Chống tham nhũng phải công khai tài sản cán bộ, đảng viên

0:00 / 0:00
0:00
TP - Các chuyên gia nhận định để phòng chống tham nhũng hiệu quả, cơ quan chức năng cần thực hiện nghiêm giải pháp về nguồn gốc tài sản, thu nhập cá nhân của cán bộ, đảng viên.

Chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành cho rằng, khi mới quyết định thành lập Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng (PCTN) nhằm bài trừ tham nhũng hăng hái nhưng 10 năm qua chưa giải quyết được triệt để vấn đề. Những vụ án chống tham nhũng, khởi tố các đối tượng mới như “hái lá trên ngọn cây” để trừ sâu, chứ chưa giải quyết căn cơ vấn đề tham nhũng. Trong 10 năm qua, chúng ta vẫn chưa giải quyết căn cơ được căn bệnh “ung thư” tham nhũng.

Chống tham nhũng phải công khai tài sản cán bộ, đảng viên ảnh 1

Sau khi Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch tập đoàn FLC bị bắt, thị trường chứng khoán mới dần được ổn định. Ảnh: Trọng Tài

“Từ trung ương đến địa phương gặp nhiều vấn đề tham nhũng trong hệ thống tổ chức của Đảng và cần giải pháp căn cơ để giải quyết. Việc xử lý tham nhũng không thể như xử lý khối u, mỗi ngày phẫu thuật, cắt chỗ này, chỗ kia. Giải quyết vấn đề liên quan xử lý tham nhũng là vấn đề sống còn của Đảng. Vì vậy, việc xử lý một vài bộ trưởng, Ủy viên trung ương Đảng là bước đầu của quá trình thực hiện chống tham nhũng. Về lâu dài, ban lãnh đạo Đảng phải quyết tâm thanh lọc Đảng một cách toàn diện”, ông Thành kiến nghị.

Chống tham nhũng phải công khai tài sản cán bộ, đảng viên ảnh 2

Cơ quan công an thực hiện khám xét nhà riêng của một cựu bộ trưởng có liên quan Cty Việt Á. Ảnh: Duy PhẠM

Ông Thành cho rằng, một trong những giải pháp để phòng chống tham nhũng có thể thực hiện ngay từ bản kê khai tài sản của cán bộ, đảng viên. Các bản kê khai này cần được công khai chứ không nên kê khai xong rồi cất ngăn tủ và nói là tài liệu mật. Kinh nghiệm quốc tế, nhiều quốc gia dùng biện pháp thu thuế để giải quyết vấn đề tài sản của đảng viên, cán bộ. Cán bộ kê khai thu thập, đóng thuế hằng năm. Ví dụ, cán bộ thu nhập 50 triệu đồng nhưng có tài sản tới 50 tỷ đồng cần làm rõ nguồn gốc tài sản này. Nếu chủ tài sản không giải trình được nguồn gốc, Nhà nước có quyền đánh thuế, thậm chí tịch thu tài sản 50 tỷ đồng này. Tại Việt Nam, có tình trạng khi cán bộ giải trình tài sản có nói của chồng/vợ/con/bố mẹ. Việc này cần kê khai nguồn gốc, thu nhập của những người liên quan, họ hàng liên quan tài sản của cán bộ khi kê khai.

“Thu nhập cá nhân của cán bộ cần phải khai báo rõ ràng và nộp thuế dựa trên thu nhập này. Liên quan đến thu nhập cá nhân của cán bộ vẫn còn tình trạng nể nang nhau, chưa xử lý. Phải xử lý vấn đề gốc rễ thu nhập cá nhân của đảng viên, cán bộ. Nếu cán bộ, đảng viên có thu nhập ít hơn tài sản cá nhân thì phải chứng minh. Nếu cán bộ, đảng viên không chứng minh được thu nhập, cần tịch thu”, ông Thành đề xuất.

TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương, cho rằng, cần vận dụng kinh tế số, công khai, minh bạch, rõ ràng chi tiêu của từng bộ ngành, từng khoản chi tiêu. Đặc biệt phải tiết kiệm ở tất cả các khâu, chu trình. “Để giảm thiểu tình trạng tham nhũng vặt, cán bộ công chức hành dân, chúng ta cần áp dụng công nghệ số, để mọi quy trình thủ tục minh bạch, có sự giám sát cụ thể. Khi mọi thông tin minh bạch, sẽ không còn tình trạng nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người dân và từng bước góp phần phòng chống tham nhũng”, ông Doanh nói.

MỚI - NÓNG