Chủ tịch Quốc hội: Khánh Hoà cần phải phát triển mạnh kinh tế biển

TPO - Sáng 13/10, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đến dự và chỉ đạo Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Khánh Hoà lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025.

Tại Đại hội, Chủ tịch Quốc hội đã biểu dương những kết quả đạt được trong 5 năm qua, đồng thời nhắc nhở Đảng bộ tỉnh Khánh Hoà khắc phục những yếu điểm, thiếu sót để đưa tỉnh từng bước trở thành một trong những trung tâm kinh tế động lực, trung tâm du lịch lớn của khu vực và cả nước.

Theo báo dự thảo báo cáo chính trị của Đại hội Đảng bộ tỉnh Khánh Hoà lần thứ XVIII, giai đoạn 2016 - 2020, cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động của Khánh Hòa đã chuyển dịch theo hướng tích cực, đã chú trọng đầu tư phát triển ngành dịch vụ có hàm lượng tri thức và công nghệ cao. Chất lượng tăng trưởng được cải thiện. GRDP của tỉnh đứng thứ 23 cả nước và đứng thứ 6/14 tỉnh duyên hải miền Trung và Bắc Trung Bộ; quy mô ngành dịch vụ đứng thứ 12 cả nước và đứng thứ 4/14 tỉnh Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung sau Đà Nẵng, Thanh Hóa, Nghệ An. Hiện nay Khánh Hòa tiếp tục là một trong 16 tỉnh, thành phố cân đối được ngân sách và có làm nghĩa vụ nộp về ngân sách Trung ương.

Chủ tịch Quốc hội: Khánh Hoà cần phải phát triển mạnh kinh tế biển ảnh 1 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (bên phải) và lãnh đạo Khánh Hoà

Phát biểu chỉ đạo tại đại hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đánh giá cao kết quả đạt được của Đảng bộ, quân dân Khánh Hoà đạt được trong thời gian qua.

“Đảng bộ Khánh Hòa là một trong những Đảng bộ thành lập rất sớm (ngày 24/2/1930 - PV), chỉ 3 tuần sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập và đã trải qua 17 kỳ đại hội. Mỗi kỳ đại hội là thời điểm để Đảng bộ Khánh Hòa tiến hành tổng kết, đánh giá, rút ra những bài học kinh nghiệm và đề ra phương hướng, nhiệm vụ cho nhiệm kỳ tiếp theo. Thay mặt Bộ Chính trị, tôi nhiệt liệt biểu dương và ghi nhận những kết quả mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Khánh Hòa đã đạt được trong 5 năm qua”, Chủ tịch Quốc hội biểu dương.

Nhưng theo Chủ tịch Quốc hội, bên cạnh những kết quả đạt được thì Khánh Hòa vẫn còn những hạn chế, khuyết điểm cần phải khắc phục, sửa chữa, trong đó cần lưu ý một số vấn đề sau đây. Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, tỉnh Khánh Hòa còn có 4/20 chỉ tiêu chưa hoàn thành theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra.

“Đây là những chỉ tiêu quan trọng, phản ánh tình hình phát triển kinh tế -xã hội của tỉnh (đó là tốc độ tăng trưởng GRDP; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội). So với tiềm năng, lợi thế của một địa phương hội tụ nhiều thế mạnh, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh vẫn chưa tương xứng. Quá trình đổi mới kinh tế còn thiếu đồng bộ, khả năng hội nhập khu vực và quốc tế còn hạn chế. Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc mở rộng thị trường, cũng như hiệu quả sản xuất kinh doanh chưa cao. Công tác kêu gọi xúc tiến đầu tư, huy động các nguồn lực chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Chủ tịch Quốc hội: Khánh Hoà cần phải phát triển mạnh kinh tế biển ảnh 2 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu chỉ đạo tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Khánh Hoà

Ngoài ra, công tác quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh ở một số lĩnh vực như: đất đai, quy hoạch, xây dựng, công tác thẩm định giá... chưa tốt nên còn để xảy ra sai phạm, dẫn đến tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh và một số cán bộ chủ chốt của tỉnh bị xử lý kỷ luật, điều này làm ảnh hưởng không tốt đến uy tín của cấp ủy, chính quyền, địa phương và gây bức xúc trong xã hội.

“Để đáp lại niềm tin, sự kỳ vọng của toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh, tôi đề nghị các đại biểu dự đại hội cần tập trung phân tích, thảo luận, đánh giá đúng mức những kết quả đạt được, đồng thời cũng thẳng thắn chỉ rõ những khuyết điểm, yếu kém trong lãnh đạo, chỉ đạo, làm rõ những nguyên nhân khách quan và chủ quan để có những giải pháp phù hợp trong thời gian tới”, Chủ tịch Quốc hội chỉ đạo.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng chỉ ra một số nhiệm vụ mà Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Khánh Hoà cần phải thực hiện trong thời gian tới như sau.

Thứ nhất, tỉnh cần chủ động phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương để rà soát, đánh giá việc thực hiện Kết luận số 53-KL/TW của Bộ Chính trị; đồng thời, tham mưu, đề xuất Bộ Chính trị ban hành một nghị quyết mới vềxây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

Thứ hai, để Khánh Hòa trở thành trung tâm kinh tế biển, trung tâm du lịch, dịch vụ lớn của cả nước, tỉnh cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng, bảo đảm chất lượng và triển khai có hiệu quả quy hoạch tỉnh phù hợp với quy hoạch vùng và quy hoạch cấp quốc gia làm cơ sở định hướng cho phát triển, trong đó phải xác định rõ vị trí, vai trò của Khánh Hòa trong việc liên kết vùng Miền Trung -Tây Nguyên và hành lang kinh tế Đông - Tây.

Tập trung phát triển công nghiệp, du lịch chất lượng cao và kinh tế biển, song song với đẩy mạnh phát triển các vùng kinh tế trọng điểm và thực hiện có hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế-xã hội. Trong đó, thành phố Nha Trang phải thật sự trở thành đô thị trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị của tỉnh, trung tâm du lịch của cả nước, khu vực và thế giới.

Đối với vịnh Cam Ranh, để trở thành trung tâm kinh tế động lực phía Nam của tỉnh, khu vực này cần được ưu tiên đầu tư để phát triển sôi động hơn về cảng biển, du lịch, phát triển vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao gắn với bảo vệ vững chắc quốc phòng, an ninh...

Đối với khu vực vịnh Vân Phong, nhất là khu vực có nhiều tiềm năng như Bắc Vân Phong, cần phát triển thành trung tâm kinh tế biển hiện đại về du lịch, cảng biển, thương mại, công nghiệp công nghệ cao... Phải xem việc phát triển khu vực Bắc Vân phong, phát triển kinh tế biển là giải pháp đột phá cho sự phát triển của tỉnh trong thời gian tới.

Chủ tịch Quốc hội: Khánh Hoà cần phải phát triển mạnh kinh tế biển ảnh 3 Đại biểu dự Đại hội Đảng bộ tỉnh Khánh Hoà

Thứ ba, Khánh Hòa có vị trí chiến lược hết sức quan trọng về quốc phòng, an ninh của cả nước và khu vực miền Trung - Tây Nguyên, là cửa ngõ lên Tây Nguyên, có Quân cảng Cam Ranh và đặc biệt có huyện Trường Sa, là tuyến đầu bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Do vậy, Khánh Hòa phải kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh. Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và thế trận biên phòng toàn dân.

Thứ tư, cần tập trung hoàn thiện bộ máy chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, đẩy mạnh cải cách hành chính, công tác phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Thứ năm, cần thực hiện đồng bộ, có hiệu quả trên tất cả các mặt chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, Đảng bộ cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Quốc hội: Khánh Hoà cần phải phát triển mạnh kinh tế biển ảnh 4 Chủ tịch Quốc hội đề nghị Khánh Hoà tập trung đầu tư phát triển Khu kinh tế Vân Phong

“Ngay sau Đại hội này, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa khóa XVIII cần khẩn trương kiện toàn tổ chức bộ máy, nhân sự (lựa chọn đúng người, sắp xếp đúng việc, bố trí đúng chỗ) để bảo đảm hoạt động có hiệu lực, hiệu quả. Trong nhiệm kỳ tới, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cần tiếp tục gìn giữ sự đoàn kết, thống nhất, phát huy dân chủ, trách nhiệm, nỗ lực, quyết tâm cao nhất với tinh thần chủ động, đổi mới sáng tạo, quyết liệt để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đề ra, xứng đáng với niềm tin, sự kỳ vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh Khánh Hòa”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân căn dặn.

MỚI - NÓNG
Hà Nội cần phải bố trí, sắp xếp gần 2.500 cán bộ, công chức
Hà Nội cần phải bố trí, sắp xếp gần 2.500 cán bộ, công chức
TPO - Ngày 13/12, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài – Trưởng Ban Chỉ đạo thành phố về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18 đã ký ban hành Thông báo kết luận của Thường trực Ban chỉ đạo thành phố về định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị thành phố.
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.