhằm tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà khoa học yên tâm cống hiến, phục vụ đất nước.

Chủ tịch Quốc hội cũng nêu vấn đề, ngành khoa học và công nghệ được dành 2% tổng chi ngân sách hàng năm. Tuy nhiên năm nào cũng không giải ngân hết. Trong khi đó các viện vẫn thiếu cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Khoa học và Công nghệ, Môi trường Quốc hội nghiên cứu báo cáo vấn đề này, cần thiết làm một giám sát chuyên đề việc thực hiện ngân sách cho khoa học công nghệ.

Chủ tịch Quốc hội cho biết thêm, sẽ bố trí đi thực tế một đơn vị nghiên cứu. Bà đề nghị “các đồng chí đừng đưa đến chỗ đàng hoàng, tôi sẽ đi đến chỗ đang yếu, đang thiếu”. Đề nghị của Chủ tịch Quốc hội nhận được nhiều tràng pháo tay hưởng ứng.

Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ đạo Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ tập trung làm tốt một số việc như đẩy mạnh ứng dụng KH&CN vào sản xuất, thương mại hóa các sản phẩm phục vụ phát triển kinh tế xã hội. Tiếp tục triển khai các chương trình nghiên cứu khoa học cơ bản trong một số lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh như toán học, vật lý, khoa học sự sống, khoa học biển. Xây dựng một số phòng thí nghiệm, viện nghiên cứu chuẩn quốc tế.

Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ đạo Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực khoa học công nghệ phù hợp với bối cảnh cạnh tranh toàn cầu đồng thời đẩy mạnh hợp tác quốc tế, chủ động hơn nữa trong đề xuất cơ chế, chính sách phù hợp với thực tế, nâng cao năng lực nghiên cứu, dự báo về yêu cầu phát triển khoa học và công nghệ phù hợp với điều kiện cụ thể của nước ta, nhằm xây dựng chiến lược khoa học và công nghệ phục vụ sự phát triển bền vững của đất nước.

MỚI - NÓNG