Mực
Mỗi loại mực nang, mực lá và mực ống sẽ có những đặc điểm khác nhau, nhưng nhìn chung con mực không tươi khi đã chuyển sang màu hơi xanh ngà, bấm móng tay vào thấy thịt nhão, đầu và râu không dính chặt với thân và mùi khá tanh.
- Mực lá: Nên chọn con to, dày mình, da còn cứng, thịt mực có màu sáng trắng, bóp vào thấy thịt chắc, chú ý lớp màng màu hơi nâu bao quanh bên ngoài con mực.
- Mực nang: Nên chọn con to, dày mình, thịt mực có màu sữa, thịt chắc, khi cầm có cảm giác rắn tay, chú ý lớp màng nâu bên ngoài phải bao kín thân mực.
- Mực ống: Nên chọn mực có lớp thịt màu sáng, hơi hồng, đầu dính chặt vào thân, mắt mực còn trong, bóp vào thân mực thấy có độ đàn hồi. Lưu ý chọn con có túi mực chưa bị vỡ để không đắng khi chế biến.
Tùy vào mục đích chế biến, bạn nên chọn mực phù hợp. Mực lá ngọt, dai: hợp với các món nướng, chiên, xốt. Mực nang giòn, vị ngọt ít: chế biến các món tươi sống sẽ ngon hơn như lẩu, gỏi, hấp, xào. Mực ống thịt thơm, có độ dai: nên làm món mực hấp hoặc nhồi thịt.
Ghẹ
Có nhiều loại ghẹ như ghẹ đỏ, ghẹ ba chấm, ghẹ xanh… nhưng dân biển cho rằng ghẹ xanh thịt chắc, ngọt thịt và nhiều dinh dưỡng nhất.
Theo kinh nghiệm của người kinh doanh hải sản, ghẹ to chưa hẳn đã chắc thịt, đôi khi lại dễ bị bở, thịt ít ngọt. Những con ghẹ cỡ bằng bàn tay người lớn thịt vừa ngọt, vừa thơm. Tuy nhiên, để biết thịt ghẹ có chắc không, khi chọn, nên lựa những con cầm nặng tay, bấm vào yếm mà không thấy bị lún thì đó là ghẹ tươi. Bạn có thể dùng ngón tay búng vào lưng ghẹ. Nếu ghẹ óp, tiếng búng nghe bộp bộp và to.
Ghẹ cái thường có nhiều gạch, yếm to, nên chọn những con có màu hơi ngả vàng, các chân ghẹ bóp mạnh vẫn rất chắc chứ không mềm hoặc lõm. Ghẹ đực có nhiều thịt, yếm nhỏ.
Một cách khác để biết ghẹ tươi ngon là xem phần chân. Thông thường chân ghẹ phải hơi cong, nếu chân ghẹ thẳng đơ là ghẹ không còn tươi.