Chống dịch COVID-19: Nghệ An xét nghiệm gần 1.000 người từng điều trị tại BV Bạch Mai

Gần 1000 người Nghệ An trở về từ BV Bạch Mai phải cách ly tại nhà.
Gần 1000 người Nghệ An trở về từ BV Bạch Mai phải cách ly tại nhà.
TPO - Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 đang diễn ra tại BV Bạch Mai, tỉnh Nghệ An sẽ tiến hành lấy mẫu xét nghiệm của tất cả những người đã đến điều trị tại BV Bạch Mai từ ngày 10/3 gửi ra Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.

Tối 29/3, trao đổi với Tiền phong, ông Bùi Đình Long – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết, Nghệ An có gần 1.000 người trở về từ BV Bạch Mai. 

UB tỉnh giao Sở Y tế chỉ đạo triển khai rà soát và lập danh sách các trường hợp (bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, học sinh, sinh viên,…) đã đến BV Bạch Mai từ ngày 10/3/2020. Phối hợp ban chỉ đạo các huyện, thành, thị tiến hành theo dõi, cách ly tại nhà.

Đồng thời sẽ lấy mẫu xét nghiệm của tất cả những bệnh nhân đã từng điều trị tại BV Bạch Mai nay đã về nhà hoặc chuyển về các BV Nghệ An, gửi ra Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.

Theo thống kê, số người đi khám, điều trị tại BV Bạch Mai trong khoảng thời gian từ ngày 10-24/3 là 962 người, trong đó có 121 bệnh nhân điều trị nội trú và 841 bệnh nhân khám ngoại trú.  

Thông tin từ Sở Y tế Nghệ An, tính đến ngày 29/3, toàn tỉnh đang thực hiện cách ly theo dõi 4.171 trường hợp. Trong đó, cách ly tại gia đình và nơi cư trú là 656 trường hợp (có 207 trường hợp về từ BV Bạch Mai); cách ly tập trung tại tuyến huyện là 106 trường hợp; cách ly tập trung tuyến tỉnh là 3.371; cách ly tại bệnh viện là 38 trường hợp.

“Nghệ An đang chủ động hoàn toàn nhưng rõ ràng dịch bệnh cũng đang diễn biến phức tạp, công dân Nghệ An bất cứ thành phần nào, hãy đừng đi nhà hàng, cafe, mua sắm vào dịp này; cũng không nên quá lo sợ, tích tụ hàng hóa…”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An khuyến cáo.

Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn Nghệ An vẫn chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm COVID-19.

Nhiều tỉnh, thành ĐBSCL giảm 50% số chuyến xe khách liên tỉnh vì COVID -19

Ngày 29/3, Sở GTVT TP Cần Thơ cho biết, thực hiện đợt cao điểm phòng chống dịch COVID - 19, từ hôm nay Cần Thơ sẽ giảm 50% số chuyến đối với một số loại hình vận tải hành khách công cộng kể từ ngày 29/3 đến ngày 15/4.

Chống dịch COVID-19: Nghệ An xét nghiệm gần 1.000 người từng điều trị tại BV Bạch Mai ảnh 1 Cần Thơ sẽ giảm 50% số chuyến đối với một số loại hình vận tải hành khách công cộng kể từ ngày 29/3 đến ngày 15/4.

Cụ thể, giảm từ 50% số chuyến đối với 4 tuyến xe buýt trong nội ô TP Cần Thơ. Tạm ngưng hoạt động 4 tuyến xe buýt liên tỉnh. Đối với hoạt động vận tải hành khách theo tuyến cố định, giảm 50% số chuyến so với kế hoạch trên tất cả các tuyến vận tải hành khách cố định từ TP Cần Thơ đến các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Giảm 60% số chuyến từ TP Cần Thơ đi TP HCM và tạm dừng các tuyến đến Hà Nội, Bình Thuận, Đà Nẵng và Quảng Ninh. Giảm 50 % số chuyến đối với hoạt động vận tải hành khách theo hình thức hợp đồng, du lịch, trung chuyển và vận tải hành khách bằng taxi cũng giảm 50% số chuyến.

Sở GTVT yêu cầu các đơn vị khi vận chuyển hành khách tối đa không quá 50% sức chứa và không quá 20 người/chuyến, hành khách buộc phải mang khẩu trang và bắt buộc khai báo y tế theo quy định.

Chống dịch COVID-19: Nghệ An xét nghiệm gần 1.000 người từng điều trị tại BV Bạch Mai ảnh 2 Khu vực nhà chờ ở Bến xe Trung tâm TP Cần Thơ vắng khách.
Chống dịch COVID-19: Nghệ An xét nghiệm gần 1.000 người từng điều trị tại BV Bạch Mai ảnh 3  
Về hoạt động giao thông đường thủy, tuyến vận tải hành khách cố định tại Bến tàu khách Cần Thơ, vận chuyển hành khách du lịch tại Cảng hành du lịch Ninh Kiều, Bến tàu khách Du lịch phường An Bình và Mỹ Khánh và các Du thuyền toàn bộ đều tạm ngưng hoạt động. Riêng các bến khách ngang sông giảm 50% số chuyến.
Chống dịch COVID-19: Nghệ An xét nghiệm gần 1.000 người từng điều trị tại BV Bạch Mai ảnh 4

Từ 0 giờ ngày 28/3, tại các điểm kiểm tra, tất cả người dân đi vào TP Cần Thơ  đều được giám sát, kiểm tra y tế.

Đà Lạt: Tung tin thất thiệt người trốn cách ly, 2 thanh niên bị xử phạt: Ngày 29/3, nguồn tin từ Công an TP.Đà Lạt, đơn vị đã ra quyết định xử phạt 10 triệu đồng đối với N. H. T (trú Phường 9) và 12,5 triệu đối với T. H. L (ngụ Phường 3, TP Đà Lạt) về hành vi đưa thông tin sai sự thật lên mạng xã hội Facebook, gây hoang mang dư luận địa phương.

Ngoài ra, 2 thanh niên này phải gỡ bỏ nội dung thông tin sai sự thật và đăng tin cải chính trên trang Facebook cá nhân.

Trước đó, chiều 25/3, 2 người này đưa lên mạng xã hội Facebook thông tin một cô gái có tài khoản “Linda Nguyen” từ Maylaisia về nước đã trốn khỏi nơi cách ly y tế tại tỉnh Bến Tre lên Đà Lạt cùng bạn.

Thông tin này nhanh chóng thu hút nhiều người đọc và chia sẻ khiến dư luận xôn xao. Công an tỉnh Lâm Đồng đã phối hợp với Công an tỉnh Tiền Giang và Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an khẩn trương xác minh, làm rõ.

Kết quả điều tra cho thấy chủ tài khoản “Linda Nguyen” tên là Nguyễn Trúc Linh (23 tuổi, hộ khẩu thường trú Tân Thành, Gò Công Đông, Tiền Giang), đã xuất cảnh khỏi Việt Nam ngày 24/2, hiện chưa về nước. Một người khác được 2 thanh niên này tung tin là Phạm Nguyễn Kim Ngân cũng chưa nhập cảnh về lại Việt Nam.

Tại cơ quan công an, các thanh niên này thừa nhận đã đưa thông tin sai sự thật. (Kim Anh)

Tại Tiền Giang, Sở GTVT thông báo bắt đầu từ 0 giờ ngày 28/3 đến hết ngày 15/4 có 4 tuyến xe buýt liên tỉnh phải tạm ngưng hoạt động gồm: Tuyến xe đi từ thị xã Gò Công – Ga hành khách Quận 8 (TP HCM); Tuyến từ Bến xe Tiền Giang – Cầu Cổ Chiên (tỉnh Bến Tre); Tuyến từ Bến xe Hưng Long – Mỹ An (Đồng Tháp); Tuyến từ Bến xe An Hữu – Cao Lãnh (Đồng Tháp).

Ngoài ra, các tuyến nội tỉnh hoạt động giảm 50% tần suất chạy xe/mỗi tuyến.

Đối với tuyến xe cố định, Sở GTVT Tiền Giang yêu cầu tạm ngưng hoạt động 4 tuyến từ Tiền Giang – Long An. Đối với các tuyến đi TP. HCM giảm 50% tần suất chạy xe/mỗi tuyến để ngăn ngừa, hạn chế lây lan của dịch bệnh.

Ngoài ra, các đơn vị vận tải hành khách bằng xe taxi hạn chế vận chuyển hành khách đi, đến các tỉnh, thành phố; đặc biệt là các tỉnh, thành phố đã ghi nhận ca nhiễm COVID -19 và các tỉnh, thành phố có nguy cơ lây nhiễm cao.

Xe buýt, các tuyến cố định, xe hợp đồng; phương tiện thuỷ nội địa vận chuyển hành khách: không chở quá 50% sức chứa và không quá 20 hành khách; hướng dẫn tổ chức cho hành khách giữ khoảng cách trên phương tiện, đeo khẩu trang, sát khuẩn và thực hiện khai báo y tế.

Riêng đối với phà, duy trì thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh tại bến phà nhưng lưu ý, bố trí tần suất chuyến phà hoạt động hợp lý, vận chuyển hành khách không được chở quá sức chứa 50%, đảm bảo hành khách trên phà cách nhau tối thiểu 2m và mang khẩu trang theo quy định. Từ chối vận chuyển hành khách không đeo khẩu trang, không giữ đúng khoảng cách an toàn.

Còn tại tỉnh Cà Mau, Sở GTVT cũng có công văn về việc tạm dừng hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng đường bộ, thuỷ nội địa theo tuyến cố định nội tỉnh và các tuyến xe buýt trên địa bàn tỉnh Cà Mau từ 0 giờ ngày 28/3 đến hết ngày 15/4/2020 (trừ các phương tiện vận chuyển hàng hoá), để hạn chế sự di chuyển của người dân địa phương từ khu vực này sang khu vực khác, nhằm kiềm chế mức thấp nhất dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. (Nhật Huy)

Bệnh viện Đà Nẵng không cho người nhà thăm bệnh nhân điều trị nội trú: Trưa nay (29/3), bệnh viện Đà Nẵng vừa có thông báo về việc hạn chế người thăm, nuôi bệnh để đảm bảo an toàn cho  bệnh nhân, người nhà và cán bộ nhân viên y tế trong mùa dịch COVID-19, đồng thời ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.

Theo đó, từ ngày 29/3, người nhà sẽ không được vào thăm bệnh nhân đang điều trị nội trú tại bệnh viện. Bệnh nhân nội trú chỉ được một người chăm nuôi. Người chăm nuôi sẽ được thực hiện tờ khai y tế và phát phiếu “người thăm bệnh”.  Bệnh viện cũng lưu ý thêm, người chăm nuôi hạn chế đi ra ngoài bệnh viện trong thời gian ở lại chăm sóc bệnh nhân. Hiện tại, bệnh viện đang cách ly điều trị 3 bệnh nhân nhiễm COVID-19. Trước đó, bệnh viện này đã chữa khỏi và cho ra viện bệnh nhân thứ 22,23 và 35. (Thanh Trần)

Huế: 2 người đầu tiên bị phạt vì không đeo khẩu trang nơi công cộng: Sáng 29/3, đoàn kiểm tra liên ngành phường Phú Hòa (thành phố Huế) đã liên tiếp xử phạt vi phạm hành chính hai trường hợp không đeo khẩu trang tại nơi công cộng.

Trường hợp vi phạm thứ nhất là chị Nguyễn Thị T.H (trú tại xã Hương Phong, thị xã Hương Trà, tỉnh TT-Huế; hiện là nhân viên một khách sạn tại Huế). Sáng 29/3, chị T.H có mặt tại công viên Thương Bạc, bờ bắc sông Hương, thuộc địa bàn phường Phú Hòa, nhưng không đeo khẩu trang cá nhân. Chị T.H đã vi phạm về việc thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc dịch.

Với hành vi vi phạm kể trên, chị Nguyễn Thị T.H bị phạt tiền 200.000 đồng; đồng thời bị bắt buộc mang khẩu trang tại nơi công cộng theo quy định.

Tương tự, trường hợp vi phạm thứ hai cũng bị phạt tiền 200.000 đồng là anh Hồ Văn T. (ngụ xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh TT-Huế) hiện là thợ làm nhôm kính. (Ngọc Văn)

Quảng Ninh: Bắt đầu từ đêm 29/3, người dân Hạ Long (Quảng Ninh) ra đường sau 22h không có lý do chính đáng sẽ được lực lượng chức năng đưa về các khu tập trung tại nhà văn hoá, trường học.

Ngày 28/3, tại cuộc họp trực tuyến với các xã, phường, các phòng, ban, đơn vị liên quan về thực hiện đợt cao điểm công tác phòng, chống dịch COVID-19, Bí thư thành ủy TP Hạ Long, ông Vũ Văn Diện đưa ra chỉ đạo khuyến cáo người dân ở nhà sau 22h bắt đầu từ ngày 29/3.

Những người ra đường sau thời điểm này nếu không có lý do chính đáng sẽ được lực lượng chức năng của thành phố Hạ Long đưa về các khu tập trung tại các nhà văn hóa, trường học trên địa bàn.

Ông Diện cũng khuyến khích mỗi gia đình tự trang bị nhiệt kế, đo thân nhiệt của các thành viên trong gia đình vào một giờ cố định trong ngày, tự khai báo qua hệ thống khai báo điện tử.

Việc tiếp công dân vào ngày 1 và 15 hàng tháng cũng sẽ được tạm dừng. Những người làm nghề lái taxi, xe ôm được vận động, động viên tạm nghỉ việc trong thời gian cao điểm, góp phần hạn chế việc đi lại.

Chống dịch COVID-19: Nghệ An xét nghiệm gần 1.000 người từng điều trị tại BV Bạch Mai ảnh 5Việc hạn chế đi lại sẽ góp phần chống lây lan và kiểm soát dịch bệnh tốt hơn.

Các chợ, trung tâm thương mại, cửa hàng vẫn phục vụ nhu cầu thiết yếu như lương thực, thực phẩm, vật tư y tế cho người dân nhưng không tập trung đông tại 1 điểm quá 20 người. Dừng tuyệt đối chợ phiên, chợ cóc, các phường xã kiểm tra, nhắc nhở các cơ sở tín ngưỡng, thờ tự, trung tâm thể dục thể thao tạm thời đóng cửa.

Hiện tại Quảng Ninh đã thành lập những chốt kiểm tra thân nhiệt người ra vào tại các khu dân cư. Những chốt kiểm tra này có nhiệm vụ kiểm soát mọi công dân ra, vào khu phố, nhất là người ở nước ngoài, các tỉnh, địa phương khác về địa bàn tạm trú, thuê nhà, khách sạn.

Chống dịch COVID-19: Nghệ An xét nghiệm gần 1.000 người từng điều trị tại BV Bạch Mai ảnh 6Những chốt kiểm tra được đặt tại các khu phố, thôn, xã đang phát huy tác dụng ngăn chặn dịch bênh tại Quảng Ninh.

Những chốt kiểm tra này được đặt ở đầu ngõ, có hàng rào chắn, những người muốn đi vào khu phố sẽ phải đo thân nhiệt.

Ngoài ra, lực lượng chức năng cũng ghi danh sách, thông tin cá nhân những ai ra, vào khu phố để tổng hợp báo cáo vào mỗi 15h chiều hàng ngày.(Hoàng Dương)

Nghệ An: Sai lệch tin cấm họp chợ, người dân ồ ạt về chợ đầu mối tích trữ thực phẩm

Mặc dù BCĐ Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chỉ khuyến cáo không tụ tập đông người nhưng do một số thông tin đồn thổi sai lệch về việc cấm họp chợ khiến người dân Nghệ An lo lắng nên ồ ạt đổ xô ra chợ Vinh mua thực phẩm dự trữ.

Trước đó, UBND tỉnh Nghệ An 1787/UBND-VX về việc tạm dừng các hoạt động văn hóa, thể thao, kinh doanh dịch vụ văn hóa để phòng chống dịch COVID-19. Thời gian từ 27/3 cho đến khi có thông báo hoạt động trở lại. (Cảnh Huệ)

Chống dịch COVID-19: Nghệ An xét nghiệm gần 1.000 người từng điều trị tại BV Bạch Mai ảnh 7

  Đặc biệt, một số chợ nhỏ như chợ Quang Trung, chợ Đội Cung hết hàng chóng vánh khiến lưu lượng người về chợ Vinh trở nên đông hơn. 

MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.