Trước khi sinh, chị Hà, Quán Thánh, Hà Nội được bố mẹ chồng chuẩn bị cho cả một ít cam thảo khô. Mẹ chồng chị bảo: Cho trẻ uống nước cam thảo thì sẽ sạch ruột và mát, sau này sẽ ít đàm nhớt. Nghĩ rằng trẻ sơ sinh thì chỉ nên bú sữa mẹ nên chị Hà tỏ ra nghi ngại. Nhưng bố mẹ chồng chị bảo: Kinh nghiệm các cụ truyền lại quý báu lắm đấy.
Không dám cãi lại bố mẹ chồng, chị Hà lên hỏi các chị em ở diễn đàn và cơ quan. Người thì bảo “Kinh nghiệm của các cụ không được chứng minh, chẳng ai giải thích hợp lý nên đừng có nghe theo”. Những cũng có người bảo: “Mình cũng làm theo rồi, thấy con cũng khỏe mạnh, không làm theo rồi mẹ chồng nàng dâu lại hờn giận nhau”. Cuối cùng chị Hà chỉ còn cách là vẫn mang theo cam thảo, nhưng ngay sau sinh, chị hỏi luôn bác sỹ (trước mặt mẹ chồng), bác sỹ xua tay, nhăn nhó: “Trời ơi, ai lại làm thế, kinh nghiệm đâu không biết nhưng điều đó là phản khoa học”.
Liên quan tới vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội cho biết: “Việc các mẹ truyền miệng nhau kinh nghiệm cho trẻ uống nước cam thảo sau sinh để giúp trẻ sạch ruột, hết đờm nhớt chính là họ đang xui dại nhau. Đó là điều hoàn toàn sai nguyên tắc, không có cơ sở khoa học. Trẻ em sau khi sinh ra chỉ được bú sữa mẹ, nếu không có sữa mẹ thì cho ăn sữa công thức. Ngoài ra không nên cho trẻ ăn hay uống bất cứ thứ gì kể cả nước lọc”.
Hại con lẫn mẹ
Đánh giá về tính chất của nước cam thảo, bác sỹ Dũng nhận định: “Nước cam thảo có tác dụng rất tốt trong nhiều trường hợp, tuy nhiên không thích hợp cho trẻ sơ sinh. Bởi trong quá trình pha chế, nước cam thảo rất dễ bị nhiễm khuẩn, hơn nữa hệ tiêu hóa của trẻ còn non nớt sẽ không thích hợp với bất cứ loại nước gì ngoài sữa mẹ. Nếu cho trẻ dùng nhiều có thể dẫn đến nôn, trớ, tiêu chảy, thậm chí nhiều hậu quả nghiêm trọng hơn”.
Nói về các trường hợp một số chị em kể rằng con họ khỏe mạnh, mấy tháng đầu không mắc bệnh đường ruột vì nước cam thảo, bác sỹ Dũng cho rằng: Có thể đó là do vấn đề chưa nảy sinh. Nếu chỉ dựa vào những biểu hiện thông thường bên ngoài của trẻ thì không thể khẳng định tác dụng tốt của nước cam thảo. Bác sỹ vẫn nhấn mạnh: Khi không có sữa cho trẻ bú thì mới sử dụng nước đường. Các loại nước này chỉ có tác dụng duy nhất là làm cho trẻ bớt đói, nhưng đó chỉ là trường hợp bất khả kháng.
Việc cho trẻ sơ sinh uống nước cam thảo, theo bác sỹ Dũng còn có thể ảnh hưởng tới sản phụ. Đó là vì trẻ mới sinh có nhu cầu ăn uống với lượng ít. Nếu cho trẻ dùng nước cam thảo rồi, trẻ sẽ giảm bú, sữa mẹ sẽ chậm xuống, khiến đầu vú căng tức, tắc tia sữa, thậm chí viêm vú. Sau này, khi cho trẻ bú lại sẽ khó khăn vì trẻ không đói, và đã quen với thứ nước khác mà không phải sữa mẹ.