Tạp chí đặc biệt này có giá 210 ngàn đồng! Mức giá khiến độc giả… hoảng sợ. Có lẽ, đây cũng là ấn phẩm có giá đắt nhất Việt Nam xưa và nay. Nhưng “đắt xắt ra miếng” là có thật. “Viết và đọc” dày dặn hiếm thấy với dung lượng gần 300 trang, nội dung phong phú từ văn xuôi, thơ, phê bình tiểu luận, Đối thoại, Văn học nước ngoài, Tư liệu, Nghệ thuật Việt, Những người nổi tiếng thế giới. Trong đó phần văn xuôi mỗi kỳ sẽ giới thiệu một tác giả văn chương mới, mỗi chuyên đề còn có một chuyên mục Ấn tượng 90 ngày. Đến nay “Viết và Đọc” đã đi đến số thứ 5, chuyên đề mùa thu.
Không phải ngẫu nhiên mà các nhà văn gọi “Viết và Đọc” là “giai phẩm”. “Viết và đọc” hay là đương nhiên, bởi nó qui tụ những tên tuổi văn chương hàng đầu hiện nay. Ngay những nhân vật nổi tiếng không mấy khi chịu “lộ diện” như Bảo Ninh cũng sẵn sàng hợp tác với “Viết và đọc”. Trong giai phẩm “Viết và đọc” chuyên đề mùa thu 2019, fan của tác giả “Nỗi buồn chiến tranh” có thể gặp anh qua ghi chép và tản văn “Mùa đông bão tố” cảm động và suy ngẫm. Có sự góp mặt của Bảo Ninh là một sự “sang chảnh”, bởi từ khá lâu, tác giả “Nỗi buồn chiến tranh” ít xuất hiện với tư cách tác giả trên báo chí, chủ yếu anh xuất hiện như một nhân vật được người viết khai thác.
Xúc động hơn cả trong “Viết và đọc” chuyên đề mùa thu 2019, là chùm thơ của Du Tử Lê. Nguyễn Quang Thiề bật mí, chùm thơ này do chính Du Tử Lê tuyển chọn. Giai phẩm mùa thu vừa ra mắt độc giả thì Du Tử Lê vừa về bên kia thế giới. Trong chùm thơ do Du Tử Lê tuyển chọn như có dự cảm về sự ra đi. Gia tài thơ Du Tử Lê vô cùng phong phú, nhưng lần này ông chọn “Nếu tôi chết hãy đem tôi ra biển”, “Khúc Thụy Du”… dành tặng bạn đọc. Ngoài ra, còn có “Đêm treo ngược tôi dấu chấm than” như lời từ biệt của thi sĩ: “Nến tôi cháy đỏ mùa chia, biệt/Người ghé qua rồi, cũng bỏ đi/những con dế sớm khan, khô tiếng/cũng tự chôn mình theo tiếng ve./Sương nhìn tôi xa dần sớm mai”.
“Giai phẩm bốn mùa” không chỉ hay mà còn mãn nhãn, bởi sự góp sức của những họa sỹ tên tuổi của hội họa đương đại. Ở mỗi chùm thơ, mỗi bài viết thường kèm theo phụ bản của họa sỹ. Ngay chính Nguyễn Quang Thiều cũng chăm chút cho “đứa con” đặc biệt này bằng tranh của mình.
Tại sao Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, đứng đầu là nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Giám đốc NXB, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam lại quyết tâm sinh nở “Viết và Đọc” khi văn hóa đọc đang kêu cứu? Họ không tham vọng thức tỉnh “thượng đế” lười đọc mà chỉ muốn tạo ra một sân chơi, như Nguyễn Quang Thiều chia sẻ: “dựng lên một ngôi nhà nhỏ cho những người kể chuyện của thế gian bước vào, nhóm lên ngọn lửa và cất tiếng. Mỗi một nhà văn, nhà thơ, mỗi một họa sỹ, mỗi một nhà ngiên cứu, mỗi một người giảng dạy trong nhà trường… và mỗi một bạn đọc chính là một người kể chuyện của thế gian này”.
Một điều bất ngờ, “Viết và Đọc” trả nhuận bút khá cao cho mỗi tác phẩm xuất hiện trên giai phẩm. Thời buổi khó khăn nhưng Nguyễn Quang Thiều vẫn “chơi lớn”. Chẳng biết “Viết và Đọc” sẽ trải qua bao nhiêu mùa mưa nắng nhưng Nguyễn Quang Thiều tiết lộ tin vui: Đến số thứ 5 đã in đến 2.000 bản. Nhà văn Việt Nam nổi tiếng nhất, nhì trên facebook hiện nay nói thêm: “Nhưng nếu một lúc nào đó không còn ai đọc nữa, thì “Viết và Đọc” vẫn sẽ ra đời, cho dù chỉ là 1 bản, để cho chính những người làm ra nó đọc…”. Thế có “ghê” không?