Tín dụng “đen” dồn ép ngư dân – Kì 2:
'Chơi' thì lỗ, bỏ thì sạt
> Tín dụng 'đen' dồn ép ngư dân
> Vòi tín dụng “đen”
Lỗ và sạt - chọn gì?
Trước 2008, từ con số 280 tàu CV trên 60 mã lực, giờ đây quận Thanh Khê (TP Đà Nẵng) chỉ còn 120, và còn đang giảm dần. Qua tìm hiểu về tín dụng đen ở đây, PV nhận ra một thực tế đáng buồn: ngư dân chơi với nó, tức vẫn còn đường sống, nhưng nếu bỏ tín dụng đen, chỉ còn nước bán tàu, bỏ nghề. Theo Hội Nông dân quận Thanh Khê, phần lớn ngư dân bán tàu là do những vòi bạch tuộc của tín dụng đen vươn tới những ngõ ngách, là tác nhân khiến nhiều người ngậm ngùi bỏ tàu, bỏ biển.
Phường Xuân Hà hiện chỉ còn 23/40 tàu có đủ mã lực để ra biển lớn, trong đó có 5 tàu câu mực. Thuyền trưởng kiêm chủ tàu ĐNa 90325 Trương Văn Hai đang là một khổ chủ của tín dụng đen, phải chấp nhận để con tàu hơn 450 mã lực cho bạn thuê vì không còn tiền duy trì làm ăn.
Anh Hai kể: “Năm 2009, tui sở hữu 2 tàu, bị nạn ở đảo Cồn Cỏ, về bỏ đi một tàu, sau đó phải thế chấp nhà cửa, mượn ngân hàng sửa sang vì bảo hiểm chả thấm tháp gì. Sửa xong tàu, tôi lại phải vay thêm 500 triệu từ chủ nậu để mua ngư lưới cụ, riêng tấm lưới vây hết 350 triệu. Rồi sau đó phải vay tiếp để đầu tư ban đầu, mua dầu, gas, gạo, trả tiền thuyền viên... Thế mà đi chuyến nào về lỗ chuyến đó. Nợ ngân hàng nhà nước đành xin khất, chứ nợ ngoài thì không thể.
Sau đó, thấy nghề câu mực phất trở lại, tui chuyển sang nâng cấp tàu, lắp dàn, mua thúng câu mực. Mất thêm gần nửa tỷ, thế mà bán bộ lưới vây chỉ được 240 triệu, lỗ gần 30% giá trị ban đầu. Giờ thì nợ è cổ mà không biết kêu ai”.
Anh Hai đành đem chiếc tàu vào Thăng Bình - Quảng Nam cho thuê. “Con tàu mình đóng sơ sơ cũng gần 2 tỷ bạc, nay đem cho thuê, xót lắm. Mà không thuê cũng chẳng còn cách nào ra khơi, chủ nậu không cho vay, chịu chết. Dù biết họ có ép giá, lãi cao đủ đường, nhưng không chơi với nó thì sạt, mà chơi với nó nhiều lúc lỗ ứa máu” - anh Hai nói.
Một trường hợp khác là anh hùng trong bão Chan Chu Phạm Văn Xinh - tàu ĐNa 90189 (Thanh Khê Đông). Sau nhiều chuyến biển bầm dập, đầu năm 2010, anh Xinh quyết định vay chủ nậu gần nửa tỷ. Chuyến mực đầu trúng lớn, nhưng dần dần, tỷ lệ ăn chia, rồi lãi vay lớn khiến anh không thể cầm cự, và giờ cũng phải cho thuê tàu như trường hợp anh Hai.
“Làm gì có chuyện không tiền mà ra khơi nếu vắng chủ nậu. Dân biển, ai cũng cầm nhà hết rồi. Giờ đây muốn ra khơi thì phải vay thôi, luật rồi. Tui không đi nữa là vì không thể tiếp tục vay. Lãi lớn và tỷ lệ ăn chia, giá cả làm mình thấy thiệt thòi quá. Chỉ biết chờ có sự thay đổi nào đó thôi” - anh Xinh nói.
Điều mà anh Xinh mơ ước đó chính là một nguồn vốn lớn được cho vay từ nhà nước hoặc các tổ chức. Và đó cũng chỉ là giấc mơ.
Vẫn là câu chuyện: “Đầu tiên -tiền đâu”?
Với câu hỏi: ngư dân bán tàu có phải do tín dụng đen lấy lãi suất cao, ép giá không, ông Nguyễn Văn Cồn - Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường Xuân Hà nói ngay: Không phải, vì nhiều nguyên nhân, nhưng chung quy lại là vì thiếu tiền nên bán tàu.
Ông Cồn kể ra nhiều trường hợp bán tàu, bây giờ đều khó khăn. Tuy nhiều nguyên nhân, nhưng dễ nhận thấy đằng sau đó là bóng dáng của các chủ nậu. Hồ Ngọc Phước (Xuân Hà) – một chủ tàu từng phải bán tàu giải nghệ, bùi ngùi: Nói thiệt ra, cũng chả ai ép uổng gì mình phải bán tàu đi, nhưng không có tiền, lãi suất ngân hàng cao vùn vụt. Nhà thì cầm rồi, mà chơi với chủ nậu thì họ tính lãi cắt cổ như thế. Rồi chuyến nào về cũng bị ép xuống một vài giá, dần dần mình chẳng còn tâm trí mà làm. Tàu là của mình, mà suốt đời giống thằng làm thuê, lúc nào cũng nơm nớp lo nợ nần. Thôi thì bán quách tàu, trả một lần xong nợ”.
Anh Lê Tùng (Xuân Hà) phải bán tàu vì lao động ép giá cả với chủ tàu, khiến anh lao đao chạy ngược chạy xuôi vay tiền. Chủ nậu được thể thổi lãi, ép giá khiến anh chỉ còn nước đầu hàng. Nhưng, giờ anh lại đang ngược xuôi vay tiền tìm cách mua tàu mới, và lại phải dựa vào đầu nậu.
Hồ Ngọc Thạnh (tự Phước) - chủ tàu ĐNa 90449, người đã dứt được với chủ nậu 5 năm nay nhờ con tàu thường xuyên trúng lớn nay đang đối mặt với thách thức thật sự. Chuyến biển vừa rồi, sét đánh làm hỏng toàn bộ máy móc, ICOM và các vật dụng trên tàu, giờ đây, muốn ra khơi lại, Phước chỉ còn cách liên kết với chủ nậu.
Nhiều lần trò chuyện, Phước luôn bảo, có chết cũng không liên kết với chủ nậu vì hay bị ép giá, lấy lãi suất cao. Nhưng giờ đây, để đảm bảo tàu ra khơi, lao động không bỏ, anh phải vay mượn. “Lao động giờ kinh lắm, mỗi lần đi bắt ứng trước 7 - 10 triệu đồng.
Anh tính một tàu 12 người, mỗi người 10 triệu đồng đã là 120 triệu đồng, rồi chi phí dầu đèn gạo gas, không vay chủ nậu thì lấy đâu. Mùa này đang được cá, mực, giá thị trường cũng đỡ, nhưng về bến thì nậu chờ sẵn. Cá đẹp còn đỡ, cá xấu thì xuống tận 5 giá. Nghĩ muốn bỏ biển, nhưng luật chơi thế rồi, phải chấp nhận thôi” - Phước nói.