Chủ tịch LH các Hội UNESCO VN: 'Tôi nghĩ, Bộ VH-TT và DL đã có sự hiểu nhầm'

Người đứng đầu Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam khẳng định, công tác động viên, khen thưởng được quy định trong điều lệ của Hội
Người đứng đầu Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam khẳng định, công tác động viên, khen thưởng được quy định trong điều lệ của Hội
Ngày 6-9, Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch đã có công văn số 3754/BVHTTDL-TTr gửi Thủ tướng Chính phủ đánh giá về hoạt động trao danh hiệu cho cộng đồng do một số tổ chức xã hội thực hiện trong thời gian qua, trong đó có Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam, Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam và Hội Sinh vật cảnh Việt Nam.  Nhà ngoại giao Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam đã có ý kiến về vấn đề này

PV:  Thưa ông, ông đánh giá thế nào về nội dung của văn bản số 3754/BVHTTDL, ngày 6/9/2017 của Bộ VHTT&DL gửi Thủ tướng Chính phủ?

Ông Nguyễn Xuân Thắng:  Câu chuyện này không mới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khởi sự từ đầu tháng 3-2017 bằng công văn số 932/BVHTTDL-TTr do Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên ký, cho rằng “Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam, Liên hiệp các Hội Khoa học – Kỹ thuật Việt Nam, Hội Sinh vật cảnh Việt Nam đã vượt thẩm quyền “tổ chức vinh danh và công nhận “Cây Di sản”; cấp bằng cho hệ thống đền đạt chuẩn hóa đền thờ Tam, Tứ phủ theo nghi lễ văn hóa truyền thống Việt Nam; Bằng công nhận “Việt Nam Linh thiêng cổ tự”; Bằng chứng nhận “Nghệ nhân văn hóa dân gian”; Bằng chứng nhận tôn vinh “Nghệ nhân” đồng thời đề nghị các hội có tên trên dừng các hoạt động này.

Khi đó, Ban Chấp hành Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam họp ngày 27-3-2017, thống nhất đánh giá, văn bản của Bộ VHTT&DL có nhiều điểm thể hiện sự quan liêu, thiếu tinh thần xây dựng, gây tổn hại uy tín và các lợi ích hợp pháp của Liên hiệp. BCH Liên hiệp cũng thông qua nghị quyết cần báo cáo sự việc này với cơ quan cấp trên của Bộ VHTT&DL là Thủ tướng Chính phủ để làm rõ những vấn đề mà Bộ VHTT&DL đã đưa ra, đồng thời có công văn đề nghị Bộ trưởng Bộ VHTT&DL giải thích thỏa đáng với Liên hiệp và công luận về những vấn đề liên quan.

Công văn ngày 6-9-2017 của Bộ VHTT&DL chỉ là đề cập lại những vấn đề đã nêu ở công văn trước, nhưng trên một số góc nhìn khác. Cuộc họp Thường vụ BCH Liên hiệp ngày hôm nay, 9-9-2017 một lần nữa khẳng định bảo lưu ý kiến của mình như trong các công văn đã trình bày với Thủ tướng Chính phủ về Bộ VHTT&DL.

PV:  Trong cả hai công văn kể trên, Bộ VHTT&DL đều khẳng định, việc vinh danh, cấp bằng chứng nhận danh hiệu của một số tổ chức xã hội, trong đó có Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam là chưa được pháp luật quy định. Đối chiếu với hoạt động của mình, quan điểm của Liên hiệp như thế nào về việc này?

Có thể nói “chưa được pháp luật quy định” hay “không nằm trong diện quy định của pháp luật” cũng giống nhau. Bởi chính vì các bộ luật không thể quy định hết cho mọi vấn đề của đời sống, không quy định cho nhiều hoạt động cụ thể của xã hội nói chung, trong đó có các tổ chức xã hội dân sự cho nên các tổ chức xã hội - nghề nghiệp mới cần phải có điều lệ riêng, phải được Chính phủ phê chuẩn về chức năng và nhiệm vụ riêng cho từng tổ chức. Nguyên tắc căn bản của các tổ chức dân sự là hoạt động bằng tinh thần tự nguyện, tự quản, tự chịu trách nhiệm trước luật pháp và tự trang trải kinh phí (tức là không dùng kinh phí của Nhà nước như các cơ bộ, ngành). Đây chính là một nguồn sức mạnh to lớn mà Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng, khai thác phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, trong đó việc phát hiện những tấm gương tích cực, những người có thành tích trong nhân dân để kịp thời tuyên dương khen thưởng là một việc làm mang tính đạo lý.

Để nói về hoạt động liên quan đến công tác động viên, thi đua khen thưởng của tổ chức của chúng tôi, một tổ chức hoạt động trên rất nhiều lĩnh vực chuyên môn, trong khuôn khổ bài phỏng vấn này không thể nói hết được. Nhưng chúng tôi xin khẳng định trong 25 năm hoạt động Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam luôn tuân thủ các quy định luật pháp. Mọi hoạt động của Liên hiệp là xuất phát từ nhu cầu của trí thức và nhân dân Việt Nam tình nguyện tập hợp xung quanh Liên hiệp đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, không vì lợi ích của bất kỳ cá nhân hay nhóm lợi ích nào. Theo Điều lệ được Bộ Nội vụ phê chuẩn: “Liên hiệp có nhiệm vụ và nghĩa vụ khen thưởng và trao giải thưởng của Liên hiệp cho các cá nhân và tập thể trong cộng đồng có thành tích đóng góp vào sự nghiệp nâng cao dân trí, xây dựng đất nước theo tiêu chí UNESCO”, đồng thời có nhiệm vụ “giúp đỡ, hướng dẫn, bảo trợ di tích, danh thắng và các hoạt động của hội viên và của cộng đồng có nội dung liên quan đến UNESCO khi có yêu cầu”. Điều lệ cũng quy định “Hội viên, tổ chức của Liên hiệp có đóng góp xuất sắc cho Liên hiệp; các tập thể cá nhân trong và ngoài nước có những đóng góp thiết thực, hiệu quả cho hoạt động của Liên hiệp, cho đất nước phù hợp với tiêu chí của Liên hiệp và UNESCO thì Liên hiệp xem xét khen thưởng hoặc được đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền khen thưởng”.

Các hoạt động khen thưởng, động viên của tổ chức chúng tôi, trong đó có hình thức chứng nhận hoạt động cho hội viên hoàn toàn không phải là hoạt động “xếp hạng di tích” hoặc là “tôn vinh các danh hiệu cao quý cấp Nhà nước” như Bộ VHTT&DL cố tình áp vào Luật Thi đua khen thưởng, Luật Di sản Văn hóa. Tất cả các hoạt động này đều thuộc thẩm quyền của Liên hiệp, bằng danh nghĩa Liên hiệp, chủ yếu để động viên cho hoạt động của các hội viên của Liên hiệp. Đa số các chứng nhận hoặc khen thưởng đó đều gắn với những nội dung, loại hình hoạt động cụ thể do các đơn vị thành viên đề xuất và thực hiện, được Liên hiệp xem xét, ủng hộ, phù hợp với hành lang của luật pháp và không nằm trong diện quy định và điều chỉnh chính sách của luật pháp.

Tiếp nữa, những hoạt động của Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam về thi đua khen thưởng, cấp chứng nhận, chứng chỉ (chủ yếu là dành cho hội viên) đều không nằm trong diện điều chỉnh của chính sách Nhà nước hoặc quy định của luật pháp. Hoạt động thi đua khen thưởng, cấp chứng nhận của Liên hiệp trong 25 năm qua chưa từng bị hiểu nhầm sang hình thức thi đua khen thưởng cấp Nhà nước. Tôi nghĩ ở đây, Bộ VHTT&DL đã có sự hiểu nhầm.

ảnh 3

Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam cho biết, sẽ tiếp tục bảo vệ quan điểm của mình, các hoạt động vinh danh

PV:  Trong suốt 6 tháng qua, dù đã có rất nhiều các văn bản trao đi đổi lại, Bộ và Liên hiệp đã bao giờ gặp trực tiếp trao đổi và tháo gỡ những vướng mắc chưa?

Văn bản đầu tiên của Bộ VHTTDL ký ngày 10-3-2017, mãi đến 17 ngày sau Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam mới nhận được. Trong khi đó Bộ VHTT&DL đã gửi văn bản tới tất cả các cơ quan chính quyền cấp tỉnh thành trong cả nước. Trước đó Bộ không hề tiến hành xác minh điều tra các nội dung đã nêu trong công văn với các đương sự liên quan, với tổ chức chủ quản là Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam. Với văn bản lần này, Bộ VHTT&DL ký ngày 6-9-2017 cũng diễn ra tương tự. Đây là báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, nhưng theo chúng tôi được biết Văn phòng Chính phủ vẫn chưa nhận được và nhiều cơ quan chức năng chưa xử lý văn bản này. Trong bối cảnh đó chúng tôi đã nhiều lần tìm cách liên lạc với những người có trách nhiệm của Bộ VHTT&DL để được xin tư vấn phương pháp tháo gỡ, nhưng các đề nghị của chúng tôi không được đáp ứng.

PV: Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam sẽ tiếp tục làm gì để bảo vệ quan điểm của mình, các hoạt động vinh danh, cấp bằng chứng nhận cho các cá nhân tập thể vẫn được tiến hành theo đúng kế hoạch chứ?

Ông NXT. Với công văn lần này, Bộ VHTT&DL đã đẩy mâu thuẫn lên mức cao hơn bằng cách tiếp tục đưa thêm những thông tin, những kết luận không minh bạch có thể làm cho dư luận càng hiểu sai về Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam. Trong suốt 6 tháng vừa qua, mặc dù các hội viên ở các địa phương thúc giục Liên hiệp có công văn để tháo gỡ khó khăn trong hoạt động, nhưng cho đến nay Liên hiệp vẫn chưa có một văn bản nào gửi các địa phương trong khi chưa có ý kiến chính thức của Chính phủ, của Bộ VHTT&DL. Sở dĩ Liên hiệp có thể kiên nhẫn như vậy là vì chúng tôi muốn bày tỏ sự tôn trọng đối với Bộ VHTT&DL và chờ đợi ý kiến chỉ đạo của Chính phủ.

Việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của tổ chức với hơn 10 ngàn hội viên của Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam là trách nhiệm pháp lý và là nghĩa vụ đạo đức của Ban Chấp hành Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam.

Theo Theo An Ninh Thủ Đô
MỚI - NÓNG