Thống kê từ Sở Y tế thành phố Hà Nội, từ năm 2006 đến nay, riêng Hà Nội, tổng số ca tử vong do bệnh dại trên chó, mèo lên tới 56 trường hợp. Cụ thể, từ 2014 đến 2016, toàn thành phố ghi nhận 8 trường hợp tử vong do bệnh dại. 9 tháng năm 2017 ghi nhận 2 trường hợp tử vong do bệnh dại tại Quốc Oai và Ba Vì. Mỗi năm có khoảng 8.000 người dân Hà Nội phải đi tiêm phòng vaccine và huyết thanh kháng dại tại các cơ sở y tế.
Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, cả 2 trường hợp tử vong vì bệnh dại trong năm 2017 đều có nguyên nhân là sau khi bị chó cắn chủ quan không đi tiêm phòng nên khi phát bệnh dại lên cơn không thể cứu chữa được. Theo ông Cảm, tiêm phòng là cách duy nhất đối phó với bệnh dại hiện nay do vẫn chưa có thuốc đặc trị trên thế giới. Sai lầm cơ bản nhưng nghiêm trọng nhất mà đa số các trường hợp mắc phải là không tiêm phòng bệnh dại.
Theo thống kê của Chi cục Thú y (Sở NN&PTNT Hà Nội), hiện, tổng đàn chó, mèo trên địa bàn khoảng 423.000 con. Trong những năm qua, tình hình dịch bệnh trên đàn chó, mèo được kiểm soát tương đối tốt. Tuy nhiên, số người tử vong do bệnh dại lây truyền từ hai loài vật nuôi này vẫn rất đáng lo ngại. Đại diện Chi cục Thú y Hà Nội cho biết, công tác quản lý chó, mèo tại các địa phương hiện còn rất lỏng lẻo, chưa được quan tâm đúng mức, nhất là ở vùng nông thôn. Tình trạng chó, mèo thả rông còn rất phổ biến, cả ở khu vực thành thị lẫn nông thôn. Tuy nhiên chế tài xử lý còn yếu nên nhiều chủ hộ không chấp hành tiêm phòng vaccine dại.
Công tác tiêm phòng bệnh dại cho vật nuôi cũng được tăng cường trên cả nước theo Chương trình Quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại giai đoạn 2017 – 2021 của Thủ tướng Chính phủ. Riêng tại Hà Nội, tỷ lệ này thuộc nhóm cao nhất toàn quốc với trên 70% vật nuôi được tiêm phòng bệnh dại.
Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết thêm, trong giai đoạn từ nay đến năm 2021, thành phố sẽ xây dựng thí điểm 5 vùng an toàn bệnh dại tại 5 quận gồm: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa và Cầu Giấy. Trong đó sẽ tổ chức tiêm phòng định kỳ, tẩy giun, triệt sản và đeo thẻ, gắn chíp giám sát dịch bệnh cho chó, mèo trong vùng an toàn bệnh dại. Đảm bảo an toàn cho cư dân và cả du khách khi đến tham quan, tìm hiểu về Thủ đô.
Các đơn vị trực thuộc sẽ quản lý chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán chó trong vùng dịch; thành lập các đoàn kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn công tác phòng chống bệnh dại tại các địa bàn trọng điểm. Chú trọng công tác phòng bằng việc tổ chức các đợt tiêm phòng bổ sung nhằm bảo đảm tỷ lệ tiêm phòng đạt trên 80% so với tổng đàn; tăng cường giám sát để phát hiện sớm bệnh dại trên động vật, ngăn chặn triệt để và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.