Mối tương quan kỳ lạ này ở nền kinh tế lớn thứ tư châu Á, nơi tình trạng ô nhiễm không khí đang trầm trọng hơn các quốc gia cùng trình độ phát triển khác, xuất phát từ niềm tin từ xa xưa của những thợ đào than rằng mỡ lợn giúp làm sạch bụi bẩn trong cổ họng.
Đối với Han Dong-jae, một học sinh cấp 2, ăn món thịt ba chỉ nướng béo ngậy vào một ngày ô nhiễm khói bụi là bài học mà mẹ cậu đã dặn đi dặn lại.
“Cháu ăn nhiều thịt lợn hơn khi nồng độ bụi trong không khí đậm đặc như hôm nay”, cậu học sinh 15 tuổi nói khi đang ngồi bên bếp nướng thịt trong một nhà hàng thịt nướng ở Seoul cùng mẹ sau giờ tan học.
“Tôi nghĩ điều này có thể hữu ích, vì thịt lợn có mỡ và mỡ giúp cổ họng trơn láng”, cậu nói.
Các nhà khoa học nói rằng niềm tin này không có cơ sở nào, nhưng sản lượng bán thịt lợn tăng khoảng 1/5 trong thời gian từ 28/2-5/3, khi bụi ô nhiễm bao trùm hầu hết các khu vực ở Hàn Quốc, theo số liệu bán hàng của các chuỗi siêu thị E-Mart và Lotte Mart.
Hàn Quốc đang vật lộn với tình trạng ô nhiễm không khí độc hại, một sự kết hợp giữa bụi bẩn từ các nhà máy nhiệt điện chạy than và khí thải từ các phương tiện giao thông, cũng như chất ô nhiễm bay từ Trung Quốc và Triều Tiên sang.
Năm 2017, chất lượng không khí ở Hàn Quốc tồi tệ nhất trong nhóm các nền kinh tế phát triển, theo số liệu của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD).
Hàn Quốc đăng ký mức 25,1 microgram bụi kích thước nhỏ hơn 2,5 micro mét trên một mét khối không khí mỗi năm, cao gấp đôi ngưỡng 12,5 của OECD, nhưng vẫn thấp hơn mức trung bình 44,2 của thế giới.
Ô nhiễm đang ảnh hưởng đến các doanh nghiệp và chính sách của Hàn Quốc, đẩy giá cổ phiếu của các công ty sản xuất khẩu trang và máy lọc không khí lên. Một luật mới được thông qua đề ra biện pháp khắc phục “thảm họa xã hội” này. Theo đó, các quỹ khẩn cấp có thể được sử dụng.
Ông Cho Seog-yeon, một giáo sư ngành kỹ thuật môi trường tại ĐH Inha, kêu gọi cần nghiên cứu thêm nữa để xác định tác hại chính xác của nồng độ bụi bẩn dày đặc trong không khí.
Người dân đối phó với tình trạng ô nhiễm không khí bằng khẩu trang hoặc ở trong nhau. Nhưng ở đất nước mà 28% dân số nuôi thú cưng, bảo đảm sức khỏe cho những con vật này cũng là một ưu tiên.
Sản lượng bán khẩu trang cho thú cưng tăng 5 lần trong đầu tháng 3 này, Suh Hyuk-jin, giám đốc nhà sản xuất các sản phẩm phục vụ thú cưng Dear Dog, cho biết.
Sống ở Incheaon, một thành phố phía tây bắc thủ đô Seoul, Cho Eun-hye mua một chiếc khẩu trang cho chú chó 18 tháng tuổi Hari của mình vì con vật này cần đi dạo 2 lần mỗi ngày.
“Rất bất tiện, nhưng tôi nghĩ chúng tôi phải sống quen với cách đó”, cô nhân viên văn phòng 36 tuổi cho biết.