Chọn trường vừa sức
Cùng một ngành nhưng ở các trường khác nhau, điểm chuẩn cũng khác nhau. Thí sinh nếu biết lượng sức vẫn có thể trúng tuyển vào ngành yêu thích.
Sinh viên ngành công nghệ sinh học của Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM. Đây là một trong những ngành thường có điểm chuẩn cao. Ảnh: Đào Ngọc Thạch. |
Kiến trúc: Căng thẳng ở trường truyền thống
Thạc sĩ Ninh Quang Thăng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, cho biết: “Hằng năm lượng thí sinh đăng ký dự thi vào các ngành kiến trúc, kỹ thuật xây dựng, thiết kế nội thất, mỹ thuật ứng dụng luôn ổn định.
Mặc dù lượng hồ sơ mà thí sinh nộp vào tất cả các ngành chỉ khoảng gần 6.000, tỷ lệ “chọi” không quá cao nhưng sự cạnh tranh rất gay gắt.
Điểm chuẩn hằng năm thi vào trường luôn cao và ổn định suốt 7, 8 năm nay. Chẳng hạn năm 2011, điểm trúng tuyển ngành kiến trúc là 21,5; mỹ thuật ứng dụng 21; thiết kế nội thất 22; kỹ thuật xây dựng 20”.
Ông Thăng lưu ý một số trường khác cũng tuyển sinh ngành kiến trúc, mỹ thuật nhưng không tổ chức thi, nên thí sinh không phải thi môn năng khiếu - một môn quan trọng đối với các ngành này.
Muốn có khả năng đậu vào Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM thì thí sinh cần phải có kỹ năng nhất định về môn vẽ, có óc sáng tạo và điểm thi năng khiếu phải từ 5 trở lên, chưa kể 2 môn toán và lý cũng phải đạt khá trở lên.
Trong khi đó, cũng nhóm ngành này tại Trường ĐH Văn Lang điểm trúng tuyển nhân hệ số 2 môn năng khiếu. Trường không tổ chức thi mà chỉ xét tuyển từ các thi sinh dự thi ĐH khối V và H tại các trường ĐH: Kiến trúc TP.HCM, Tôn Đức Thắng, Bách khoa TP.HCM, Mỹ thuật TP.HCM, Kiến trúc Hà Nội và Mỹ thuật công nghiệp (Hà Nội).
Thạc sĩ Võ Văn Tuấn, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Văn Lang, cho hay: “Đây là những ngành cạnh tranh cao nên thường thí sinh phải có tổng điểm từ 20 trở lên (năng khiếu nhân 2) mới có khả năng đỗ. Chẳng hạn năm 2011, điểm trúng tuyển ngành kiến trúc là 21, thiết kế nội thất 23; thiết kế đồ họa 22”.
Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng cũng không tổ chức thi và điểm chuẩn vào các ngành kiến trúc, thiết kế nội thất từ 18-24. Những thí sinh có lực học tương đương điểm sàn trở lên vẫn có thể học các ngành này tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, vì năm nay tỷ lệ “chọi” vào trường rất thấp.
Giao thông - xây dựng: Điểm 3 môn thi phải trên 15
Với các ngành giao thông, xây dựng, thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, đưa ra lời khuyên: “Điểm chuẩn hằng năm vào trường không biến động. Nếu tổng điểm 3 môn khoảng 17-20 là có khả năng đậu. Năm nay, ngành kỹ thuật công trình xây dựng có tỷ lệ “chọi” cao nhất: 1/9,4.
Tuy nhiên con số này chỉ mang tính chất tham khảo, điểm chuẩn còn phụ thuộc vào đề thi và chất lượng làm bài của thí sinh”. Một số ngành xây dựng tại Trường ĐH Giao thông vận tải cơ sở 2 có điểm trúng tuyển khoảng 15.
Tại Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, ngành kiến trúc dân dụng và công nghiệp dẫn đầu với tỷ lệ “chọi” 1/18, xây dựng 1/3,9, kỹ thuật giao thông 1/3, vật liệu và cấu kiện xây dựng 1/1,8.
Nếu như dựa trên mức điểm chuẩn năm ngoái, thí sinh cần đạt 16 điểm mới đậu ngành kỹ thuật giao thông, 19 điểm trúng tuyển ngành xây dựng, 21,5 điểm đậu ngành kiến trúc dân dụng và công nghiệp (điểm năng khiếu phải từ 5 trở lên).
Công nghệ sinh học: Điểm chuẩn thường rất cao
Những năm gần đây, công nghệ sinh học là một trong những ngành nhiều thí sinh quan tâm. Vì thế điểm chuẩn ngành này luôn thuộc hàng cao nhất tại các trường có đào tạo.
Đơn cử, điểm chuẩn ngành này tại Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM năm 2011 là 17,5, cao nhất trường, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM là 18,5 điểm, Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM: 18 (khối A), 22,5 (khối B).
Nhận xét về ngành này, PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, cho biết: “Tại trường cũng như Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, ngành này hằng năm có điểm chuẩn khá cao và thí sinh có học lực trung bình ít có khả năng trúng tuyển. Điểm chuẩn thấp hơn một chút có Trường ĐH Mở TP.HCM, điểm chuẩn bằng với điểm sàn có các trường ĐH ngoài công lập như: Lạc Hồng, Hồng Bàng, Bình Dương…”.
Tuy vậy, các chuyên gia tuyển sinh cũng cho biết đối với các ngành có điểm chuẩn cao, mức độ cạnh tranh khó khăn, thí sinh cũng không nên quá lo lắng. Chỉ cần có điểm thi trên điểm sàn, thí sinh đã có thể xét tuyển vào những trường đào tạo ngành này với điểm chuẩn thấp hơn.
Theo Mỹ Quyên - Đăng Khoa
Thanh Niên
Bắt đầu quan tâm đến ngành khó tuyển Trong những năm gần đây, một số ngành khoa học cơ bản rơi vào tình trạng khó tuyển. Trường ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội là nơi đào tạo nhiều ngành cơ bản nhưng thường xuyên tuyển thiếu chỉ tiêu ở một số ngành như: khí tượng học, thủy văn, hải dương học, địa lý - địa chất, công nghệ hạt nhân... Ông Đoàn Văn Vệ, Trưởng phòng Đào tạo, cho biết mặc dù đây là những ngành rất cần cho đất nước nhưng năm 2011 trường chỉ tuyển được 2/3 chỉ tiêu. Tuy nhiên, năm nay số hồ sơ của thí sinh đăng ký dự thi vào những ngành khoa học cơ bản của trường đã tăng từ 30-50%, đặc biệt ngành công nghệ hạt nhân với gần 300 hồ sơ/50 chỉ tiêu. Ông Vệ cho biết thêm: “Những ngành khoa học cơ bản được trường đào tạo với số lượng ít nên sinh viên ra trường có việc làm ngay. Theo thống kê của trường, trong vòng 6 tháng sau khi tốt nghiệp hơn 80% SV có việc làm đúng chuyên ngành”. Ngành cạnh tranh nhưng điểm chuẩn không cao Trong khối ngành sư phạm, giáo dục tiểu học nhiều năm gần đây luôn là ngành “nóng” với số lượng hồ sơ thí sinh đăng ký dự thi đông nhất. Tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, tỷ lệ “chọi” ngành này năm 2011 là 1/25, năm 2012 là 1/26 (180 chỉ tiêu/3.877 hồ sơ). Tương tự, tỷ lệ này năm 2012 cũng rất cao, tại Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng 1/25,4 (100/2.541); Trường ĐH Sư phạm Huế 1/10,15 (220/2.232); Trường ĐH Cần Thơ 1/21,7… Mặc dù đăng ký dự thi đông như vậy nhưng điểm chuẩn trúng tuyển vào các ngành này thường không cao. Chẳng hạn năm 2011, chỉ trừ Trường ĐH Sư phạm Hà Nội và Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 có mức điểm trúng tuyển khá cao (18,5 điểm), hầu hết các trường còn lại đều ở mức trên sàn như: Sư phạm TP.HCM 15,5; Sư phạm Huế 15,5 (khối C) và 14 (khối D1); Tiền Giang 14,5 (khối A) và 15,5 (khối C); Sư phạm Thái Nguyên 16… Thậm chí, nhiều trường điểm chuẩn ngành này chỉ bằng điểm sàn như ĐH An Giang, ĐH Đồng Tháp… Thạc sĩ Mỵ Giang Sơn, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sài Gòn, cho rằng: “Xuất phát từ đặc điểm của ngành này là đào tạo giáo viên cho bậc tiểu học nên các thí sinh có học lực khá giỏi ít thi vào ngành này. Do vậy, dù tỷ lệ “chọi” ngành này rất cao nhưng điểm chuẩn chỉ ở mức vừa phải”. Theo Hà Ánh - Vũ Thơ |