> Đề nghị lập cơ quan chuyên trách điều tra tham nhũng
> Tham nhũng đang làm xói mòn lòng tin, tăng nợ xấu
“Có vị đại biểu tâm sự mỗi lần ra họp Quốc hội là lãnh đạo địa phương căn dặn rất kỹ lưỡng: Muốn phát biểu gì cũng được trừ phát biểu về tham nhũng vì nếu phát biểu khi còn cơ chế xin cho thì mình xin ai cho; càng không phát biểu tham nhũng ở địa phương vì dại gì mà vạch áo cho người xem lưng. Thế là tiếng nói chống tham nhũng có nguy cơ bị triệt tiêu ngay trên diễn đàn Quốc hội” - ĐB Lê Như Tiến phát biểu.
Nguy cơ vô hiệu ngay tại diễn đàn Quốc hội
ĐB Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa - Vũng Tàu) chỉ đích danh, nguyên nhân cản trở sự phát triển kinh tế -xã hội, phá hoại nỗ lực xây dựng phát triển đất nước, làm xói mòn lòng tin của nhân dân trong nhiều năm qua là tình trạng tham nhũng, lãng phí.
Theo ĐB Hiến, kinh tế suy thoái, khó khăn hiện nay có nguyên nhân rất quan trọng - tham nhũng tràn lan, các dự án đều phải chạy chọt, bôi trơn. Chính tham nhũng gây nên nợ xấu, tồn kho và doanh nghiệp là nạn nhân. Đầu tư công còn dàn trải, còn hội chứng sân bay, cảng biển, vẫn có vấn đề lợi ích nhóm; lãng phí là để tham nhũng vì số tiền chia chác chiếm đoạt tỷ lệ thuận với giá trị đầu tư. Vì vậy chiếc cầu chỉ cần 70 m đã làm đến 450 m như đại biểu Trần Du Lịch nêu.
Một cán bộ cấp cao ngành dầu khí còn nói thẳng hiện tượng Dương Chí Dũng - Vinalines, Vinashin không phải là cá biệt, phần xã hội biết chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Thực chất vấn đề còn nghiêm trọng hơn rất nhiều những chuyện đã được phanh phui đưa ra ánh sáng. Đó là phản ánh của một cử tri có trách nhiệm trước tình trạng lãng phí, tham nhũng trong đầu tư từ nguồn ngân sách mà chúng ta không thể làm ngơ được nữa. Vì thế tôi đề nghị quyết liệt và quyết liệt thật sự trong đấu tranh chống tham nhũng bằng hành động cụ thể để mang lại kết quả cụ thể.
“Trước đây chúng ta coi trọng các biện pháp phòng, ngừa, nay chúng ta cần quyết liệt chống tham nhũng, chống cũng là để phòng ngừa” - Ông Hiến nhấn mạnh và đề nghị, năm 2014 cần tập trung thanh tra, kiểm toán tất cả các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, các dự án giao thông, đầu tư từ nguồn vốn ngân sách, kể cả đầu tư ra nước ngoài.
ĐB Lê Như Tiến (Quảng Trị) nói “hình ảnh” rằng, chúng ta đã bầy binh bố trận rầm rộ, chiến lược, chiến thuật bài bản, dàn quân toàn tuyến, khí thế hừng hực, quân lực và hỏa lực hùng hậu, song giặc nội xâm tham nhũng chưa bị sát thương bao nhiêu. “Cử tri cho rằng, nợ xấu về tài chính tiền tệ cũng đáng lo ngại, song lo ngại nhất là nợ xấu lòng tin và tồn đọng trách nhiệm trong phòng, chống tham nhũng.
Tại phiên thảo luận tổ ĐBQH đề nghị các cơ quan phòng, chống tham nhũng nên tập trung vào chiến dịch bắt hổ. Với những siêu vụ án làm thất thoát của nhà nước hàng trăm nghìn tỷ đồng, hơn là dàn những trận lớn chỉ để bắt mèo nhỏ chuột con. Có như thế mới nhanh chóng giải tỏa được tâm lý trong dân. Mèo ăn miếng thịt chẳng tha, hổ vồ con lợn đứng mà thở than” - ông Tiến nói.
Cả tỉnh làm không đủ tiền mua “đống sắt vụn”
ĐB Nguyễn Văn Hiến phân tích, trong khi Chính phủ trình Quốc hội nâng trần bội chi phát hành thêm trái phiếu để chi tiêu, để đảo nợ và lo sợ quốc gia vỡ nợ thì rất nhiều tiền của dân bị chiếm đoạt: 1m2 nhà vệ sinh được nâng giá lên 7 lần, một thiết bị lặn trị giá 100 triệu được nâng lên nhiều tỷ đồng, những con đường đắt nhất thế giới không hề có một sự giải thích thỏa đáng, một đống sắt vụn được nâng giá 4 lần lên đến 525 tỷ rồi những con tàu, những công trình hàng nghìn tỷ khác không biết đã được nâng giá bao nhiêu lần.
Gần nửa triệu người dân Bắc Kạn cả năm chỉ làm ra 354 tỷ, hơn nửa triệu dân Điện Biên cả năm chỉ làm ra 522 tỷ chưa đủ trả tiền mua đống sắt vụn đó!
ĐB Hiến dẫn chứng tiếp, chi đầu tư phát triển năm 2013 cho tỉnh Ninh Thuận chỉ 179 tỷ, cho Bắc Kạn 235 tỷ, cho Bến Tre 267 tỷ, Hậu Giang 284 tỷ chỉ bằng 1/3 đến nửa giá trị của đống sắt vụn kia.
“Chung ta lên án hành vi chuyển giá của các doanh nghiệp nước ngoài mà chưa nghiêm khắc với hành vi chuyển dịch tài sản cho người thân của nhiều quan chức tham nhũng. Khi người dân không kiểm soát được thu nhập của các công bộc thì kê khai chỉ mang tính hình thức, chiếu lệ mỗi khi đề bạt, bổ nhiệm, bầu cử, ứng cử hoặc bỏ phiếu tín nhiệm; tai mắt nhân dân trong phòng, chống tham nhũng không có điều kiện để tỏ tường vì thiếu thông tin, minh bạch” . Đại biểu Lê Như Tiến |
Và ông đặt câu hỏi, đến bao giờ bữa cơm của các cháu học sinh ở Tây Bắc có thịt và không còn phải học trong những cái chuồng; đến bao giờ những cô giáo ở miền tây Thanh Hóa không phải mời khách bằng những con nòng nọc; làm sao để không còn những nữ sinh phải tìm đến cái chết vì quá nghèo vì không có nổi 1 triệu đồng nộp phạt vi phạm luật giao thông như ở Tây Nguyên; làm sao để không còn những phụ nữ quyên sinh để cho gia đình có được sổ hộ nghèo như ở miền Tây Nam Bộ?
“Nếu chúng ta kiên quyết chống tham nhũng hiệu quả đó là câu trả lời cho những câu hỏi đó. Chúng sẽ có nhiều nhà vệ sinh hơn, nhiều con tầu hơn, nhiều con đường hơn và chúng ta không phải nâng trần bội chi, không phải phát hành thêm trái phiếu. Nếu chúng ta không chống được tham nhũng thì phát hành trái phiếu là vay tiền để nuôi tham nhũng” - ông Hiến nói.
ĐB Nguyễn Bá Thuyền kể, có vị phó chủ tịch có 3 máy điện thoại lúc nào cũng reng đều. Nhưng từ khi cơ cấu vào Thường vụ làm Trưởng ban Tuyên giáo, không ai gọi nữa, tưởng máy hư đem đi sửa nhưng người ta bảo máy của anh vẫn tốt đấy chứ... “Rõ ràng bộ máy có chỗ có nguy cơ tham nhũng cao, có chỗ sẽ nhờ vả nhiều; cho nên phải khoanh vùng những đối tượng có nguy cơ tham nhũng cao, để đề ra giải pháp khắc phục tốt hơn” - ông Thuyền kiến nghị.
Sợ liên lụy
Theo ĐB Tiến, tập đoàn, tổng công ty không thể tự mình gây thất thoát, tham nhũng hàng nghìn tỷ đồng, nhiều triệu đô la, nếu không có sự buông lỏng quản lý, sự tiếp tay, tiếp sức, tiếp mưu, đồng hành, đồng lõa, đồng phạm của một số cán bộ công chức các cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương và địa phương. Lợi ích nhóm được hình thành từ liên minh ma quỷ đó, hệ lụy là tiền thuế của nhân dân, ngân khố quốc gia ngày ngày bị bòn rút, đục khoét, xói mòn, thâm hụt thì dường như những người này đang đứng ngoài cuộc, vô can.
Gần đây có một hiện tượng đáng buồn là người dân đã thờ ơ không mấy mặn mà, thiếu lửa, giảm nhiệt trong phòng, chống tham nhũng. Nguyên nhân thực trạng được vị ĐB tỉnh Quảng Trị chỉ rõ, thực tế nhiều người đứng ra tố cáo tham nhũng không chỉ bị trả thù, mà còn bị cô lập trở thành đơn thương độc mã, tạo ra tâm lý xã hội người ngay sợ kẻ gian, tâm lý thờ ơ vô trách nhiệm hoặc makeno (mặc kệ nó). Có người khuyên ĐB im lặng là vàng nhưng ĐBQH mà không nói lên tiếng nói của cử tri thì suốt đời là người mắc nợ.
“Vì sợ liên đới, những người đứng đầu thường che chắn, vun vén cho khéo khi có tham nhũng xảy ra. Chính họ đứng ra chỉ đạo, biến báo, nhào nặn số liệu làm các phép thuật để tham nhũng chỉ còn là khuyết điểm hoặc sơ suất. Vì thế nhiều người nói xung quanh chúng ta toàn đồng chí tốt; một bộ phận không nhỏ là ở nơi khác, cơ quan khác, ngành khác, địa phương khác” - ông Tiến nói.
Cần thượng phương bảo kiếm
ĐB Lê Như Tiến cho rằng, hiện nay bảng kê khai tài sản thường được cất kín đáo, cẩn mật trong tủ hồ sơ của các cơ quan quản lý cán bộ mà không công khai niêm yết ở cơ quan, nơi người công tác thường trú. Có cán bộ cấp phòng ở một thành phố sau hơn 1 năm tài sản tăng thêm lên đến hàng chục tỷ đồng, có cậu bé mới lớn đã tích lũy được cả biệt thự sang trọng và vài lô đất trong phố. Chúng ta lên án hành vi chuyển giá của các doanh nghiệp nước ngoài mà chưa nghiêm khắc với hành vi chuyển dịch tài sản cho người thân của nhiều quan chức tham nhũng. Khi người dân không kiểm soát được thu nhập của các công bộc thì kê khai chỉ mang tính hình thức, chiếu lệ mỗi khi đề bạt, bổ nhiệm, bầu cử, ứng cử hoặc bỏ phiếu tín nhiệm; tai mắt nhân dân trong phòng, chống tham nhũng không có điều kiện để tỏ tường vì thiếu thông tin, minh bạch.
“Chúng tôi xin kiến nghị bên cạnh các cơ quan điều tra hiện có cần thành lập Cục điều tra tội phạm tham nhũng trực thuộc Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng với cơ chế đặc biệt được trao “thượng phương bảo kiếm” có quyền điều tra độc lập để câu hỏi lớn của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tại phiên họp thứ 21 của UBTVQH vừa qua “liệu có tham nhũng tiêu cực, bao che trong chính các cơ quan bảo vệ pháp luật và trong chính các lực lượng phòng, chống tham nhũng không”, sớm có câu trả lời” - ông Tiến chốt lại.
Phát biểu tại phiên thảo luận sau đó, Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang khẳng định, thời gian tới sẽ tập trung quyết liệt đối với công tác chống tội phạm tham nhũng.
Nhức nhối bảo kê tội phạm, án oan
ĐB Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, nguyên nhân của tội phạm có một phần do bộ phận cán bộ có chức quyền thoái hóa, biến chất bảo kê để doanh nghiệp, các băng nhóm hoạt động theo kiểu xã hội đen, khai thác tài nguyên, khoáng sản, vật liệu xây dựng...“Nguyên nhân nói trên làm cho niềm tin của nhân dân và hoạt động của bộ máy công quyền xuống rất thấp, gây tâm lý bức bách, xu hướng tự xử lý, tụ tập đông người gây sức ép, tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định về chính trị, xã hội”- ông Hiến nói.
Vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang) được nhiều ĐB lấy để dẫn chứng cho chất lượng điều tra, xét xử hiện nay. Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết trách nhiệm của cơ quan, cá nhân trong vụ án này sẽ được làm rõ. Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình khẳng định, vụ việc ông Chấn sẽ được xem xét một cách khách quan, triệt để.
Phát biểu vấn đề tội phạm trẻ, ĐB Nguyễn Đình Quyền cho rằng, có vấn đề khủng hoảng niềm tin. Đám tang của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho thấy thế hệ trẻ rất khát khao niềm tin, khát khao thần tượng. “Chúng ta phải nhìn lại mình, phải làm gương cho thế hệ sau tin vào, nhìn vào và noi theo” - ông Quyền nói.
Chống tham nhũng như bắt chuột trong mâm cỗ “Tham nhũng nó như con chuột khi vào mâm cỗ thì phải lừa ra để bắt, chứ nếu chúng ta bực quá, chúng ta lấy búa đập nát con chuột tan tành ở mâm cỗ thì lại hỏng. Cho nên mình phải hết sức khôn ngoan, làm sao bắt được chuột mà giữ được mâm cỗ”- ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng). |