Như đã thông tin, trên mạng xã hội hôm qua đến nay lan truyền đăng tải clip “chủ quán” nướng tại Bắc Ninh xúc phạm, đe dọa một cô gái, lý do cô đăng bài “bóc phốt” quán bán đồ ăn không đảm bảo vệ sinh.
Trong clip cô gái khóc lóc, hoảng sợ và quỳ gối xin lỗi chủ quán, bên cạnh có một người đàn ông đưa cho cô gái tờ giấy yêu cầu cô gái ký vào. Trong clip, chủ quán còn có những câu nói đe dọa, nhục mạ, xúc phạm nhân phẩm của cô gái “mày có chui xuống đất bố mày cũng đào được mày lên, kể cả là cái thằng đầu gấu nhất cái tỉnh Bắc Ninh này bảo kê cho mày”.
Ngay sau khi clip được đăng tải đã thu hút được rất nhiều sự quan tâm của mạng xã hội. Đa phần đều rất bức xúc và phẫn nộ với hành động của chủ quán, hành vi trên của chủ quán không những không thể chấp nhận được, mà thậm chí còn vi phạm pháp luật về xúc phạm nhân phẩm danh dự của người khác. Chủ tịch UBND TP Bắc Ninh Nguyễn Song Hà cho hay, hiện ông Thiện, Chủ quán này đã bị tạm giữ.
Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho hay, Điều 155 Bộ Luật hình sự năm 2015 về tội làm nhục người khác.
So với Bộ Luật hình sự 1999, Bộ Luật hình sự năm 2015 đã bổ sung tình tiết tăng nặng định khung: Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông phương tiện điện tử để phạm tội; Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.
Luật sư Bình phân tích, người phạm tội phải là người có hành vi (hành động) được thể hiện bằng lời nói hoặc hành động xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm danh dự của người khác như: lăng mạ, chửi rủa thậm tệ, lột quần áo giữa đám đông ngườiv.v... để làm nhục người khác, người phạm tội có thể có những hành vi vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực như: bắt trói, tra khảo, vật lộn, đấm đá hoặc dùng phương tiện nguy hiểm khống chế đe doạ buộc người bị hại phải làm theo ý muốn của mình, nhưng tất cả các hành vi, thủ đoạn đó chỉ nhằm mục đích là làm nhục chứ không nhằm mục đích khác.
“Đưa lên trang mạng internet hình ảnh riêng tư mang tính bêu rếu làm nhục người khác... cũng phạm tội. Về phía người bị hại hành vi này đã bị xâm phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự. Có những căn cứ để xác định như thế nào là nhân phẩm, danh dự bị xâm phạm nghiêm trọng như: trình độ nhận thức, mối quan hệ gia đình và xã hội, địa vị xã hội, quá trình hoạt động của bản thân người bị hại, phong tục tập quán, truyền thống gia đình v.v... Dư luận xã hội trong trường hợp này cũng có ý nghĩa quan trọng để xác định nhân phẩm, danh dự của người bị hại bị xâm phạm tới mức nào. Sự đánh giá của xã hội trong trường hợp này có ý nghĩa rất lớn để xác định hành vi phạm tội của người có hành vi làm nhục” – Luật sư Bình phân tích và đối chiếu với vụ việc xảy ra với Chủ quán Nhắng nướng Hiền Thiện.
Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định:
1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Phạm tội 02 lần trở lên;
b) Đối với 02 người trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Đối với người đang thi hành công vụ;
đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình;
e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;
g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Làm nạn nhân tự sát.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.