Cỏ dại mọc um tùm
Nằm ngay mặt tiền Quốc lộ 14 thuộc xã Tân Thành (TP Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước), nơi đông dân cư song chợ Tân Thành hoang vắng với khối bê tông xuống cấp, cỏ dại mọc um tùm.
Năm 2021, TP Đồng Xoài đầu tư khoảng 6 tỷ đồng vốn ngân sách xây dựng chợ Tân Thành. Việc xây dựng chợ, theo chính quyền địa phương là để người dân vào buôn bán, không còn tập trung ngay sát quốc lộ gây mất an toàn giao thông.
Đến giữa năm 2022, khu chợ khánh thành, với sự vận động của chính quyền địa phương, hàng chục tiểu thương đã vào chợ buôn bán, kinh doanh. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn, tiểu thương lần lượt bỏ chợ. Từ năm 2023 đến nay, chợ bỏ hoang.
Là tiểu thương từng vào chợ Tân Thành buôn bán, bà Lan (ở xã Tân Thành) cho biết, sở dĩ các tiểu thương lần lượt bỏ chợ vì quen với cảnh ngồi bán lề đường. “Trước khi xây chợ Tân Thành, cách đó không xa người dân đã họp chợ tạm. Khi chợ xây dựng xong, chính quyền vận động và nhiều người vào đó buôn bán nhưng chẳng có khách nên lại lần lượt bỏ đi. Thói quen của người dân mua hàng ở chợ tạm, lề đường, vì tiện đường và giá cả rẻ hơn”, bà Lan chia sẻ.
Đại diện UBND xã Tân Thành cho biết, các đơn vị chức năng của thành phố Đồng Xoài đã cho người xuống khảo sát, quy hoạch lại để tiểu thương vào trong chợ buôn bán. Chính quyền địa phương tạo điều kiện tốt nhất cho tiểu thương vào chợ buôn bán, đồng thời xử lý đối với trường hợp buôn bán lấn chiếm lòng lề đường, hàng rong.
Chợ Cẩm Mỹ đầu tư hơn 120 tỷ đồng nhưng không có tiểu thương vào kinh doanh. Ảnh: M.T |
Tương tự, tại phường Phú Tân (TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương), chợ Phú Chánh C trong tình trạng xây xong bỏ hoang. Chi hàng tỷ đồng xây dựng nhưng khi hoàn thành, khoảng 10 năm nay, chợ Phú Chánh C vẫn chưa được sử dụng, dù xung quanh dân cư đông đúc.
Ông Đỗ Văn Bình - Chủ tịch UBND phường Phú Tân cho biết, trước đây khi doanh nghiệp xây dựng khu dân cư, chợ Phú Chánh C nằm trong quy hoạch xây dựng. Khi khu dân cư và chợ Phú Chánh C ra đời, ít người dân sinh sống nên chợ chưa thể hoạt động. Hiện nay, khi dân cư đông đúc, phường Phú Tân đã tham mưu các cấp với mong muốn được bàn giao về cho địa phương quản lý.
Đón đầu nhầm?
Chợ Tân Thành xây hàng chục tỷ đồng rồi bỏ hoang. Ảnh: H.C |
Theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nhiều năm trước, một số doanh nghiệp ở Đồng Nai được chính quyền địa phương hỗ trợ đầu tư xây dựng chợ truyền thống. Đến nay một số chợ bỏ hoang, không có tiểu thương vào buôn bán.
Chợ Xuân Định (xã Xuân Định, huyện Xuân Lộc) có diện tích 30 ngàn m2, khánh thành năm 2012, thay thế chợ tạm ngã 3 Xuân Định với kinh phí xây dựng hơn 38 tỷ đồng, do HTX Thương mại- Dịch vụ Xuân Định làm chủ đầu tư.
Sau 12 năm, đến nay chợ Xuân Định vẫn bỏ hoang, xuống cấp. Nhiều ki-ốt bị mất cửa, các sạp chợ sụp bề mặt bê tông. Sân chợ được tận dụng trồng cây cảnh, bãi tập lái xe.
Ông Hải nguyên là Giám đốc HTX Dịch vụ- Thương mại Xuân Định thời kỳ thành lập chợ, cho biết: “Được sự hỗ trợ của chính quyền, HTX đã thuê đất, đầu tư xây dựng chợ. Chính quyền địa phương hỗ trợ đưa tiểu thương từ chợ tạm vào chợ mới. Ban đầu chợ có vài chục hộ đóng tiền mua sạp, tuy nhiên do chợ cũ tự phát cách chợ mới 300m vẫn hoạt động nên chợ mới rơi vào cảnh ế ẩm”. Sau vài tháng, tiểu thương bỏ chợ mới trở về nơi cũ nên HTX phải hoàn trả lại tiền cho người mua sạp và chợ bỏ trống cho đến bây giờ.
Phó chủ tịch UBND huyện Cẩm Mỹ Lê Văn Tưởng cho biết, về chợ Cẩm Mỹ bỏ hoang, doanh nghiệp hiện chuyển qua hướng hoạt động siêu thị, nhưng việc chuyển đổi rất phức tạp. Chợ truyền thống thuộc dạng ưu đãi, Nhà nước giao đất, nếu chủ đầu tư chuyển hướng qua đầu tư siêu thị thì quy hoạch đất thuộc thương mại dịch vụ, sẽ vướng nhiều quy định khác, như phải thu hồi đất, lập thủ tục đấu giá…
Ông Lê Khắc Sơn, Phó chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc cho biết, thời điểm đó việc xây dựng chợ là một trong các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Do đó chính quyền đã hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư chợ.
“Trước đây, chợ xây dựng để thay thế chợ tạm nhưng vận động hết cách mà tiểu thương vẫn không đến bán.
Bây giờ chợ không hoạt động nữa, huyện mới kiến nghị điều chỉnh quy hoạch sang quy hoạch thương mại dịch vụ”- ông Sơn cho biết.
Chợ Cẩm Mỹ, thị trấn Long Giao, huyện Cẩm Mỹ, cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Với quy mô chợ loại 1, chợ Cẩm Mỹ có diện tích gần 3ha, tổng vốn đầu tư trên 120 tỷ đồng do Công ty CP Đầu tư Xây dựng N.T làm chủ đầu tư. Chợ hoàn thành vào năm 2013, không lâu sau ngày khánh thành phải đóng cửa vì tiểu thương không vào buôn bán.
Hiện tại cả chợ chỉ có khoảng 5 hàng rau, tạp hóa buôn bán ế ẩm. Ông T một hộ kinh doanh rau tại chợ Cẩm Mỹ, nói sau khi khánh thành và đưa tiểu thương vào buôn bán nhưng rồi chợ cũ cách đó không xa vẫn hoạt động nên chợ Cẩm Mỹ không có người vào mua sắm. Buôn bán ế ẩm, tiểu thương bỏ chợ mới dù Ban quản lý chợ miễn tiền thuê sạp, tiền điện, nước trong 6 tháng.
Phó chủ tịch UBND huyện Cẩm Mỹ Lê Văn Tưởng cho hay, trước đây, chính quyền địa phương đã nhiều lần tuyên truyền, vận động đưa các tiểu thương vào chợ buôn bán. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân như thói quen mua bán lâu năm tại chợ Nhân Nghĩa cách thị trấn 2 km, dân cư không tập trung nên từ lúc khánh thành đến nay không mấy ai vào mua bán. Định hướng của huyện xây dựng chợ để đón đầu hoạt động của các cụm, khu công nghiệp được quy hoạch, nhưng đến nay cụm công nghiệp chưa hình thành, nên chưa thu hút được người dân về.
Bệnh viện… không bệnh nhân
Năm 2013, tỉnh Bình Dương đầu tư xây dựng Bệnh viện Chuyên khoa Tâm thần với quy mô 300 giường bệnh, vốn đầu tư gần 250 tỷ đồng tại thành phố Tân Uyên. Năm 2018, công trình này hoàn thành nhưng đến năm 2020 bệnh viện mới được bàn giao cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương quản lý. Dù vậy, đến nay vẫn chưa đưa vào sử dụng.
Bệnh viện Chuyên khoa Tâm thần với quy mô 300 giường không có bệnh nhân Ảnh: H.C |
Giữa năm 2023, Sở Y tế Bình Dương lập đoàn khảo sát để xin chuyển đổi công năng cơ sở vật chất của Bệnh viện Chuyên khoa Tâm thần làm nơi thực hiện các hoạt động chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Dương. Việc chuyển đổi công năng đến nay chưa có phương án cụ thể và phải chờ di dời Bệnh viện Đa khoa Bình Dương đến cơ sở mới đang xây dựng.
Ghi nhận của phóng viên tại Bệnh viện Chuyên khoa Tâm thần, cho thấy do bỏ hoang nhiều năm, nhiều hạng mục đã xuống cấp. Bên trong công trình, hệ thống máy lạnh, trần nhà, cửa kính, tường, khu vực thang máy… hư hỏng nặng. Trong khi đó, khu vực khuôn viên bệnh viện cỏ dại mọc um tùm, phân bò đầy sân.
Đại diện lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết, sau khi bệnh viện 1.500 giường Bình Dương đưa vào hoạt động, khoa Tâm thần của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương sẽ được di dời vào Bệnh viện Chuyên khoa Tâm thần. Vậy là đến nay, sau nhiều năm người bệnh vẫn không thể đến bệnh viện để khám chữa bệnh.