Chợ lá dong lớn nhất TPHCM bắt đầu nhộn nhịp không khí Tết

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Tồn tại hơn nửa thế kỷ, chợ lá dong ngã ba Ông Tạ (TP.HCM) họp duy nhất một lần trong năm. Năm nay, theo các tiểu thương do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên số lượng hàng nhập về để bán không nhiều. 

Cứ khoảng 15 đến 29 tháng Chạp, khu chợ lá dong nằm tại ngã ba Ông Tạ, (trên đường Cách Mạng Tháng Tám, quận Tân Bình, TP.HCM) lại tấp nập bày bán những bó lá xanh mướt và lạt gói bánh chưng. Những năm trước, số lượng lá dong bán ở chợ này có thể lên tới hàng chục vạn bó. Tuy nhiên năm nay do tình hình dịch bệnh nên nhiều tiểu thương dự đoán sức mua sẽ giảm so với mọi năm.

Chợ lá dong lớn nhất TPHCM bắt đầu nhộn nhịp không khí Tết ảnh 1

Chợ Ông Tạ là đầu mối cung cấp lá dong cho các lò bánh hoặc gia đình muốn gói bánh chưng dịp tết.

Bà Nguyễn Thị Điệp (60 tuổi, trú tại huyện Đức Huệ, Long An) cho biết, sạp lá dong của mình đã tồn tại khoảng 30 năm. Năm nay do dịch bệnh nên hiện tại thời điểm này bà chỉ nhập khoảng 4.000 lá để bán trước. Bà Điệp cho biết, nếu sức mua của người dân tăng lên thì bà sẽ nhập thêm. "Thường phải đến 24, 25 tháng Chạp khách mua mới đông nhưng năm nào tôi cũng phải xuống chợ tầm này để giữ chỗ", bà nói.

Chợ lá dong lớn nhất TPHCM bắt đầu nhộn nhịp không khí Tết ảnh 2

Thời điểm này, bà Nguyễn Thị Điệp chưa dám nhập nhiều lá dong để bán như các năm trước vì lo ngại sức mua giảm.

Bà Điệp cho biết thêm, năm nay, lá từ các vườn trồng ngoài Hà Nội và từ xã Gia Kiệm (huyện Thống Nhất, Đồng Nai) chuyển vào ít hơn mọi năm. Riêng lá dong ở Hà Nội nhập về năm nay khó khăn hơn do một số vùng vẫn còn dịch: "Trước thì cứ mỗi đêm một xe nhưng giờ 2-3 đêm mới có một xe hàng về, giá vận chuyển tăng gần gấp đôi năm trước".

Chợ lá dong lớn nhất TPHCM bắt đầu nhộn nhịp không khí Tết ảnh 3
Đã từ lâu, chợ lá dong Ông Tạ trở thành địa điểm quen thuộc của người dân TPHCM mỗi dịp Tết đến xuân về.

Bà Hoàng Thị Thu (ngụ quận Tân Bình, TP.HCM) người có thâm niên buôn bán lá dong tại chợ Ông Tạ hơn 20 năm cho biết, lá dong thường được bó thành từng bó 50 lá và được chia thành 3 loại với mức giá khác nhau. Lá đại có giá 80.000 - 90.000 đồng/bó; lá nhất có giá 40.000 - 45.000 đồng/bó, lá nhỏ có giá 25.000 - 30.000/bó. Tuy nhiên, mức giá trên có thể thay đổi tùy vào sức mua của người dân trong vài ngày tới.

"Năm nay, sạp tôi nhập khoảng 3.000 lá dong ở Hà Nội để phục vụ nhu cầu đa dạng của khách hàng nhưng chi phí vận chuyển khá cao. Từ Hà Nội vào TP.HCM mất khoảng 3 ngày mới tới nơi, tiền cước hết 1,05 triệu đồng, trong khi mọi năm chỉ có 600.000 đồng", bà Thu cho hay.

Chợ lá dong lớn nhất TPHCM bắt đầu nhộn nhịp không khí Tết ảnh 4

Lá dong được chọn mua từ nhà vườn ở huyện Hóc Môn (TP.HCM), huyện Gia Kiệm (Đồng Nai), Hà Nội,… Ưu điểm của các loại lá dong này có màu xanh óng, lá dai, tròn to nên được mọi người ưa chuộng.

Chợ lá dong lớn nhất TPHCM bắt đầu nhộn nhịp không khí Tết ảnh 5

Ngoài bán lá dong, tiểu thương còn bán kèm lạt buộc và khuôn gói bánh.

Chợ lá dong lớn nhất TPHCM bắt đầu nhộn nhịp không khí Tết ảnh 6
Sạp của bà Hoàng Thị Thu nhập thêm lá dong về để bán vào những ngày cao điểm sắp tới.

Theo các tiểu thương, mọi năm nhiều cơ sở sản xuất bánh chưng đã đặt lá từ rất sớm và lấy số lượng lớn. Năm nay, lượng khách đặt trước giảm từ 20-30% so với năm trước do ảnh hưởng của dịch bệnh.

"Năm nay, tôi khá thấp thỏm vì chưa biết sức mua ra sao nên chỉ nhập lá với số lượng hạn chế, không dám nhập nhiều vì để qua Tết là bỏ chứ mặt hàng này không dự trữ được", bà Thu nói.

Chợ lá dong lớn nhất TPHCM bắt đầu nhộn nhịp không khí Tết ảnh 7
Chợ lá dong lớn nhất TPHCM bắt đầu nhộn nhịp không khí Tết ảnh 8

Anh Nguyễn Thành Luân (ngụ quận Tân Bình, TP.HCM) cho biết: "Tuy cuối năm có bận đến mấy, gia đình tôi cũng dành thời gian ra chợ Ông Tạ mua lá dong, khuôn, lạt về gói bánh chưng. Với tôi, việc cả nhà cùng nhau quây quần gói bánh, nấu bánh chưng tại nhà là cơ hội để con cháu sum vầy, hiểu hơn về nét văn hóa Tết truyền thống của người Việt".

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.