Chủ đầu tư thất hứa
Mới đây, bà con tiểu thương tại Trương Định Plaza đã giăng băng rôn phản đối các quy định của Cty TNHH TTTM Trương Định (Cty Trương Định) không đúng cam kết với các tiểu thương khi di dời họ từ chợ Trương Định cũ sang chợ tạm để xây dựng lại chợ Trương Định. Áp đặt rất nhiều loại phí không đúng quy định của pháp luật hiện hành, đe dọa quyền lợi hợp pháp của các hộ đang kinh doanh tại chợ Trương Định.
Theo thông báo mà phía Cty Trương Định gửi đến bà con tiểu thương, giá thuê áp dụng cho khu chợ truyền thống có 4 mức: cao nhất là 440 nghìn/m2/tháng; thấp nhất là 310 nghìn/m2/tháng.
Phía bà con tiểu thương cho rằng, mức giá này là quá cao và chưa có sự đồng thuận của các tiểu thương. Tại chợ truyền thống trước đây, mức giá thuê phải được chính quyền phê duyệt chứ không phải do CĐT tự ý định đoạt. Chị Nguyễn Thị Thanh cho biết, ki ốt tương tự tại Trung tâm thương mại chợ Mơ chỉ phải thuê với giá 250.000 đồng/m2, trong khi phía TTTM là 440.000 đồng/m2 mặc dù trước đây, họ cam kết áp dụng mức giá 250 nghìn/m2/tháng. Chưa kể, TTTM còn đưa ra mức phạt đối với những tiểu thương có quầy nhưng không đi bán hàng.
Sau đó, bà con tiểu thương TTTM Trương Định tiếp tục chỉ ra sự sai lệch giữa bản vẽ thiết kế ban đầu so với mô hình hiện tại. Cụ thể, TTTM đã tự ý thay đổi vị trí, công năng của tầng hầm (nơi tập trung chợ truyền thống), sắp xếp thêm nhiều vị trí ki ốt bất hợp lý, sinh lợi cho CĐT. Từ 294 quầy bán hàng theo bản thiết kế ban đầu tăng lên thành 376 quầy, trong khi tiểu thương không được thông báo về việc này.
Bà Kiều Thị Thu (tiểu thương) cho rằng, có vị trí được xếp ngay trước cầu thang bộ thoát hiểm, có thể ảnh hưởng an toàn PCCC của chợ. Đơn cử như các ki ốt 364 - 369 nằm vào đường đi của thiết kế ban đầu; ki ốt 19 - 24 bịt cầu thang bộ… “Nếu thay đổi TTTM phải công khai cho người dân biết, không thể tự ý quyết được”, bà Thu bức xúc.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Bách Lợi - Trưởng phòng Kinh tế quận Hoàng Mai cho biết, về việc áp giá cao mà bà con kiến nghị mới là dự thảo hợp đồng mà CĐT soạn. Khi có thắc mắc của bà con tiểu thương, UBND quận đã yêu cầu CĐT phải đối thoại trực tiếp với bà con về bản thảo trong hợp đồng theo hương phù hợp, cơ bản có lợi cho bà con.
CĐT sau đó đã đối thoại với bà con 3 lần, đến nay đã ký được hơn 90% hợp đồng với mức giá cao nhất là 250.000 đồng/m2/tháng, thấp nhất là 170.000 đồng/m2/tháng. Ngoài ra, UBND quận cũng đề nghị CĐT miễn phí tháng đầu tiên để bà con ổn định kinh doanh. “Đối với TTTM Trương Định, chúng tôi đã giám sát CĐT ngay từ khi xâu dựng, đến khi có phương án bốc thăm ngành hàng, nhằm đảm bảo không để xảy ra nhóm lợi ích nào ở đây”, ông Lợi nói.
Ông Mai Anh Tú, Giám đốc Cty Trương Định cho biết, về việc phạt những hộ không kinh doanh cũng chỉ với mục đích tránh đầu cơ ki ốt, khuyến khích các tiểu thương buôn bán, tạo sầm uất cho chợ thời gian đầu. Hiện nay đa số đã đồng ý ký hợp đồng, chỉ còn 17 hộ chưa ký hợp đồng vì việc bố trí không đúng thiết kế ban đầu.
Ông Tú cũng thừa nhận có điều chỉnh một số vị trí cho phù hợp nhưng vẫn đảm bảo theo số lượng thiết kế là 341 ki ốt ban đầu. Cụ thể, theo phương án ban đầu có 14 ki ốt ở tầng 1; 20 ki ốt trên tầng 2 nay được dồn hết xuống tầng hầm. Việc này xảy ra do một số yếu tố chủ quan, xuất phát từ thực tế khi làm chợ bởi đối tượng khách hàng TTTM khác với đối tượng mua đồ tại chợ truyền thống. Cty Trương Định cũng tự đưa Ban quản lý chợ từ dưới hầm lên trên tầng 1 với lý do “tránh ồn”.
Không phù hợp?
Về mô hình chợ truyền thống chuyển đổi thành TTTM đã có nhiều bài học có thể nói là thất bại ở chợ Hàng Da, chợ 19/12, chợ Cửa Nam... Sau khi chuyển đổi mô hình sang TTTM nhiều bà con tiểu thương đã phải bỏ kinh doanh vì không thể tiếp cận với đối tượng khách hàng cũ. Ông Vũ Vĩnh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, các chợ truyền thống chuyển đổi sang mô hình TTTM hiện nay đang “chết yểu”. Bởi có những xung đột giữa những người có tiền và những bà con buôn bán ở chợ cũ. Theo ông Phú, mô hình TTTM không nên kết hợp với chợ truyền thống mà nên làm mô hình chợ thấp tầng do nhà nước quản lý. Như vậy sẽ quản lý chặt chẽ được hàng hóa, người kinh doanh, dần dần xóa bỏ được “chợ cóc, chợ tạm”. “Đối với mô hình chợ là đặc thù do đó riêng chợ truyền thống không nên xã hội hóa mà nhà nước nên quản lý, xây dựng 2 tầng rồi thu thuế”, ông Phú nêu ý kiến.