Nhà khoa học vẫn phải… nói dối

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh đối thoại với các nhà khoa học dưới sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, sáng 11/4/2018. Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh đối thoại với các nhà khoa học dưới sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, sáng 11/4/2018. Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN.
TP - Dự toán kinh phí còn phức tạp, tốn thời gian hơn làm nghiên cứu khiến nhà khoa học vẫn phải nói dối, thời gian phê duyệt đề tài quá dài hay khó khăn trong thu hút người giỏi về làm việc là phản ánh của các nhà khọc học trong buổi đối thoại sáng qua (11/4).

Dự toán kinh phí dày hơn nội dung nghiên cứu

Đây là buổi đối thoại giữa Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính với các nhà khoa học của hai viện nghiên cứu lớn nhất Việt Nam là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam. Nội dung là tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình đăng ký, nghiên cứu, nghiệm thu các đề tài, dự án, chương trình nghiên cứu khoa học. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tham dự.

Báo cáo của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Việt Nam- đại diện cho ý kiến cán bộ khoa học của viện nêu, công tác quản lý các đề tài, dự án được thực hiện theo Thông tư 55/2015 về Định mức xây dựng phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí với nhiệm vụ KH&CN có sử dụng ngân sách Nhà nước, Thông tư 27 Quy định khoán chi thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách Nhà nước. Những quy định mới này được đánh giá là đột phá trong triển khai hoạt động nghiên cứu. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm đi vào hoạt động đã phát sinh một số khó khăn bất cập trong quá trình triển khai. Các nhà khoa học cho rằng, quy định chưa sát thực tế, thời gian triển khai từ ý tưởng khoa học đến phê duyệt triển khai thực hiện và chuyển giao ứng dụng quá dài, có nguy cơ hành chính hóa việc nghiên cứu khoa học. Cụ thể, việc triển khai các nội dung khoán theo Thông tư 27 chưa rõ ràng, khó thực hiện. Hệ quả là “các nhà khoa học vẫn phải tốn vô cùng nhiều thời gian, công sức để hoàn thành được đề cương nhiệm vụ. Phần dự toán kinh phí dày trang hơn hẳn nội dung khoa học và tốn công sức hơn rất nhiều”, báo cáo nêu.

Theo Viện Hàn lâm, quá trình triển khai Thông tư 27, với sự kiểm soát chặt chẽ của kho bạc và các cấp quản lý khiến cho việc điều chỉnh dự toán theo thực tế triển khai nhiệm vụ rất khó khăn và phức tạp, tiếp tục gây khó khăn và tốn kém thời gian, công sức của các nhà khoa học. Các nhà khoa học, vì thế vẫn phải nói dối khi thanh quyết toán nhiệm vụ như khi xưa vẫn làm. Vì vậy, Thông tư 27 từng kỳ vọng giúp các nhà khoa học không phải nói dối vẫn chưa
thành công.

PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam chia sẻ, nhiều nhà khoa học không quen cũng không có nghiệp vụ làm các định mức kỹ thuật. Vì vậy các thủ tục phải đơn giản, thật khoa học chứ không phải đơn giản để dối trá. Đại diện Viện Khảo cổ học nêu một khó khăn khác, đơn giá trong lĩnh vực khảo cổ học được thực hiện theo Thông tư 104. Tuy nhiên đến nay đã 11 năm, mức lương cơ bản đã tăng hơn 2 lần nhưng đơn giá vẫn không thay đổi.

Thời gian phê duyệt đề tài quá lâu

Theo Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, quy trình xét duyệt đề tài cấp Nhà nước hiện nay quá dài và phức tạp. Thời gian đề xuất đến khi triển khai kéo dài hàng năm hoặc hơn. Điều này giảm tính thời sự và hiệu quả của đề tài. Vì thế có chuyện một đề tài sau khi được đề xuất, do thời gian phê duyệt đến khi cấp kinh phí quá dài, đến khi triển khai thì nội dung nghiên cứu đã bị một nhóm nghiên cứu nước ngoài công bố trước dẫn đến nhóm nghiên cứu của Việt Nam không hoàn thành nhiệm vụ. Vì vậy, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam kiến nghị các bộ, ngành đẩy nhanh quá trình đưa ý tưởng vào triển khai, loại bớt các loại văn bản, biểu mẫu thủ tục hành chính.

TS Nguyễn Đình Kỳ, Phó Chủ nhiệm Chương trình Tây Nguyên 3 chia sẻ, việc đăng ký đề tài vẫn còn dài làm mất đi tính thời sự nóng hổi, làm vơi đi đam mê của các nhà khoa học. “Tâm tư của người làm khoa học là muốn đề xuất của mình được duyệt triển khai nghiên cứu ngay và khi nghiên cứu xong thì kết quả được đưa vào thực tế”, TS Kỳ nói.

Trả lời các kiến nghị, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết, Thông tư 55 và 27 chắc chắn cần rà soát và điều chỉnh. Bộ KH&CN đang làm điều này. Tuy nhiên, cơ chế, chính sách tài chính cho hoạt động KH&CN vẫn được xác định là phần không tách rời trong cơ chế, chính sách tài chính nói chung nên việc đổi mới cơ chế tài chính cho hoạt động KH&CN phải song hành với sự đổi mới trong chính sách tài chính của quốc gia. Vì thế, cần có thời gian để điều chỉnh đồng bộ những chính sách có liên quan. Những gì thuộc trách nhiệm Bộ KH&CN, bộ sẽ trực tiếp tháo gỡ ngay nếu có giải pháp cụ thể.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, việc đối thoại lần này chỉ là mở đầu gợi mở những vấn đề cần giải quyết. Thời gian tới sẽ có nhiều cuộc tương tự để có thể tiếp tục nhìn ra điểm còn vướng mắc.

Nhà khoa học đứng ngoài sản phẩm của mình

Theo TS Nguyễn Đình Kỳ, Phó Chủ nhiệm Chương trình Tây Nguyên 3, chúng ta làm khoa học rất công phu nhưng đến đoạn cuối nghiệm thu lại hết tiền, khâu chuyển giao rất khó khăn. Để chuyển giao sản phẩm lại cần những đề tài mới, vì thế nhiều nhà khoa học phải đứng ngoài sản phẩm của mình, đứng ngoài đứa con tinh thần của mình. Đây cũng là ý kiến được nhiều nhà khoa học phản ánh.

MỚI - NÓNG