Nâng cao nội lực, củng cố vị thế
Về cơ bản Hiệp định CPTPP giữ nguyên nội dung của Hiệp định TPP nhưng cho phép các nước thành viên tạm hoãn 20 nhóm nghĩa vụ để đảm bảo cân bằng về quyền lợi và nghĩa vụ của các nước thành viên trong bối cảnh Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp định TPP.
Việc tham gia và sớm phê chuẩn Hiệp định CPTPP giúp Việt Nam thể hiện cam kết mạnh mẽ đối với đổi mới và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; khẳng định vai trò và vị thế địa – chính trị quan trọng của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á cũng như châu Á – Thái Bình Dương, thực sự nâng cao vị thế của nước ta trong khối ASEAN, trong khu vực cũng như trên trường quốc tế.
Theo Thông cáo số 10, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, sáng ngày 2/11, buổi sáng, Quốc hội nghe tờ trình, các báo cáo về việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan và tiến hành thảo luận tổ về nội dung này.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch nước, bên cạnh những thuận lợi tham gia CPTPP cũng đặt ra những thách thức về kinh tế- xã hội, thu ngân sách, hoàn thiện khung khổ pháp luật, thể chế. Việc mở cửa các hoạt động kinh tế, đi kèm với các quy định về lao động, minh bạch hóa, chống tham nhũng… đòi hỏi chúng ta cần chủ động, nỗ lực đổi mới, tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật, thiết lập các cơ chế quản lý để vừa phù hợp với điều ước quốc tế nhưng cũng đảm bảo vững chắc sự ổn định về chính trị- xã hội của ta.
Về tình hình phê chuẩn, theo Chủ tịch nước, đến nay đã có 4 nước hoàn thành thủ tục pháp lý về việc phê chuẩn, các nước còn lại đang tiến hành thủ tục nội bộ để phê chuẩn Hiệp đinh. Ngoài các nước đã ký Hiệp định, hiện có một số nước khác cũng quan tâm đến việc gia nhập CPTPP khi Hiệp định có hiệu lực. Hiệp định CPTPP quy định có thể kết nạp thành viên mới tham gia trên cơ sở được tất cả các nước chấp nhận…
GDP tăng 1,31%, xuất khẩu tăng 4,04%
Báo cáo Thuyết minh về Hiệp định CPTPP, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, việc tham gia CPTPP về tổng thể là có lợi cho Việt Nam. CPTPP có thể giúp GDP và xuất khẩu của Việt Nam tăng tương ứng là 1,32% và 4,04% đến năm 2035. Tổng kim ngạch nhập khẩu cũng có thể tăng thêm 3,8% thấp hơn tốc độ tăng xuất khẩu nên tác động tổng thể đến cán cân thương mại là thuận lợi.
Ngoài ra, việc có quan hệ FTA với các nước CPTPP sẽ giúp ta có cơ hội cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu theo hướng cân bằng hơn, từ đó giúp ta nâng cao tính độc lập tự chủ của nền kinh tế.
Về mặt xã hội, tham gia CPTPP sẽ tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập và góp phần xoá đói giảm nghèo. CPTPP có thể giúp tổng số việc làm tăng bình quân mỗi năm khoảng 20.000 - 26.000. Về xóa đói giảm nghèo, theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, đến năm 2030, CPTPP dự kiến sẽ giúp giảm 0,6 triệu người nghèo ở mức chuẩn nghèo 5,5 đô-la Mỹ/ngày.
Thách thức về quy định lao động và an toàn, an ninh thông tin
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra một số những thách thức đối với một số mặt hàng như thịt lợn, thịt gà , giấy, thép, ô tô, dịch vụ quảng cáo, dịch vụ logistics v.v. có thể đối mặt với thách thức về cạnh tranh…
Trong lĩnh vực lao động, theo Phó Thủ tướng, thách thức ở đây liên quan đến việc sửa đổi luật pháp về quyền thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp và sự quản lý của Nhà nước để đảm bảo hoạt động của các tổ chức này tuân thủ đúng pháp luật Việt Nam, phù hợp với nguyên tắc "tuân thủ pháp luật của nước sở tại" đã nêu trong Công ước 87 của ILO, đồng thời giữ vững ổn định chính trị - xã hội.
Ngoài ra, một thách thức nữa trong lĩnh vực an toàn, an ninh thông tin. Hiện Việt Nam đã ký thư song phương với các thành viên CPTPP về các nghĩa vụ tự do lưu chuyển thông tin và yêu cầu đặt máy chủ tại nước sở tại trong 2 điều khoản thuộc Chương Thương mại điện tử. Thư song phương này có giá trị hạn chế khả năng Việt Nam bị khiếu kiện trong vòng 5 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.
Vì vậy, theo Phó Thủ tướng trong và sau lộ trình 5 năm, Việt Nam cần xây dựng kế hoạch, biện pháp thực thi các nghĩa vụ của Hiệp định CPTPP, Luật An ninh mạng, cũng như một số văn bản pháp luật khác liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến việc lưu chuyển thông tin và đặt máy chủ tại Việt Nam nhằm vừa bảo đảm an ninh quốc gia nhưng cũng vừa tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của thương mại số trong bối cảnh Việt Nam đang thúc đẩy kinh tế số.
Với tên gọi trước đây là Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), CPTPP đã được 11 nước thành viên bao gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, Singapore, New Zealand, Peru và Việt Nam ký kết hồi tháng 3/2018 tại Chile sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận này.
Đến nay, đã có 6 nước phê chuẩn CPTPP gồm Mexico, Nhật Bản, Singapore, New Zealand, Canada và Australia.