Quên cuộc hẹn với đối tác vì... game
Theo tính toán của một trang mạng uy tín, nếu tính trung bình, một người đang làm việc tại công sở được trả 8.000 đồng/giờ làm việc, thì khi tham gia vào những trò chơi trực tuyến trên mạng, ít nhất họ sẽ phải trả 15.000 đồng cho mỗi ngày làm việc. Nếu làm một phép tính nhanh cho số người sử dụng internet tại các văn phòng, công ty sử dụng vào mục đích trên thì thời gian lãng phí tính theo tháng quy ra tiền là vô cùng lớn. Vậy mà, không ít người đã và đang sử dụng thời gian “vàng ngọc” này cho những trò chơi vô bổ, thậm chí, họ “nghiện” chơi game như nghiện “ma túy”.
Cho đến thời điểm này trang mạng xã hội Facebook ngoài chức năng như chia sẻ thông tin, kết bạn còn có một chức năng độc đáo khác đó là cho phép những người tham gia có thể chơi các game trực tuyến tổ chức theo hình thức mạng xã hội. Khá nổi bật và hút lượng lớn thành viên thuộc giới công chức văn phòng là các game về trồng trọt, chăn nuôi. Dù đã xuất hiện nhiều năm trước nhưng thể loại game này đa phần là game offline, độ tương tác không cao nên ít người chơi. Khi được tích hợp online, kết hợp với độ hấp dẫn của mạng xã hội, game “nông dân” mặc nhiên trở thành “mốt”. Một phụ nữ đang làm việc tại một cơ quan Nhà nước trong lĩnh vực môi trường tâm sự, ngày nào đến cơ quan chị cũng phải vào thu hoạch rau quả trong vườn, kiểm tra xem có con bò, con chó nhà hàng xóm nào vào ăn hoa màu của mình hay không... Thậm chí, chị còn cài đặt chế độ trên điện thoại để ghi nhớ thời gian thu hoạch. Chỉ có điều chồng chị là người có máu ghen, cứ buổi sáng trước khi đi làm nghe tiếng chuông điện thoại của vợ kêu reng reng, anh chồng tưởng vợ có bồ nên đã bí mật theo dõi. Anh chồng đã đánh ghen khi bắt gặp vợ mình cùng “sếp” đến một cuộc họp. Sau khi nghe chồng giải thích, chị này mới vỡ lẽ chỉ vì chuông điện thoại cài đặt game nên khiến ông chồng nổi máu ghen.
Gần đây, Candy Crush Saga- tên một trò chơi trên Facebook cũng thu hút nhiều dân công sở. Không ít người trải nghiệm trên điện thoại chưa đủ, họ còn sử dụng cả máy tính tại cơ quan để cày kéo “level”. Họ say sưa game tới mức xao lãng cả công việc, tâm trí lúc nào cũng tập trung vào trò chơi và bất cứ khi nào có thể là họ lại “ôm” lấy chiếc máy tính để cắm cúi ghi điểm. Mặc dù, nhiều công ty đã có quy định cấm sử dụng mạng xã hội và chơi game nơi công sở nhưng xem ra tình trạng này vẫn diễn ra khá phổ biến.
Anh Lê Ngọc Vũ - nhân viên kinh doanh của một công ty truyền thông cho hay, 4 tháng nay, anh không thể nào thoát khỏi sự phấn khích khi chơi trò chơi “Hậu duệ” hay còn gọi là Ragnarok Online mỗi khi đến cơ quan làm việc. Theo anh Vũ, do đường truyền internet ở cơ quan chạy nhanh, lại được sử dụng không mất tiền nên anh thường xuyên đến sớm và về muộn để thỏa niềm đam mê chơi game. Chính vì vậy, hiệu quả công việc của anh sa sút trông thấy, thậm chí không ít lần anh đã quên mình có cuộc hẹn với đối tác, bỏ lỡ một số hợp đồng quan trọng cho công ty. Mới đây, “sếp” đã gọi anh vào phòng riêng nhắc nhở: “Nếu không tập trung vào công việc, anh sẽ là đối tượng được cho vào danh sách giảm biên chế”.
Sức hút chết người
Theo hướng lan truyền chóng mặt, người này truyền đến người kia và cứ thế các trò game trở thành yếu tố không thể thiếu trong xã hội ảo. Thậm chí, tại một số nơi làm việc, nhiều đối tượng nam giới còn lập thành một đội để thi thố tài năng khi tham gia các trò chơi. Nhìn bề ngoài, tưởng như họ đang chăm chú xử lý công việc nhưng thực ra họ đang dồn toàn bộ tâm trí vào trò chơi. Nếu thấy “sếp” đột nhiên xuất hiện, người nọ sẽ nhắn tin cho người kia qua mạng chát và lập tức thoát khỏi màn hình.
Bà Nguyễn Thanh Hương- Giám đốc một công ty chuyên kinh doanh thiết bị y tế cho hay, vấn đề ở đây chính là vai trò của những người tham gia mạng xã hội bởi, những trò chơi này sẽ không mang lại nguy hại nếu người chơi sắp xếp được thời gian làm việc hợp lý và chơi game vào giờ nghỉ để không làm ảnh hưởng đến công việc. Trước thực trạng trên, một số doanh nghiệp đã có biện pháp chống lại cơn nghiện game, hay mạng xã hội bằng các biện pháp như chặn tường lửa, hoặc đưa ra quy chế phạt tiền đối với nhân viên khi chơi game trong giờ làm việc. Tuy nhiên, ông Nguyễn Tuấn Đạt - Giám đốc quản trị mạng công ty Viettravel cho rằng đó chưa phải là những biện pháp hữu hiệu, bởi kể cả áp dụng những biện pháp này, nhân viên vẫn tìm cách qua mặt “sếp”. Điều quan trọng là các công ty nên thiết lập và soạn thảo chính sách về những điều khoản được và không được khi sử dụng mạng internet tại nơi làm việc. Mới đây, bỏ qua những khía cạnh liên quan đến những vấn đề pháp lý, người tạo ra trò chơi Flappy Bird gây “sốt” trên mạng đã quyết định gỡ bỏ nó, bởi lo ngại sẽ gây nghiện cho người chơi đủ để thấy rằng sức hút của những trò chơi trên mạng đã và đang để lại những hệ lụỵ không hề nhỏ...
(Còn nữa)
Theo Ngọc Bảo