Nhìn theo bóng dáng xinh đẹp của vợ vừa mất hút đằng xa, ngửi trong không khí vẫn còn thoang thoảng mùi nước hoa vương lại, anh Thăng chỉ biết cười khổ. Không phải anh không hài lòng khi cuối tuần chị “bỏ rơi” bố con anh ở nhà để đi hẹn hò mua sắm với mấy cô bạn. Cũng chẳng phải anh không thích chị ăn diện đẹp đẽ ra ngoài. Anh phiền não là vì một chuyện hoàn toàn khác!
Chị Hoa - vợ anh Thăng có một tủ quần áo đầy ắp, phấn son, nước hoa… các loại cũng không ít. Thế nhưng lại có chuyện, một lần đồng nghiệp trên công ty ghé thăm nhà anh có việc, chị Hoa là người ra mở cổng. Sau đó trên công ty anh rộ lên tin đồn, anh Thăng đâu có đến nỗi nào mà có một chị vợ xấu xí, luộm thuộm và già nua, khiếp lắm! Anh Thăng nghe mà chỉ biết ấm ức trong lòng.
Họ cứ thử nhìn lúc vợ anh đi làm hoặc ra ngoài đường mà xem, ắt hẳn sẽ có nhận xét hoàn toàn khác! Bởi vì, tủ quần áo của chị nhiều là thế nhưng chẳng có lấy một bộ mặc nhà nào ra hồn. Bởi vì, vợ anh lúc ra ngoài với lúc ở nhà thực sự khác nhau một trời một vực. Ra ngoài, chị có thể được nhận xét là xinh đẹp, nhưng về nhà, đến mẹ bổi còn phải gọi là sư phụ!
Có hôm anh thấy chị tha ở đâu về một bọc quần áo cũ. Anh hỏi thì chị hồn nhiên đáp: “Em mót của đứa bạn. Mấy bộ mặc nhà ấy anh, thấy nó bỏ đi mà vẫn ngon quá nên xin luôn!”. Anh nhìn vợ vui vẻ, hớn hở như vớ được mớ hời mà ngán ngẩm không để đâu cho hết. Có phải anh chưa bao giờ nói đâu.
Nhưng hễ anh phàn nàn thì chị lại tuôn một tràng những lí lẽ của mình: “Bảo là đi làm, liên quan đến bộ mặt của công ty, liên quan đến công việc và sự nghiệp của mình thì không nói. Bảo là ra ngoài chơi, hàng nghìn con mắt đổ vào thì không nói. Đằng này ở nhà, mặc gì đâu có quan trọng, thế nào mà chả được! Tiết kiệm được tí nào hay tí đấy anh ạ!”.
Thể theo phương châm ấy, chị chả bao giờ dành tiền để mua đồ mặc nhà. Một là chị đi xin, hai là toàn mua đồ hàng chợ, thùng thình, bèo nhèo, giặt được đôi lần đã muốn như cái giẻ lau. Thế nhưng chị vẫn hồn nhiên mặc, bất chấp cái nhìn của chồng. Nói mãi thì chị gắt lên: “Anh hay nhỉ, cứ quan trọng hóa vấn đề lên thế.
Ở nhà có ma nào ngắm đâu mà cầu kì!”. “Thế còn anh thì sao? Hay cái nhìn của anh chẳng quan trọng chút nào?” – anh bực quá gắt lên. Chị nhìn anh như thể ngạc nhiên lắm: “Vợ chồng sống với nhau bao năm rồi anh còn cầu kì thế à? Có phải mới yêu đương hẹn hò đâu anh, hình thức quan trọng gì! Cứ xuề xòa cho thoải mái, dễ chịu anh ạ!”. Anh câm nín không thốt nên lời.
Có lần anh cố tình chọn mua mấy bộ mặc nhà hàng hiệu tặng chị, nhưng vài hôm sau đã chẳng thấy đâu nữa, trong khi chưa thấy chị mặc lần nào. Anh hỏi thì chị cười gượng: “Cái Lan (em gái chị) nó thấy đẹp, nó thích nên em để lại cho nó rồi! Lấy tiền làm việc khác anh ạ, ở nhà mặc đẹp cũng có làm gì đâu!”. Anh nghẹn họng. Anh cũng nghi ngờ, không biết Lan gạ gẫm chị hay chính chị đi mời chào cô em gái mua cho nữa!
Một điều nữa khiến anh Thăng cũng sầu não ghê gớm, đó là đồ lót của chị cũng chung tình trạng bị đối xử tệ bạc như đồ mặc nhà. Nhiều chiếc quần lót đã cũ sờn, bạc màu, thậm chí là sứt chỉ, nhăn nheo, áo lót thì dây xoắn như lò xo rồi mà chị vẫn tiếc rẻ chưa muốn thay. Quả thực cũng ảnh hưởng đến hứng thú trong vấn đề chăn gối phết ấy! Anh nhắc khéo thì chị tỉnh bơ: “Vẫn còn dùng tốt mà anh!”. Chị đúng là hết thuốc chữa thật rồi. Cái suy nghĩ ấy đã ăn sâu vào xương tủy chị, thật khó bề thay đổi được!
Khi ở nhà, không những quần áo mà tác phong, đầu tóc chị cũng rất qua loa, đại khái. Tóc chị chỉ khi ra ngoài mới chải, còn bình thường toàn túm túm rồi buộc vội lên cho xong. Ấy thế nhưng khi có việc ra ngoài, như là đi hẹn hò mua sắm với mấy người bạn như vừa rồi chẳng hạn, chị lại vội vã chạy vào phòng ngủ thay đồ, chỉnh trang. Và khi bước ra, chị dường như lột xác, biến thành một người hoàn toàn khác cho mà xem!
Đấy, có vợ “2 mặt” như vậy, thử hỏi sao anh không muốn khóc ròng cho được!