Từ năm 2015, Sở GD&ĐT TPHCM kết hợp NXB Giáo dục Việt Nam biên soạn một bộ SGK mới cho thành phố. Bộ sách này có tên “Chân trời sáng tạo”, là một trong 4 bộ SGK của NXB Giáo dục Việt Nam được Bộ GD&ĐT công nhận đạt chuẩn. Trước khi bộ sách ra đời, Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM, ông Lê Hồng Sơn, cho biết, Sở đã cử đội ngũ chuyên viên, giáo viên tham gia cùng NXB Giáo dục Việt Nam biên soạn bộ sách. Ngành GD&ĐT thành phố cũng phối hợp NXB Giáo dục Việt Nam tổ chức nhiều hội thảo tập huấn về đổi mới phương pháp dạy - học, kiểm tra - đánh giá cho đội ngũ nhà giáo, cũng như hợp tác biên soạn nhiều tài liệu bổ trợ. Trên thực tế, bộ sách này đã được dạy thực nghiệm tại một số trường học.
Sau khi có thông tư hướng dẫn của Bộ về việc lựa chọn SGK, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM, cho hay, quyền lựa chọn SGK lớp 1 năm học 2020-2021 do các hiệu trưởng cân nhắc, có tham khảo ý kiến giáo viên, phụ huynh và dựa trên đặc điểm của từng trường. Theo ông Hiếu, trước mắt, các trường sẽ mua trọn bộ 32 SGK lớp 1 để toàn bộ giáo viên đọc và cho ý kiến. Việc chọn SGK sẽ được các trường hoàn thành trước tháng 1/2020. Dự kiến, tháng 3/2020, Bộ GD&ĐT tập huấn chương trình mới cho giáo viên. Khi phóng viên đặt câu hỏi về việc liệu TPHCM có ưu tiên bộ SGK “Chân trời sáng tạo” hơn các bộ SGK khác hay không, ông Hiếu khẳng định không có việc ưu tiên.
Theo tài liệu phóng viên có được, năm 2015, NXB Giáo dục Việt Nam có Quyết định số 778 về việc chi thù lao Ban chỉ đạo biên soạn bộ SGK miền Nam thuộc Sở GD&ĐT TPHCM. Theo quyết định này, 11 người, gồm ông Lê Hồng Sơn - Giám đốc (Trưởng ban), Phó giám đốc (Phó trưởng ban) và các ủy viên là Chánh văn phòng, hai Phó chánh văn phòng, Trưởng phòng giáo dục phổ thông, Trưởng phòng giáo dục tiểu học, các Phó trưởng phòng của hai phòng chuyên môn này được nhận thù lao. Theo đó, mức chi được áp dụng cho Trưởng ban là 6 triệu đồng/tháng, Phó trưởng ban 5 triệu đồng/tháng, ủy viên thường trực 4 triệu đồng/người/tháng và ủy viên 3,5 triệu đồng/người/tháng. Mức chi này được tính từ ngày 1/5/2015. Nguồn chi từ quỹ đầu tư xuất bản của NXB Giáo dục Việt Nam.
Năm 2018, NXB Giáo dục Việt Nam có Quyết định số 04 về việc thành lập Ban chỉ đạo và mức chi thù lao cho Ban chỉ đạo tổ chức biên soạn bộ SGK miền Nam. Cụ thể, ngoài 11 thành viên nói trên, có thêm 9 thành viên của NXB Giáo dục Việt Nam, trong đó ông Nguyễn Đức Thái - Chủ tịch Hội đồng thành viên là đồng Trưởng ban. Ngoài ra, còn có nhóm tư vấn hỗ trợ gồm 15 người, trong đó 14 người là các chuyên viên các môn học hoặc phòng ban chuyên môn của Sở GD&ĐT TPHCM. Mức thù lao vẫn giữ nguyên như năm 2015; đối với nhóm hỗ trợ, chi phí là 2,5 triệu đồng/người/tháng. Đơn vị đảm nhiệm chi lần này là NXB Giáo dục Việt Nam tại TPHCM.
Có khách quan?
Bộ GD&ĐT chưa có quy định nào cấm các Sở GD&ĐT biên soạn SGK. Tuy nhiên, quy định của Bộ GD&ĐT là khuyến khích các tổ chức, cá nhân viết SGK. Liệu chủ trương một chương trình, nhiều SGK, các cơ sở đào tạo được chọn SGK có bị ảnh hưởng tại TPHCM khi chính Sở GD&ĐT của địa phương này, đơn vị quản lý của các cơ sở đào tạo, lại tham gia biên soạn một bộ SGK? PGS.TS Nguyễn Văn Tùng, Phó Tổng biên tập NXB Giáo dục Việt Nam, nói rằng, việc NXB Giáo dục Việt Nam hợp tác với các tác giả, chuyên gia và đội ngũ nhà giáo trong nước cũng như chuyên gia nước ngoài trong hoạt động biên soạn SGK hoàn toàn tuân thủ các quy định của pháp luật. Hoạt động phát hành SGK của NXB Giáo dục Việt Nam cũng như các NXB khác phụ thuộc vào việc các địa phương lựa chọn những SGK nào. Lựa chọn đó phải dựa trên cơ sở chất lượng của các bộ sách, mức độ phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, cũng như khả năng của các NXB trong việc đồng hành, hỗ trợ giáo viên suốt quá trình tổ chức dạy, học. “Việc có nhiều bộ SGK của nhiều NXB cùng phát hành đồng nghĩa với việc các NXB đều phải nỗ lực không ngừng trong việc nâng cao chất lượng, hỗ trợ ngày càng tốt hơn cho giáo viên, học sinh trong việc khai thác và sử dụng SGK. Đó chính là sự cạnh tranh lành mạnh, trên cơ sở tôn trọng pháp luật, tôn trọng người dạy và người học”, ông Tùng nói.
Về việc chi thù lao cho những cán bộ thuộc Sở GD&ĐT TPHCM tham gia biên soạn bộ sách, ông Tùng nói rằng, các thành viên ban chỉ đạo đảm nhiệm những phần công việc liên quan khác nhau, với tính chất, mức độ khác nhau và phải hoàn thành theo yêu cầu bên cạnh công việc chuyên môn thường xuyên. Trên cơ sở đó, NXB Giáo dục Việt Nam cân đối tính toán mức thù lao phù hợp từ nguồn kinh phí của mình.
GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình GDPT mới, cho rằng, thông tư hướng dẫn lựa chọn SGK mới giao quyền lựa chọn cho các trường và chọn sách theo từng môn là hợp lý, tránh hiện tượng “bán bia kèm lạc”. Các trường có thể chọn cuốn này ở bộ này, cuốn khác ở bộ khác nếu đánh giá hay và phù hợp.
Tuy nhiên, GS Thuyết lo ngại, NXB Giáo dục Việt Nam chi trả lương cho cán bộ Sở GD&ĐT từ năm 2015 đến nay vì họ ở trong Ban chỉ đạo biên soạn 1 bộ SGK dễ dẫn đến chuyện lựa chọn SGK không công bằng, khách quan. “Nói giao quyền cho các nhà trường nhưng trên thực tế, các trường luôn nhận được các chỉ đạo từ cấp trên là nên chọn sách tham khảo này, sách tham khảo khác thì làm sao các nhà trường dám trái lệnh”, ông nói.
Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, trong 5 bộ SGK, có tới 4 bộ sách của NXB Giáo dục Việt Nam, 1 bộ còn lại của 2 NXB ÐH Sư phạm TPHCM và ÐH Sư phạm Hà Nội. Nếu bộ sách của 2 NXB này “sống” thì trong những năm tới, các cá nhân, tổ chức mới dám “nhảy vào” làm sách. Nếu bị cơ chế độc quyền đè bẹp thì chủ trương xã hội hóa SGK khó thành công.