Thật khó chấp nhận về trường hợp bệnh nhân 45 tuổi lẽ ra đã được cứu nhưng đã phải ra đi một cách oan uổng. Và hai chàng trai mới 18 và 26 tuổi, là anh em ruột đã có thể hồi phục, thay vì nằm bất động chờ vào sự may rủi của số phận nếu như cả nước còn thuốc giải độc. Chua xót hơn, những liều thuốc giải quý giá do WHO viện trợ khẩn cấp đã không còn hiệu nghiệm với các bệnh nhân vì “thời gian vàng” cho việc dùng thuốc đã trôi qua.
Ngộ độc botulinum là bệnh hiếm gặp, thuốc đặc trị thiếu thốn đã đành, ngay cả thuốc chữa trị những bệnh phổ biến, hầu như năm nào cũng rộ lên như tay chân miệng đôi lúc cũng không thoát khỏi tình trạng ăn đong. Các bệnh viện phải chia sẻ với nhau từng liều thuốc ít ỏi đế cứu chữa cho bệnh nhân. Vì không có thuốc đặc trị, đôi khi bác sĩ buộc phải chỉ định cho bệnh nhân sử dụng những loại thuốc khác có hiệu quả thấp hơn.
Những ngày qua, bệnh tay chân miệng gia tăng nhanh tại nhiều địa phương, trở thành một loại dịch bệnh hết sức nguy hiểm, cướp đi sinh mạng của nhiều bệnh nhi. Và, có ai tự hỏi, trong số những nạn nhân không may mắn ấy có bao nhiêu trường hợp không được cứu chữa kịp thời bằng thuốc đặc trị?
Một khi dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn, nhất là sự xuất hiện của biến chủng mới, có độc lực và độ lây lan mạnh hơn, nhanh hơn thì tìm thuốc đặc trị ở đâu để cứu chữa cho các bệnh nhân.
Đại dịch COVID-19 toàn cầu, đặc biệt là làn sóng lần thứ 4 để lại cho chúng ta nhiều bài học kinh nghiệm đau đớn về y tế dự phòng song dường như vẫn chưa lay chuyển và làm thay đổi tư duy của không ít những người có trách nhiệm.
Đã có một số ý kiến cho rằng, dịch bệnh không theo quy luật. Dịch chồng dịch lại càng hiếm hơn. Điều kiện của Việt Nam không cho phép ngành y tế dự trữ một cơ số thuốc đủ lớn để ứng phó với các loại dịch bệnh bởi có thể gặp những rủi ro rất lớn như lãng phí ngân sách nếu dịch bệnh không xảy ra và thuốc dự trữ hết hạn sử dụng. Tuy nhiên, nếu cứ tiếp tục để tái diễn tình trạng ăn đong, chờ nước đến chân mới cuống cuồng xoay xở thì không chỉ nguồn lực quốc gia bị thất thoát mà sức khỏe, tính mạng của hàng triệu người có thể bị đe dọa.
Đầu tư cho y tế dự phòng để phòng chống, ứng phó với các loại dịch bệnh có thể xảy ra vẫn luôn là ưu tiên hàng đầu của các nước phát triển bởi suy cho cùng, thứ quý giá nhất chính là sức khỏe và tính mạng của con người và cộng đồng.