Lý do biến bốn bộ SGK thành hai bộ: Giải thích của NXB Giáo dục

0:00 / 0:00
0:00
“Cùng học để phát triển năng lực” là 1 trong 2 bộ sách bị hợp nhất trong năm học 2021-2022
“Cùng học để phát triển năng lực” là 1 trong 2 bộ sách bị hợp nhất trong năm học 2021-2022
TP - Ngày 10/3, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam nói rằng, việc hợp nhất 4 bộ SGK thành 2 bộ nhằm tập trung tối đa nguồn lực để biên soạn sách và việc này không ảnh hưởng đến dạy học.

Năm 2020-2021, năm đầu tiên thực hiện chương trình đổi mới SGK bắt đầu từ lớp 1, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt 5 bộ sách, trong đó, NXB Giáo dục Việt Nam có 4 bộ, gồm Cùng học để phát triển năng lực, Kết nối tri thức với cuộc sống, Chân trời sáng tạo, Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục. Hàng chục địa phương đã chọn các bộ sách của nhà xuất bản này để dạy học trong năm đầu tiên áp dụng chương trình đổi mới.

Tuy nhiên, trong quá trình biên soạn SGK lớp 2, lớp 6 năm nay, NXB Giáo dục Việt Nam thay đổi chủ trương, hợp nhất 4 bộ sách thành 2 bộ. Theo đó, bộ SGK Kết nối tri thức với cuộc sống được hợp nhất từ bộ Kết nối tri thức với cuộc sống và bộ Cùng học để phát triển năng lực; bộ SGK Chân trời sáng tạo được hợp nhất từ bộ Chân trời sáng tạo và bộ Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục.

Trong năm đầu tiên áp dụng SGK mới, NXB Giáo dục Việt Nam có báo cáo gửi Bộ GD&ĐT về kết quả rà soát SGK lớp 1, trong đó cả 4 bộ SGK của NXB đều có “sạn”. Đơn vị phải chỉnh sửa ở một số nội dung trong sách môn Tiếng Việt, Giáo dục thể chất, Tiếng Anh, như thêm bớt các từ cho chuẩn chỉnh hơn…

Các trường đã chọn các bộ sách Cùng học để phát triển năng lực Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục nói rằng, họ cảm thấy hoang mang vì sau một năm vất vả tập huấn giáo viên theo quan điểm, triết lý của bộ sách cũng như nghiên cứu bài học, phương pháp dạy học thì năm nay bộ sách “biến mất”. Có địa phương tổ chức nhiều hội nghị, toạ đàm tập hợp đến 500 câu hỏi của giáo viên xung quanh bộ sách mới để NXB trả lời và thống nhất phương pháp dạy học phù hợp.

Về vấn đề này, NXB Giáo dục Việt Nam lý giải, hợp nhất 4 bộ sách thành 2 bộ là nhằm tập trung tối đa nguồn lực trí tuệ của đội ngũ tác giả, nguồn lực tài chính đầu tư cho công tác biên soạn sách, tiết giảm tối đa chi phí nhằm có được các bộ SGK có chất lượng cao hơn nữa về nội dung, hình thức, hợp lý về giá thành. Đơn vị này cũng nói rằng, việc hợp nhất không ảnh hưởng đến việc dạy và học cũng như việc lựa chọn SGK vì mỗi cuốn sách đều bám sát, cụ thể hoá các yêu cầu cần đạt và nội dung dạy học được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Dù học theo bộ SGK nào thì khi kết thúc lớp 1, học sinh đều phải đạt chuẩn tối thiểu đối với lớp 1.

Sẽ giới thiệu SGK online

Theo NXB Giáo dục Việt Nam, trong khi tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, đơn vị ưu tiên tổ chức giới thiệu SGK theo hình thức trực tuyến và đảm bảo hoàn thành việc giới thiệu SGK mới trước ngày 15/3 theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT.

Mới đây, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt 3 bộ SGK lớp 2, lớp 6 áp dụng cho năm học 2021-2022, gồm 2 bộ của NXB Giáo dục Việt Nam và 1 bộ của NXB Đại học Sư phạm TPHCM. Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học - Bộ GD&ĐT, ông Thái Văn Tài, khẳng định, địa phương lựa chọn SGK nào trong các bộ sách được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt đều không ảnh hưởng tới việc thực hiện chương trình. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT yêu cầu trong năm học tới, NXB tiếp tục cung ứng các bộ SGK đã được phê duyệt năm 2020-2021 cho địa phương có nhu cầu.

PGS.TS Phan Doãn Thoại, chủ biên môn Toán lớp 1  bộ SGK Cùng học để phát triển năng lực, nói rằng, khi NXB Giáo dục Việt Nam quyết định gộp còn 2 bộ SGK lớp 2, nhóm tác giả của ông rất tâm tư. Ông cho rằng, mỗi bộ SGK đều có một ý tưởng thiết kế trên khung năng lực yêu cầu, do đó, các hoạt động trong mỗi bộ SGK sẽ khác nhau. Nhóm tác giả của PGS. Thoại quyết định không gộp cùng với các tác giả của bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống, vì giữa hai nhóm tác giả không tìm được tư tưởng chung.

Thăm dò ý kiến
Có nên bỏ chứng chỉ chức danh nghề nghiệp cho giáo viên?
MỚI - NÓNG
Hà Nội cần phải bố trí, sắp xếp gần 2.500 cán bộ, công chức
Hà Nội cần phải bố trí, sắp xếp gần 2.500 cán bộ, công chức
TPO - Ngày 13/12, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài – Trưởng Ban Chỉ đạo thành phố về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18 đã ký ban hành Thông báo kết luận của Thường trực Ban chỉ đạo thành phố về định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị thành phố.