Trước thông báo của Trung tâm Dự phòng và kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) về việc tại bang Iowa của nước này đã phát hiện 3 trường hợp nhiễm chủng virut cúm mới, mới đây Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã có công điện gửi các Viện vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur yêu cầu chủ động phòng, chống dịch cúm mới xâm nhập và lây lan tại Việt Nam, nhất là trong điều kiện thời tiết lạnh và diễn biến bất thường như hiện nay.
Chủng virus cúm mới nguy hiểm
Thông báo của CDC cho thấy, chủng virut cúm mới có tên S-OtrH3N2 là chủng virut nguy hiểm hơn do biến chủng tái tổ hợp từ chủng cúm A/H1N1 đại dịch năm 2009 và cúm A/H3N2 có nguồn gốc từ lợn. Tại nước ta cho tới thời điểm này chưa ghi nhận trường hợp nào mắc chủng virus cúm mới S-OtrH3N2.
Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, với nhiều loại virus cúm mùa thông thường như cúm B, cúm A/H1N1, H3N1, H5N1… có mặt ở nước ta thì việc các chủng virus cúm này kết hợp với nhau hoặc biến chủng tạo nên virus cúm mới có độc lực cao và nguy hiểm hơn có thể xảy ra.
Mặc dù cúm A/H1N1 và H3N2 đã tái tổ hợp với nhau tạo chủng virus cúm mới nhưng đáng lo ngại vẫn là sự tái tổ hợp giữa cúm A/H5N1 kết hợp với chủng cúm A/H1N1. Vì chủng H1N1 có khả năng lây lan rất nhanh, còn chủng H5N1 có độc lực mạnh nên nguy cơ xảy ra dịch cúm độc lực mạnh, lây lan nhanh trên diện rộng là rất cao.
Chủ động phòng tránh trong điều kiện thời tiết lạnh
Thời tiết lạnh và ẩm thấp là điều kiện thuận lợi cho virus cúm phát triển, số người mắc bệnh cúm thường tăng cao. Các chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân không nên chủ quan với bệnh cúm, khi có biểu hiện cúm cần đến cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời, nhất là những đối tượng có nguy cơ cao như phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ, người có bệnh mạn tính,…
Cục Y tế dự phòng đã yêu cầu các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur tăng cường kiểm dịch y tế biên giới, đặc biệt theo dõi những người bị sốt, có biểu hiện cúm đến từ khu vực có dịch. Các cơ sở y tế tăng cường giám sát các chùm ca bệnh cúm, trường hợp viêm phổi nặng nghi do virus tại cộng đồng, phát hiện sớm các thay đổi và sự lưu hành của virus cúm, thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình dịch bệnh để có kế hoạch ứng phó kịp thời. Chủ động phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới và Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ để hợp tác hỗ trợ về chuyên môn kỹ thuật trong giám sát, phát hiện chủng virut cúm mới nói trên.
Theo Hà An
Sức Khỏe & Đời Sống