Vì vậy, bạn bè muốn gọi hỏi thăm cũng chẳng có cách nào liên lạc. Vậy mà bỗng một hôm, nửa đêm chị gọi cho cô bạn thân hồi đại học chỉ để hỏi “có phải là mình đã sai không?”. Câu hỏi ấy chất chứa bao nhiêu suy nghĩ trong chị suốt mấy năm nay đến bây giờ mới bật thành lời. Phía bên kia im lặng như vẫn còn bất ngờ về sự kết nối này. Hóa ra, mấy năm trời chị đã giam mình trong cuộc hôn nhân mệt mỏi bằng chút lòng tự trọng của một cô gái mạnh mẽ dám yêu dám chấp nhận.
Ảnh minh họa
Lan lấy Vĩnh sau bốn năm yêu nhau, bạn bè cầm thiệp cưới trên tay đứa nào cũng mường tượng ra bi kịch. Chẳng phải họ quá nhạy cảm, chỉ đơn giản vì Vĩnh không phải người đàn ông của gia đình. Cái máu nghệ sĩ trong Vĩnh quá lớn nên anh sống theo cái tôi bản năng. Lấy Vĩnh, có nghĩa là Lan chấp nhận hên xui, hoặc sẽ phải tìm mọi cách thay đổi con người ấy, dù bản thân cũng biết “giang sơn dễ đổi bản tính khó dời”. Nhưng vì quá yêu Vĩnh mà Lan vẫn chấp nhận lấy một người đàn ông coi gia đình chỉ như quán trọ. Để bây giờ phải một mình gánh vác gia đình, trong khi Vĩnh sống đời nghệ sĩ lông bông, chỉ theo đuổi mấy trò phù phiếm.
Hai anh chị cùng học ngành mỹ thuật, nên cái máu nghệ sĩ đã sẵn trong người. Nhưng chị thực tế hơn, lại thông minh nên biết nắm bắt cơ hội trong cuộc sống. Ra trường, chị về làm việc trong một công ty thiết kế nội thất với mức lương ổn định, đủ tiêu xài và tích lũy chút vốn. Anh thì nay đây mai đó, thích chu du thiên hạ, tìm kiếm cảm hứng nghệ thuật. Anh lúc nào cũng bụi bặm với mái tóc dài, quần áo thùng thình, râu vài tháng không buồn cạo. Anh cứ lang bạt khắp nơi, chỗ nào cũng có bạn bè. Chẳng quý nhau thì vài ngày, còn hợp gu có khi la cà cùng nhau cả tháng.
Chẳng mấy khi thấy anh về thành phố, bạn bè cứ tự hỏi làm sao mà chị lại có thể yêu một người đàn ông như thế. Mỗi lần thấy bộ dạng lôi thôi, luộm thuộm của chồng sau những chuyến đi biệt tích, chị lại lôi anh ra đầu ngõ, nhờ người cắt tóc tút tát lại cho “giống con người”. Lần nào bác thợ tóc cũng hét lên: “Cháu giấu ông này trong kho mấy tháng mới lôi ra một lần hay sao mà đáng sợ thế này?”. Chị ngượng chín mặt mà anh cứ hề hà “nghệ sĩ mà em”. Nhìn chậu quần áo đục ngầu và hôi hám, chị từng nhiều lần tự hỏi không biết mình có sống được cả đời với người đàn ông như Vĩnh không? “Không, nhất quyết là không” chị nghĩ vậy, nhưng lại chưa bao giờ muốn buông tay Vĩnh. Cũng bởi vì thương…
Vĩnh như cái bóng giữa cuộc sống hiện đại này. Đi không ai hay, về không báo trước. Sáng vợ đi làm, chồng vẫn còn ngủ nướng trong chăn, vậy mà chiều về đã thấy cửa khóa, quần áo phơi trên dây được lấy đi. Chỉ còn đống bát đĩa bề bộn, chăn chiếu nhàu nhĩ và sự trống trải không gì bù đắp được trong chị. Bạn bè bảo chị chỉ là quán trọ cho Vĩnh nghỉ chân những lúc mỏi gối mà thôi. Lại có người bảo chị chẳng khác gì cái máy rút tiền của Vĩnh, đàn ông mà không chịu tu chí làm ăn, lại đi bòn mót tiền của người yêu. Chị cười phân bua “nói thế tội cho Vĩnh. Yêu nhau thì san sẻ chứ có gì đâu”. Rồi chị lại tự an ủi rằng chỉ tại Vĩnh chưa có việc làm, gia đình anh lại nghèo nên giúp đỡ nhau cũng là lẽ tất nhiên. Nhưng liệu chị có bao bọc được cho Vĩnh cả đời?
Hỏi mãi rồi cũng tự trả lời “sao lại không, chỉ cần hai đứa thương nhau là đủ”. Người dưng chua xót bảo thời buổi nào rồi mà còn tính chuyện một túp lều tranh hai trái tim vàng. Trước mặt mọi người, chị cười nói tỏ ra mạnh mẽ thế thôi, chứ khi chỉ có một mình, chị cũng nghĩ ngợi nhiều lắm chứ. Đêm nằm chị thường trằn trọc mường tượng ra tương lai hai người. Nếu có vượt qua tất cả mà đến được với nhau thì chắc gì chị đã là người đàn bà hạnh phúc. Sẽ có những ngày dài chờ chồng trong mòn mỏi, nhìn nhà người ta sum vầy chắc là sẽ chạnh lòng. Lúc khỏe thì không sao, nhỡ lúc ốm đau mà Vĩnh đang chu du ở một vùng trời xa lắc xa lơ nào đó thì liệu chị có còn mỉm cười nổi hay không? Khi ốm nghén không có người nựng nịu, lúc nằm trên bàn đẻ có khi điện thoại của Vĩnh vẫn không liên lạc được. Lấy Vĩnh là sẽ phải chấp nhận tất cả những điều ấy. Giống như việc biết là mất công mất sức mà vẫn nuôi ảo vọng đổi thay…
Nghĩ thì nghĩ vậy thôi chứ chỉ cần thấy Vĩnh về ngồi ăn ngon lành bữa cơm mình nấu là chị đã thấy vui. Chỉ cần thấy Vĩnh kêu buồn là bao nhiêu toan tính trong chị đều bay biến hết. "Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ", chị nghĩ vậy khi quyết định làm vợ của anh. Do đã chuẩn bị tâm lý từ trước nên thời gian đầu chị không thấy khó khăn gì. Vĩnh cũng ít đi hơn, vì sợ chị buồn nên quanh quẩn ở nhà nhận vài hợp đồng vẽ tranh tường cho các trường mầm non và nhiều hộ gia đình. Khỏi phải nói chị hạnh phúc thế nào khi nghĩ rằng hôn nhân có thể thay đổi Vĩnh thành người biết sống chỉn chu hơn. Hình ảnh anh chăm chỉ đi làm hàng ngày như bao người đàn ông khác khiến chị xúc động vô cùng. Người ta thì lo phấn đấu sự nghiệp, đặt ra kế hoạch tậu nhà, mua xe, nhưng chị chỉ cần ngày nào cũng nhìn thấy anh hiện diện trong nhà là đã thấy đời may mắn.
Không cần biết anh kiếm được bao nhiêu, anh chi tiêu thế nào, miễn là thành phố có thể giữ chân anh bằng niềm vui công việc. Anh không đưa tiền lương, chị cũng chẳng bao giờ hỏi. Chị biết cái tính nghệ sĩ ghét nhất lúc nào cũng phải nghĩ đến tiền. Chị không muốn đẩy anh vào bí bách vì chị tin anh có tài. Chị sẽ gắng chèo chống gia đình để anh có thể thảnh thơi sáng tạo. Mình chị hy sinh cho nghệ thuật là đủ. Cuộc sống cơm, áo, gạo, tiền thực sự là quá sức đối với anh.
Nhưng rồi ngày vui chẳng được bao nhiêu. Thành phố quá ngột ngạt để giữ chân một tâm hồn nghệ sĩ. Anh lại xách ba lô đi, đi như thể chẳng có gì vướng bận. Mình chị ở lại, một mình đối đầu với những khó khăn. Lượng công việc nhiều mà thu nhập thì không tăng. Chị ốm lay lắt mãi, có hôm đến bát cháo còn phải nhờ hàng xóm mua giùm. Thiên hạ bảo “có chồng hờ hững cũng như không”, chị chỉ biết quay mặt vào tường lau nước mắt. Không muốn bạn bè thấy mình khổ nên chị chủ động ngừng liên lạc, chỉ biết dồn sức cho công việc. Ngoài làm ở công ty, chị còn nhận thêm nhiều đơn hàng làm tại nhà. Vừa để đỡ buồn, vừa có thêm chút tiền tích cóp cho việc sinh con.
Lập gia đình rồi mới biết rất nhiều chi phí phát sinh so với dự tính ban đầu. Riêng việc bố chồng già yếu nằm một chỗ, vài ba tháng lại một lần nhập viện, tốn kém không biết bao nhiêu tiền của. Vĩnh lại là con cả nên dù thế nào chị vẫn phải lo cho chu toàn bổn phận. Rồi đứa con ra đời, gánh nặng trên vai chị ngày một trĩu xuống. Tiền sữa, bỉm, tiền thuê người trông con hàng tháng ngốn gần hết tháng lương của chị. Ấy là chưa kể mỗi lần con ốm, chỉ cần bước chân vào phòng khám là thể nào cũng đi toi đôi triệu. Đã có lúc tiền nong khiến chị muốn nổi điên.
Còn Vĩnh, anh vẫn bình thản sống, chỉ thỉnh thoảng than thở về việc bố ốm nặng khiến anh không thể đi nhiều như trước. Chị phải mở lời nói với Vĩnh rất nhiều lần về việc anh nên đi làm để chia sẻ gánh nặng kinh tế gia đình. Nhưng chị tìm công việc nào, anh cũng chê không phù hợp, chê ông chủ không biết nhìn người, chê làm thế thì còn đâu thời gian dành cho nghệ thuật. Anh lúc nào cũng có cái lý của mình mà quên nghĩ cho chị. Có ép đi làm thì được vài bữa anh tự bỏ hoặc là gây sự với người ta.
Quá mệt mỏi nên có lúc chị đã nặng lời oán trách anh. Lần nào anh cũng bảo “biết trước sẽ như vậy rồi sao còn cố lấy?”. Ừ nhỉ. Rõ ràng là anh đâu có tạo vỏ bọc cho mình. Từ lúc quen đến lúc cưới anh vẫn bày ra một cuộc đời lôi thôi như thế. Chị cũng đâu huyễn hoặc về cuộc hôn nhân này thì sao bây giờ lại tỏ ra thất vọng? Nếu có trách thì cũng tự trách mình đường quang không đi lại đâm quàng bụi rậm. Trách mình nhìn cuộc đời còn đơn giản quá nên không lường trước được khó khăn. Trách mình đã yêu thương không đúng cách.
Bạn nghe chị hỏi không dám buông một tiếng “ừ thì…”. Chỉ thương chị lấy phải ông chồng nghệ sĩ, “nghệ” chưa thấy đâu mà “sĩ” ôi thì… Người như anh chắc chỉ yêu được mỗi bản thân mình. Vợ con chỉ đủ sức níu chân sau những ngày mệt nhoài, bệ rạc. Đã quá muộn để thay đổi một con người. Chị cứ băn khoăn sẽ chấp nhận sống tiếp cùng anh hay là một lần can đảm để buông tay?