Cho tôi được... nghèo

Cho tôi được... nghèo
Không đâu như ở Việt Nam, người dân mong mình mãi là người nghèo để hưởng các chính sách vay vốn, an sinh

Cho tôi được... nghèo

> Cha mẹ lười, đẩy con đi ăn xin 

Không đâu như ở Việt Nam, người dân mong mình mãi là người nghèo để hưởng các chính sách vay vốn, an sinh

Trong một lần đi công tác ở huyện miền núi, ông Phan Như Hải, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) tỉnh Bình Định, ngỡ ngàng khi thấy một phụ nữ lặn lội hơn 10 km đến gặp ông chỉ để xin... trở lại hộ nghèo.

Du di xét duyệt hộ nghèo

Gia đình người phụ nữ này trước đây thuộc diện hộ nghèo, được hưởng các chính sách ưu đãi về vay vốn, an sinh. Sau 3 năm, thẩm định lại, xét thấy thu nhập của hộ này trên 400.000 đồng/khẩu nên địa phương đưa ra khỏi danh sách hộ nghèo. Mặc dù đã được giải thích nhiều lần nhưng người phụ nữ này vẫn cố tìm gặp lãnh đạo Sở LĐ-TB-XH để khiếu nại.

“Vì có nhiều chính sách ưu đãi cho hộ nghèo nên họ cứ muốn ở mãi trong diện nghèo. Chuyện này xảy ra khắp nơi. Theo tôi, cũng một phần lỗi từ chính quyền địa phương” - ông Hải nhận định.

Gia đình ông Đoàn Văn Thủy (xã Canh Hòa, huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định) có 2 ha đất sản xuất nhưng vẫn sống trong căn nhà lụp xụp hơn 10 năm nay_Ảnh: HỒNG ÁNH
Gia đình ông Đoàn Văn Thủy (xã Canh Hòa, huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định) có 2 ha đất sản xuất nhưng vẫn sống trong căn nhà lụp xụp hơn 10 năm nay_Ảnh: HỒNG ÁNH.
Ngôi nhà tình thương của anh Thạch Sa Quết (huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh) đã biến thành bãi đất trống. Ảnh: CA LINH
Ngôi nhà tình thương của anh Thạch Sa Quết (huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh) đã biến thành bãi đất trống. Ảnh: CA LINH.
 

Ông Trần Thanh Bình, Trưởng Phòng Bảo trợ xã hội Sở LĐ-TB-XH tỉnh Phú Yên, thừa nhận có sự du di trong việc xét duyệt hộ nghèo tại các địa phương. “Ở nông thôn, thu nhập trên 400.000 đồng/khẩu thì không thuộc diện hộ nghèo nhưng nhiều hộ thu nhập 410.000 đồng/khẩu. Đúng là họ thoát nghèo không bền vững nên các địa phương cũng cho là hộ nghèo” - ông Bình nói.

Cũng theo ông Bình, tư tưởng xin được nghèo không chỉ có ở người dân mà cả các cấp chính quyền. Vì vậy, tỉ lệ hộ tái nghèo hằng năm ở 2 tỉnh Bình Định và Phú Yên khá cao, khoảng trên 10%.

Không riêng gì ở tỉnh Phú Yên, Bình Định, tâm lý “muốn nghèo” cũng còn trong một số cán bộ ấp, xã của tỉnh Trà Vinh, Hậu Giang, Quảng Nam... Hộ ông Lê Út Em - Phó trưởng Công an ấp Xẻo Trâm, xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang - có 5 người và 6 công ruộng. Ngoài người mẹ lớn tuổi, anh em của ông Em đều trưởng thành, có khả năng lao động, kinh tế gia đình ổn định. Tuy nhiên, trong đợt bình xét năm 2012, hộ ông Em trở thành hộ cận nghèo.

Gần đó, nhà ông Trần Văn Út, trưởng ấp Xẻo Trâm, có ngôi nhà tường kiên cố, ruộng đất trồng trọt đã vượt ngưỡng hộ cận nghèo vẫn được bình xét là hộ nghèo. Vụ việc khiến người dân trong ấp bức xúc, tố giác lên chính quyền xã.

“Quy trình bình xét hộ nghèo, cận nghèo do ấp nắm rồi mới trình lên xã. Do vậy, có những việc xã chưa nắm hết thông tin. Đối với trường hợp ông Trần Văn Út, qua kiểm tra lại thấy hộ này không đúng tiêu chuẩn hộ cận nghèo nên xã sẽ họp dân đưa ra khỏi diện cận nghèo” - ông Võ Văn Kết, Chủ tịch UBND xã Hòa An, trần tình.

Ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Trà Vinh, phân tích: Nhà nước có nhiều chính sách quan tâm đến người nghèo như xây dựng nhà ở, bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí cho con em hộ nghèo, ưu đãi vay vốn… Vì vậy, các hộ nghèo sau nhiều năm được hỗ trợ đã có thu nhập cải thiện cuộc sống nhưng không chịu thoát nghèo và trả lại sổ bởi nếu ra khỏi hộ nghèo, họ sẽ mất tất cả các khoản ưu đãi nói trên.

Tố nhau đã “giàu”

Tình trạng người dân ỷ lại, lười lao động, kiên quyết bám nghèo đã gây không ít khó khăn cho cán bộ địa phương. Tại tỉnh Quảng Nam, mỗi năm, UBND tỉnh đều giao khoán chỉ tiêu thoát nghèo cho các huyện, huyện lại giao về cho xã hỗ trợ những hộ thực sự thoát nghèo để báo cáo. Theo quy trình này, nhiều cán bộ cấp xã cũng như Phòng LĐ-TB-XH huyện Tây Giang lắc đầu ngao ngán.

“Muốn đưa một hộ ra khỏi diện nghèo không dễ. Cán bộ phải đi vận động, tuyên truyền nhiều lần, bà con mới đồng ý” - bà Nguyễn Thị Tùng, chuyên viên Phòng LĐ-TB-XH huyện Tây Giang, kể.

Ông A Lăng Thành, Phó Chủ tịch xã Bhallê, huyện Tây Giang, cho biết: Năm 2013, huyện giao chỉ tiêu về xã, bình quân mỗi thôn phải có 4 hộ thoát nghèo. Để tìm được 4 hộ này, xã cũng phải “mòn con mắt” vì hầu hết các hộ đều giấu nguồn thu nhập. Nhiều hộ dù thu nhập đã khá hơn, mua sắm được tivi, xe máy nhưng khi cán bộ đến điều tra thì mang giấu đi hết. Từ đó, xảy ra việc giữa các hộ tố giàu lẫn nhau.

Vì không muốn mình thoát khỏi diện nghèo nên các hộ đã mang việc hàng xóm có thu nhập tăng cao, không còn nghèo khổ nữa báo với cán bộ thôn, xã.

Theo ông Bríu Hùng, Phó Chủ tịch xã Lăng, huyện Tây Giang, xã đã tuyên truyền cho người dân hiểu không thể trông chờ mãi vào chính sách mà cần chăm chỉ lao động, phải chấp nhận thoát nghèo thì mới có động lực để phát triển kinh tế. Ông Phan Như Hải cho rằng việc xét duyệt hộ nghèo thường bắt đầu từ cấp thôn. Do tình làng nghĩa xóm, sợ mất lòng nhau nên có những trường hợp không phải hộ nghèo cũng được đưa vào diện nghèo.

Mặt khác, chính quyền địa phương thường nói rất rõ các chính sách ưu đãi hộ nghèo mà “quên” đề cập mục đích của việc hỗ trợ nhằm giúp dân thoát nghèo và khi đời sống của họ đã khá hơn, các chính sách này sẽ chuyển sang cho những hộ nghèo khác. Vì không giải thích cặn kẽ nên người dân thường chỉ thấy cái lợi trước mắt mà quên đi việc cần chia sẻ với những đối tượng khó khăn hơn.

Theo Người Lao Động

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG