Các đề cử gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu giao lưu với bạn đọc:

Chọn đúng sở trường để theo đuổi đam mê

Các đề cử Gương mặt trẻ VN tiêu biểu 2013 giao lưu trực tuyến với độc giả tại báo VietNamNet. ảnh: Xuân Tùng
Các đề cử Gương mặt trẻ VN tiêu biểu 2013 giao lưu trực tuyến với độc giả tại báo VietNamNet. ảnh: Xuân Tùng
TP - Ngày 13/3, tại tòa soạn báo VietNamNet và Thanh Niên diễn ra chương trình giao lưu trực tuyến với một số gương mặt trong 20 đề cử Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2013.

Khổ luyện

Chia sẻ động lực phấn đấu và bí quyết thành công, các gương mặt tham gia giao lưu tại tòa soạn VietNamNet cho rằng, cần chọn đúng sở trường để theo đuổi đam mê. Từ sự định hướng của gia đình và tình yêu âm nhạc, Nguyễn Đăng Quang (Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) bắt đầu luyện đàn từ năm 8 tuổi.

“Lịch học văn hóa của mình rất bận nên mỗi khi có thời gian mình đều tranh thủ sức tập luyện, tham khảo nhiều dòng nhạc mới. Ngày thường mình tập đàn 3 - 4 giờ, cuối tuần sẽ tăng lên 6 - 7 giờ”, Quang nói.

Theo đuổi môn thể dục dụng cụ, ngay từ 7 tuổi, VĐV Nguyễn Hà Thanh bắt đầu xa gia đình sang Trung Quốc tập huấn. “Trong luyện tập xảy ra chấn thương là chuyện bình thường. Vượt qua hay gục ngã đều phụ thuộc hoàn toàn vào ý chí bản thân. Nghị lực gần như gắn liền với niềm đam mê”, Hà Thanh cho biết.

Bùi Quang Tú (ĐH KHTN HN) cho hay, những bài tập vật lý đều mang tới cho Tú sự thích thú, mỗi khi giải được đều cảm thấy vui sướng. “Theo đuổi niềm đam mê sẽ không bao giờ hối hận. Một công việc có lương cao không phải là mục đích cuối cùng của mình”. Nguyễn Hà Thanh thì cho rằng, khi đã đổ mồ hôi nước mắt vì niềm đam mê thì kết quả thế nào cũng hạnh phúc.

Hôm nay giao lưu trực tuyến với các đề cử Gương mặt trẻ VN tiêu biểu tại báo Tiền Phong

Bắt đầu từ 9h sáng nay (14/3), tại tòa soạn báo Tiền Phong diễn ra giao lưu trực tuyến với bạn đọc cả nước. Khách mời gồm đại diện Quỹ hỗ trợ Tài năng trẻ Việt Nam, đại diện ban tổ chức Giải thưởng gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2013 cùng một số đề cử trong top 20 gồm: Kỹ sư Mai Văn Phương; Đại úy Mai Hoàng; anh Lại Văn Điệp; em Nguyễn Trọng Thủy. Ban tổ chức cũng sẽ liên lạc với giảng viên thanh nhạc Đỗ Phương Mai qua email từ LB.Nga để trả lời trực tuyến với bạn đọc. Mời bạn đọc tham gia giao lưu.

Với Thượng úy Đặng Quốc Khánh (Đồn biên phòng Hạnh Dịch – Nghệ An) và Tiến sĩ Tạ Hải Tùng (ĐH Bách khoa HN), hạnh phúc là được góp phần mang tới điều tốt đẹp cho xã hội.

“Là người hoạt động trong ngành giáo dục, mình mong muốn góp phần nhỏ bé vào sự nghiêp đào tạo chung của đất nước. Hi vọng các sản phẩm KHCN do mình và các đồng nghiệp tạo ra sẽ góp phần đưa ứng dụng KHCN vào đời sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội”, anh Tùng nói.

Được đào tạo ở nước ngoài, mới trở về nước công tác, anh Tùng hy vọng thành công ban đầu của bản thân sẽ tạo thêm động lực để nhiều bạn trẻ Việt Nam đang ở nước ngoài quyết định trở về nước làm việc.

Làm công tác giữ vững sự bình yên cuộc sống, bảo vệ lãnh thổ đất nước, thượng úy Đặng Quốc Khánh cùng đồng đội lập được nhiều chiến công, bắt giữ nhiều đối tượng phạm tội. Tuy nhiên, anh Khánh chia sẻ, luôn muốn cho những người phạm tội có cơ hội hoàn lương.

Hết lòng vì mọi người

Trong cuộc giao lưu tại tòa soạn báo Thanh Niên, thầy giáo Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (ĐH Sư phạm TPHCM) thừa nhận, lúc ở tuổi mới lớn, nhiều khi bản thân cũng có nhiều khổ sở. “Mẹ mắng một câu cũng bực bội muốn nổ tung đầu. Hồi đó chuyện gì xảy đến cũng cảm thấy rất ghê gớm vì thiếu kỹ năng sống”, anh Hiếu nói.

Anh chia sẻ, sau này nhìn lại mới thấy, chuyện đó chỉ như viên sỏi giữa biển. Nếu hồi đó có người an ủi, tư vấn, mình sẽ vượt qua dễ hơn. Ngày đó không ai tư vấn cho mình, thì bây giờ mình tư vấn cho các bạn trẻ vậy”, anh Hiếu lý giải chuyện dấn thân vào nghề tư vấn tâm lý. “Công việc tư vấn lắm buồn vui bởi tiếp xúc nhiều với những bế tắc đến mức nghẹt thở”, anh Hiếu bộc bạch. Theo anh Hiếu, niềm vui của nghề tư vấn tâm lý là thấy các em học sinh sống tốt hơn khi gỡ được nút thắt trong đời.

Thượng sĩ Nguyễn Chí Thanh, chiến sĩ Cảnh sát PCCC TPHCM, dù lập nhiều chiến công, cứu được nhiều người, nhưng không tự nhận mình là người dũng cảm. “Mỗi khi có người cần cứu giúp, mình luôn đặt bản thân vào hoàn cảnh của họ, và xem họ như người thân thì sẽ cố hết sức để giúp đỡ”, anh Thanh cho hay.

Thượng úy Cấn Ngọc Sơn, chỉ huy trưởng đảo Đá Đông B, Lữ đoàn 146 vùng 4 Hải quân chia sẻ việc cứu sống 10 ngư dân trên biển: “Trách nhiệm của tôi và các đồng đội là bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc và cứu hộ cứu nạn để mọi ngư dân cảm thấy yên tâm, tin tưởng khi ra khai thác thủy, hải sản trên vùng biển quê hương”.

Còn trẻ nhưng Nguyễn Dương Kim Hảo (SN 2001, THCS Nguyễn Gia Thiều, TPHCM) có nhiều thành công trong việc nghiên cứu, sáng tạo những mô hình thiết thực cho cuộc sống. Hảo chia sẻ, luôn nghe theo lời dạy của cha Đường tuy ngắn, không đi không đến/Việc tuy nhỏ, không làm không nên.

“Từ sự tò mò ban đầu về máy tính, mình bắt đầu tìm hiểu, dần trở thành niềm yêu thích, đam mê. Những ý nghĩ muốn làm cái này, làm cái kia thôi thúc mình không ngừng tìm hiểu cho đến khi làm được”, Kim Hảo nói.

Cũng thành công với nhiều mô hình sáng tạo trong sản xuất, anh Trương Anh Văn (Cty Cao su Thống Nhất TPHCM) chia sẻ, lúc nào cũng muốn tiếp tục cống hiến cho đơn vị cũng như góp phần vào sự phát triển của thành phố.

MỚI - NÓNG
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
TPO - Qua nhiều năm gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản trên đầm Lập An, chưa bao giờ người dân thị trấn Lập An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, lại chịu những thiệt hại dồn dập về nhà cửa, khu hạ tầng nuôi trồng thủy sản, cá bị trôi mất, bị chết do sốc ngạt nước như hiện nay.