Hóa giải nỗi sợ sai - Bài 5:

Chủ nhiệm HTX 'khoán chui': Mình không làm thì dân sẽ đói!

0:00 / 0:00
0:00
TP - Gặp chúng tôi, chủ nhiệm HTX “khoán chui” Đoàn Xá (nay thuộc huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng) ngày nào bày tỏ sự hào hứng khi nhắc đến chủ trương của Đảng trong khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.

Theo ông, Chính phủ cần sớm luật hóa, cụ thể hóa, làm rõ ranh giới mục đích của dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, “chứ như hiện nay, cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám quyết, dám làm, dám đột phá thấy nhiều quá”, ông nói.

Thà bị kỷ luật còn hơn nhìn dân đói khổ

Về xã Đoàn Xá (huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng) vào những ngày tháng 4, một bức tranh no ấm hiện ra trước mắt: cánh đồng lúa xanh rì đang đương thì con gái; đường bê tông, hệ thống thủy lợi chạy xuống tận ruộng đồng…. Nơi đây, 46 năm về trước, chính quyền xã đã giao ruộng đất cho các hộ gia đình sản xuất, hay còn gọi là “khoán chui”. Năm thành viên trong Ban Thường vụ Đảng ủy xã “cả gan” ban hành Nghị quyết “xé rào” ngày nào giờ chỉ còn duy nhất còn ông Phạm Hồng Thưởng, ở cuối làng ven sông Văn Úc.

Chủ nhiệm HTX 'khoán chui': Mình không làm thì dân sẽ đói! ảnh 1

Chân dung ông Phạm Hồng Thưởng, người khởi phát phong trào “khoán chui”

Ở tuổi 76, trông ông vẫn quắc thước, hoạt bát. Biết chúng tôi muốn tìm hiểu chuyện xưa, chuyện nay về cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, ông bảo vẫn thường xuyên nghe đài, xem ti vi về tình hình đất nước và lắng nghe nhịp sống của người dân địa phương. Ông bộc bạch, thời gian gần đây thấy tình trạng cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám quyết, dám làm ngày càng nhiều. Điều đó được thể hiện rõ qua việc thiếu vật tư, thiết bị, thiếu thuốc ở các bệnh viện; thủ tục hành chính đất đai, đầu tư chậm trễ; nhiều dự án chậm tiến độ…

Nhắc đến kết luận 14 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, ông “chủ nhiệm khoai lang” tỏ ra hào hứng và rất hưởng ứng. Ông đề xuất, Chính phủ cần sớm luật hóa, cụ thể hóa, làm rõ ranh giới mục đích của dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung, với thực hiện nhiệm vụ của cán bộ theo các quy định của Đảng, Nhà nước giao. Theo ông, với những người dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung, vì lợi ích của người dân thì phải có chính sách bảo vệ trước những rủi ro…

Chủ nhiệm HTX 'khoán chui': Mình không làm thì dân sẽ đói! ảnh 2

Một góc cánh đồng lúa tại xã Đoàn Xá (Kiến Thụy, Hải Phòng). Ảnh: Nguyễn Hoàn

Kể lại thời điểm “xé rào” thực hiện “khoán chui” vào những năm 1977- 1978, ông chia sẻ, khi đó nhiều cán bộ cứ như ngồi trên lửa vì đi ngược lại chủ trương, chính sách. Bản thân là chủ nhiệm hợp tác xã (HTX) ông cũng trăn trở, suy nghĩ nhiều ngày trước thực tế khó khăn đang diễn ra và bài học của ông Kim Ngọc - Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc vẫn còn đó…

Theo ông, HTX Đoàn Xá khi đó có gần 1.000 mẫu ruộng nhưng năng suất rất thấp, toàn mấy chục kg/sào. “Ruộng thì nhiều nhưng bà con không có lúa gạo phải ăn khoai lang thay cơm, thậm chí vì đói mà 60 người phải bỏ làng đi ăn xin nên người dân mắng ông là “chủ nhiệm khoai lang”. Nhiều người dân đề xuất HTX giao khoán ruộng cho xã viên cày cấy, để cải thiện năng suất lao động, chống đói.

Sau nhiều đêm trăn trở, ông quyết định trao đổi và được Ban Thường vụ Đảng ủy xã họp bàn, thống nhất ra Nghị quyết khoán ruộng cho dân cày, còn gọi là “khoán chui”.

Cả Ban Thường vụ Đảng ủy xã bàn rồi nhất trí, sẵn sàng nhận kỷ luật nếu chuyện bị lộ. Năm 1978, HTX Đoàn Xá chỉ giao thí điểm 20% diện tích cho các hộ trồng lúa, cuối vụ năm đó bà con bội thu. Hợp tác xã chỉ thu 70kg/sào theo quy định, trong số này 30% nộp về quỹ HTX, 30% nộp thuế, còn lại tính công cho người sản xuất, còn sản lượng vượt chỉ tiêu dân được hưởng. “Khi thực hiện “khoán chui”, từ người già đến trẻ nhỏ đều vui vẻ ra đồng. Ngay vụ đầu tiên, năng suất vượt trội, có hộ đạt 150kg/sào, gia đình được hưởng tới gần 1 tạ thóc nên bà con no cái bụng, rất phấn khởi.

Ngược lại, ruộng của HTX năng suất vẫn lẹt đẹt, 30-50kg/sào, không đủ chỉ tiêu. Sau đó, xã Đoàn Xá quyết định giao liên tiếp vụ sau lên 30%, rồi 50% ruộng cho dân”, ông Phạm Hồng Thưởng nhớ lại.

Dân cần những người dám nghĩ, dám làm

Tuy nhiên, khi mùa màng ngày càng bội thu thì cũng là lúc “khoán chui” bị lộ. Huyện An Thụy (thời điểm chưa sáp nhập) đã cử cán bộ tranh tra về. Một cán bộ thanh tra huyện về xã “răn đe”: Hai ông Bí thư, Chủ tịch từng đi bộ đội, vào chiến trường không chết, về địa phương các ông cẩn thận vì cọng rơm lại bị kỷ luật. Sau đó, huyện cũng lập hồ sơ, báo cáo đề xuất kỷ luật. Tiếp đó, lại có cán bộ ở Trung ương về nằm vùng cả tháng trời xem HTX Đoàn Xá giao ruộng cho dân cấy lúa như thế nào…

Khoảng tháng 4/1980, ngay sau khi xã Đoàn Xá vừa sáp nhập vào huyện Đồ Sơn, ông Nguyễn Đình Nhiên - Bí thư Huyện ủy Đồ Sơn gặp ông Thưởng (thời điểm này ông giữ chức Bí thư xã Đoàn Xá) và nói, muốn về địa phương chơi vì nghe nói ông làm cái gì về nông nghiệp sai lầm rất nghiêm trọng. Mấy hôm sau, Bí thư Huyện ủy về nhà Bí thư xã ăn cơm tối, hai người tâm sự đến đêm khuya. Nghe cấp dưới báo cáo xã đã khoán 50% diện tích cho dân cày, năng suất vượt trội, dân có gạo ăn, Bí thư Huyện ủy Đồ Sơn quyết định hủy buổi họp hôm sau để trực tiếp lội ruộng thăm đồng.

Chủ nhiệm HTX 'khoán chui': Mình không làm thì dân sẽ đói! ảnh 3

Bia đá ghi dấu nơi mở đầu phong trào khoán sản phẩm cây lúa tại xã Đoàn Xá. Ảnh: Nguyễn Hoàn

Ngày hôm sau, chứng kiến ruộng của xã viên lúa tốt bời bời, đối lập với ruộng của HTX, Bí thư Huyện ủy thốt lên “lợi ích trông thấy như vậy sao lại bảo làm sai, tớ sẽ về họp Ban Thường vụ Huyện ủy đề nghị Thành ủy Hải Phòng cho thí điểm toàn huyện như Đoàn Xá”.

Nói là làm, ông Nguyễn Đình Nhiên lên báo cáo ông Bùi Quang Tạo - Bí thư Thành ủy và ông Đoàn Duy Thành - Chủ tịch UBND thành phố xin chủ trương. Ngay tháng 6/1980, huyện Đồ Sơn ra Nghị quyết giao 50% ruộng cho các hộ dân. Một tháng sau, Thành ủy Hải Phòng đề xuất Trung ương cho khoán 100% diện tích ruộng cho dân cấy.

Nhắc lại những chuyện này, ông bảo, do may mắn được lãnh đạo huyện, lãnh đạo thành phố nhạy bén và có những quyết định đúng đắn nên “khoán chui” không những không bị kỷ luật mà còn được nhân rộng. Liên tiếp hàng chục, hàng trăm đoàn công tác các xã, các huyện khắp các tỉnh về thăm, trao đổi kinh nghiệm “khoán chui”.

“Khi họp quyết định giao khoán chui, 5 anh em trong Ban Thường vụ Đảng ủy xã Đoàn Xá chỉ nghĩ mong muốn bà con no cái bụng, không bỏ làng đi ăn xin. Mọi người đều xác định thà bị kỷ luật chứ không nhìn dân đói. Sau khi chuyện vỡ lở, nhiều cán bộ các xã khác ủng hộ cách làm này nhưng không ai dám phát biểu, không ai dám nói ra và bảo vệ mình”, ông Phạm Hồng Thưởng bồi hồi kể lại.

Nhắc đến chuyện nay, ông bảo, đất nước đang đổi mới, ngày càng tươi đẹp. Tuy nhiên để phát triển hơn nữa, rất cần những cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì dân, vì đất nước.

“Ở Đoàn Xá ngày nay không có hộ đói ăn nữa, hộ nghèo cũng chỉ là nhà chưa cao, cửa chưa rộng, đồ dùng sinh hoạt chưa cao cấp, đắt tiền thôi”, ông “chủ nhiệm khoai lang” cười nói. Bày tỏ quan điểm trước tình trạng cán bộ sợ sai, ông cho rằng, nếu hết lòng vì dân, đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết thì không có gì phải sợ.

Huyện An Thụy (TP Hải Phòng) được thành lập năm 1969, trên cơ sở sáp nhập huyện Kiến Thụy và huyện An Lão, gồm 37 xã, trong đó có xã Đoàn Xá. Tháng 3/1980, Chính phủ quyết định giải thể huyện An Thụy, 21 xã gồm xã Đoàn Xá được sáp nhập với thị xã Đồ Sơn thành huyện Đồ Sơn. Tháng 6/1988, huyện Đồ Sơn chia thành thị xã Đồ Sơn và huyện Kiến Thụy, trong đó có xã Đoàn Xá cho đến ngày nay.

Năm 1977, xã Đoàn Xá (An Thụy, Hải Phòng) là nơi đầu tiên trên cả nước thực hiện thành công mô hình khoán ruộng cho nông dân. Nơi đây chính là khởi đầu cho cơ chế khoán nông nghiệp, là bước quyết định chấm dứt thời kỳ đói kém của đất nước.

Năm 2013, xã Đoàn Xá là một trong số ít xã đầu tiên tại Hải Phòng về đích xây dựng nông thôn mới. Từ đó đến nay, xã Đoàn Xá hoàn thành chương trình nông thôn mới nâng cao qua đó, góp phần thành công của huyện Kiến Thụy đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020, được Thủ tướng Chính phủ công bố vào tháng 7/2022. Đầu năm 2023, UBND xã Đoàn Xá tiếp tục đi đầu lập đề án xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG