“Có một số đường dây, như buôn đường, có liên quan đến cán bộ cấp tỉnh. Việc bảo kê đó và có người nhà tham gia như vậy là rất nguy hiểm”, Thủ tướng nói.
Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác năm 2019 của Ban Chỉ đạo chống tội phạm (Ban 138) và buôn lậu, gian lận thương mại (Ban Chỉ đạo 389), theo cáo của Ban Chỉ đạo, tình hình tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả vẫn diễn biến phức tạp, xảy ra nhiều vụ lớn, nghiêm trọng như vụ sản xuất, buôn bán xăng dầu giả của Trịnh Sướng; vụ buôn lậu, trốn thuế xảy ra tại Công ty Nhật Cường; vụ sản phẩm giả mạo nhãn hiệu, hàng cấm tại Trung tâm thương mại thương trường quốc tế Hồng Nguyên và Cửa hàng mua sắm Asean tại Móng Cái, Quảng Ninh…
“Công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả vẫn chưa tạo được chuyển biến căn bản. Các vụ việc phát hiện, xử lý chủ yếu là các vụ việc nhỏ, hầu hết việc xử lý chỉ dừng lại ở người vận chuyển, mang vác thuê, bày bán”, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nói.
Về tình hình tội phạm, Phó Thủ tướng cảnh báo một số loại tội phạm có xu hướng liên kết hình thành các băng nhóm, sử dụng vũ khí nóng sẵn sàng gây án gia tăng, các loại tội phạm cướp, giật hoạt động ngày càng manh động như cướp tiệm vàng, ngân hàng, xe máy, giật túi xách, điện thoại ngay giữa phố…, tội phạm liên quan đến ma tuý, tín dụng đen.
Khẳng định năm 2019, kinh tế, xã hội đạt được kết quả toàn diện, nhiều mặt nổi bật, trong đó công tác chống tội phạm, gian lận thương mại đã có những đóng góp quan trọng vào thành công đó, song Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thẳng thắn nhận xét “kết quả chưa đáp ứng mong muốn của Chính phủ và người dân”. Buôn lậu, gian lận thương mại vẫn diễn ra phức tạp; hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn còn bày bán công khai ở nhiều nơi, đe dọa sức khỏe của người dân và cộng đồng. Đặc biệt ở một số nơi, như Đồng Nai các băng nhóm tội phạm vẫn ngang nhiên lộng hành.
Đề cập đến tội phạm ma túy, Thủ tướng đặt ra câu hỏi vì sao lại vào Việt Nam nhiều như vậy? “Ma túy không phải từ trên trời rơi xuống. Đây là tình trạng rất nguy hiểm cần phải đấu tranh mạnh mẽ hơn”, Thủ tướng nói. Tương tự, đối với việc phá rừng xảy ra ở một số địa phương, người đứng đầu Chính phủ khẳng định: Cây gỗ chứ có phải cây kim đâu mà lực lượng kiểm lâm và chính quyền địa phương không biết.
“Cái gì cũng biết, có làm hay không thôi”
Để chuyển biến tốt hơn trong công tác phòng, chống tội phạm; buôn lậu, gian lận thương mại trong năm 2020, Thủ tướng yêu cầu triển khai có hiệu quả các chương trình công tác, tập trung sửa đổi, hoàn thiện thể chế, chính sách. Làm rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của các lực lượng, không để tình trạng “cha chung không ai khóc”. Ông cũng nhắc nhở xem xét lại sự phối hợp, chia sẻ thông tin bởi thực tế có khi chưa triển khai kế hoạch đã bị lộ, vừa nhúc nhích là thông tin lộ hết ra ngoài. Vậy có “bảo kê”, có tiêu cực không? “Có cái gì mà lực lượng chức năng không biết, vấn đề là có làm hay không thôi”, Thủ tướng nói.
Về nhiệm vụ đấu tranh ngăn ngừa tình trạng tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan như công an, thuế, hải quan, quản lý thị trường… phải giảm tham nhũng, “tham nhũng vặt”.
“Đừng để cơ quan có tình trạng tham nhũng. Các đồng chí tưởng người ta không biết à? Ông lót tay phong bì bao nhiêu cho một kiện hàng không phải người ta không biết đâu, ở bến xe, bến cảng, bốc xếp hàng, từng container hay việc này việc kia, làm sao người ta không biết những chuyện tiêu cực, phải chấn chỉnh”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm các cán bộ có vi phạm. Nếu địa bàn nào có hàng hóa thẩm lậu nhiều lần thì phải điều chuyển, thậm chí xử lý người đứng đầu.