Chọn SGK lớp 2, lớp 6: Ý kiến giáo viên có được tôn trọng?

0:00 / 0:00
0:00
SGK lớp 2, lớp 6, bộ sách Cánh Diều được giới thiệu cho năm học 2021-2022
SGK lớp 2, lớp 6, bộ sách Cánh Diều được giới thiệu cho năm học 2021-2022
TP - Năm đầu tiên thực hiện đổi mới, chương trình SGK từ lớp 1 do các trường chọn sách; đến năm nay, SGK lớp 2, lớp 6 lại do UBND tỉnh, thành phố lập hội đồng lựa chọn. Nhiều nhà quản lý cho rằng, điều này có phần gây xáo trộn trong dạy học và việc lựa chọn nên tôn trọng ý kiến của giáo viên.

Mới chỉ cung cấp SGK mềm

Theo NXB Giáo dục Việt Nam, hết ngày 9/3, đơn vị này đã giới thiệu SGK mới tới 58 tỉnh thành, trong đó phần lớn theo hình thức trực tuyến. Bộ GD&ĐT yêu cầu các NXB đảm bảo hoàn thành việc giới thiệu SGK mới trước ngày 15/3. Tương tự, thời điểm này, các NXB khác cũng đang giới thiệu sách tới các địa phương. Họ gửi tài liệu phiên bản điện tử, sách giáo viên và video clip giới thiệu, dạy mẫu để giáo viên đọc, xem và đánh giá.

Cách lựa chọn SGK năm nay khác năm ngoái. Năm ngoái, mỗi trường thành lập 1 hội đồng lựa chọn SGK; năm nay, hội đồng lựa chọn sách do UBND tỉnh, thành phố thành lập. Theo đó, mỗi môn học của một cấp học thành lập 1 hội đồng tối thiểu 15 người, trong đó có ít nhất 2/3 số thành viên là tổ trưởng tổ chuyên môn và giáo viên đang trực tiếp giảng dạy môn học của cấp học đó. Chủ tịch hội đồng là giám đốc hoặc phó giám đốc các sở. Chủ tịch hội đồng sẽ giao cho các thành viên hội đồng nghiên cứu, nhận xét, sau đó họp, đánh giá SGK trên cơ sở danh mục SGK do các cơ sở giáo dục phổ thông đề xuất và bỏ phiếu kín để chọn.

Bà Vũ Thúy Hiền, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tô Hiến Thành (Hà Nội), nói: “Việc lựa chọn SGK mới còn gặp nhiều khó khăn bởi các cán bộ, giáo viên nghiên cứu bộ sách chủ yếu trên bản mềm, chưa có bản cứng. Có nhiều đầu sách cũng khiến giáo viên khó nghiên cứu chuyên sâu và kỹ lưỡng”.

Theo bà Hiền, trường yêu cầu 100% giáo viên tìm hiểu, nghiên cứu và có ý kiến đóng góp về SGK mới. Thực tế vẫn xảy ra chuyện đường truyền không tốt, giáo viên đọc được 1 đầu sách mất rất nhiều thời gian. Theo đánh giá ban đầu, có sách lạm dụng kênh hình, nội dung yêu cầu của một số môn hơi cao so với học sinh lớp 2. “Chúng tôi mong những ý kiến đóng góp trên đến được những tác giả để có chỉnh sửa kịp thời trước khi bộ SGK đến tay học sinh trong năm học sắp tới”, bà Hiền nói.

Hạn chế xáo trộn

Ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết, các địa phương phải hoàn thành chọn SGK trước năm học mới 5 tháng; Nghệ An sẽ công bố sách trước ngày 5/4. Tuy nhiên, trước đó, NXB kêu trục trặc mạng nên từ đầu tuần này, bản mềm của SGK mới tới tay giáo viên. Cũng trong tuần này, tất cả các NXB có cơ hội giới thiệu bộ sách của mình bằng hình thức trực tuyến với giáo viên tất cả các trường. Giáo viên sẽ chỉ có khoảng 10 ngày để nghiên cứu các đầu sách và gửi ý kiến về trường. Trường tập hợp lên phòng GD&ĐT và phòng gửi về sở GD&ĐT. Sở gửi đến các hội đồng chọn SGK của tỉnh. Với cách làm đó, ý kiến của giáo viên được lắng nghe, đầu sách nào được giáo viên chọn nhiều cũng sẽ được cân nhắc.

Theo ông Thành, khi tập huấn trực tuyến, sự tương tác giữa các tác giả biên soạn sách với giáo viên có phần hạn chế. Cách tiếp cận, truyền được hồn cốt của bộ sách sẽ khó khăn hơn so với trực tiếp nhưng ưu điểm là nhiều giáo viên tiếp cận được để nghiên cứu. Để sát với thực tế hơn, khi có SGK, giáo viên các trường cũng được hướng dẫn thiết kế bài dạy thử. Từ đó, giáo viên được giảng viên trường sư phạm tư vấn, rút kinh nghiệm thêm. Ông nói rằng, dù năm ngoái và năm nay việc lựa chọn các bộ SGK có thể không giống nhau, nhưng điều này không khiến các trường gặp khó khăn trong dạy học vì SGK chỉ là ngữ liệu, có thể dùng bất cứ bộ nào.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, thông qua giám sát của đơn vị cho thấy, trong quá trình triển khai còn gặp nhiều vướng mắc, khó khăn như thay đổi về thẩm quyền lựa chọn SGK, chương trình tổng thể còn chậm trễ nên khoảng thời gian xây dựng bộ SGK bị ngắn lại, ảnh hưởng đến chất lượng SGK hay cơ sở vật chất, đội ngũ chưa đảm bảo để triển khai chương trình…

 Theo bà Hoa, khi thay đổi thẩm quyền lựa chọn SGK, rất khó để không gây xáo trộn. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT đã chủ động có hướng dẫn rất rõ, trong đó phát huy vai trò nhà trường, giáo viên và phụ huynh trong việc chọn sách. “Đây là quy trình nhằm bảo đảm triển khai thực hiện lựa chọn SGK, cố gắng hạn chế thấp nhất sự xáo trộn. Hy vọng địa phương tôn trọng sự lựa chọn của các trường để có quyết định đúng đắn nhất với hệ thống SGK được lựa chọn”, bà Hoa nói.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, các địa phương cần tổ chức hội thảo bàn bạc giữa giáo viên và lãnh đạo trường, từ đó tham mưu cho Sở GD&ĐT để lựa chọn làm sao tránh sự xáo trộn trong dạy học. Ngoài ra, mục tiêu cuối cùng của chọn SGK là học sinh phải cảm thấy hứng thú, yêu thích, còn giáo viên dễ dạy, nâng cao tính tự học cho học sinh.

MỚI - NÓNG