Lừa đảo, chiếm đoạt gần 4000 tỷ đồng, bắt nguồn từ việc bị đe dọa?
Bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như, SN 1978, nguyên Phó phòng quản lý rủi ro, quyền Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank), chi nhánh TP.HCM, bị truy tố về hai tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.
Huỳnh Thị Huyền Như khai nhận, khoảng năm 2007, để có tiền kinh doanh cổ phiếu và bất động sản nên Như đã vay tiền của 3 cá nhân, gồm: Nguyễn Thiên Lý, Nguyễn Thị Lành, Hùng Mỹ Phương (3 bị cáo này đều bị truy tố về tội “Cho vay nặng lãi” – PV) với lãi suất cao từ 0,4 – 1,2%/ngày, có những khoản vay Lý bắt Như phải chịu mức lãi suất 3 – 5%/ngày.
Ban đầu, Như vay của mỗi người 3 – 4 tỷ đồng, sau đó con số cứ tăng dần lên thành chục tỷ, trăm tỷ, rồi nghìn tỷ.
Đến năm 2009, Như mất thanh khoản. Bị các chủ nợ đòi dáo diết, liên tục gọi điện nhắn tin đe dọa nếu không trả tiền thì sẽ đến cơ quan Như làm lớn chuyện, quậy phá và cho người đập vỡ mặt. Sợ bị các chủ nợ đến ngân hàng nơi mình làm việc làm lớn chuyện thì sẽ xấu hổ với mọi người nên Như đã nghĩ cách kiếm tiền để trả các khoản vay tín dụng đen.
Khoảng đầu năm 2010, thông qua Trần Hoàng Trung giới thiệu, Như biết Cty CP vận tải Dầu khí Thái Bình Dương (Cty Thái Bình Dương) muốn gửi. Như đã gặp gỡ ông Phạm Anh Tuấn là giám đốc Cty để vay 118 tỷ đồng. Số tiền này, Như dùng để trả nợ.
Đến tháng 3/2010, Như đã vay ở chỗ khác để trả cả gốc và lãi cho Cty Thái Bình Dương. Sau đó, ông Phạm Anh Tuấn đã chủ động gọi điện cho Như đề nghị gửi tiếp tiền. Như đã giới thiệu với Võ Anh Tuấn – Phó giám đốc Ngân hàng Công thương, chi nhánh Nhà Bè. Nhưng do Phạm Anh Tuấn đòi lãi suất cao nên Võ Anh Tuấn không thể huy động được cho Vietinbank chi nhánh Nhà Bè.
Sau đó, Võ Anh Tuấn trao đổi với Như, do đang cần tiền để trả nợ nên Như đã lấy danh nghĩa Ngân hàng Công thương chi nhánh Nhà Bè để huy động tiền của Cty Thái Bình Dương. Như đã làm giả 15 bộ hợp đồng ủy thác đầu tư vốn giữa Ngân hàng chi nhánh Nhà Bè với Cty Thái Bình Dương, ký giả chữ ký của Võ Anh Tuấn và dùng chữ ký thật của Võ Anh Tuấn ở các hợp đồng Tuấn đã ký nhưng chưa sử dụng để ghép vào hợp đồng ủy thác đầu tư vốn do Như làm giả với Cty Thái Bình Dương để huy động của Cty này gần 1.500 tỷ. Đến khi bị bắt, Như đã tất toán được 14 hợp đồng, còn 1 hợp đồng trị giá 80 tỷ là chưa tất toán.
Bằng nhiều thủ đoạn làm giả hồ sơ, giả chữ ký, làm giả hợp đồng tiền gửi huy động vốn cho Ngân hàng Công thương… Như đã lừa đảo và chiếm đoạn tiền của nhiều đơn vị doanh nghiệp và ngân hàng, cụ thể, chiếm đoạt của 3 Cty Phúc Vinh, Thịnh Phát và Hưng Yên gần 1.600 tỷ đồng; của Cty CP chứng khoán Saigonbank – Berjaya 210 tỷ đồng; của Cty CP Bảo hiểm tòa cầu 125 tỷ đồng; của Cty TNHH Zenplaza 45,5 tỷ đồng; của Cty CP chứng khoán Phương Đông, Cty CP đầu tư An Lộc 550,35 tỷ đồng, Ngân hàng Quốc tế 180 tỷ đồng.
Trong phần cáo trạng nêu chiếm đoạt của Ngân hàng TMCP Nam Việt 200 tỷ đồng; của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) 718,908 tỷ đồng, Như có dùng thủ đoạn giả chữ ký để thế chấp tiền gửi của các nhân viên hai ngân hàng này thế chấp để vay tiền tại Ngân hàng Công thương.
“Siêu lừa” Huỳnh Thị Huyền Như trong buổi xét xử ngày 7/1/2014
Quá trình thẩm vấn, nhiều vấn đề cần được làm rõ
Đối với Ngân hàng Nam Việt, Huyền Như khai đã huy động và chiếm đoạt của Ngân hàng 200 tỷ bằng thủ đoạn tự ý trích tiền gửi để lập sổ tiết kiệm mang tên khách hàng, sau đó giả chữ ký của chủ tài khoản để rút tiền hoặc giả chữ ký của khách hàng để thế chấp cầm cố sổ tiết kiệm cho Ngân hàng Công thương để vay tiền.
Đối với khoản tiền hơn 718 tỷ đồng của Ngân hàng Á Châu, Huyền Như khai nhận: 668,908 tỷ đồng của 17 nhân viên Ngân hàng Á Châu gửi vào Ngân hàng Công thương chi nhánh TP.HCM, được lập thành 32 hợp đồng tiền gửi. Các hợp đồng tiền gửi nói trên đều đứng tên các cá nhân này.
Sau đó, Như tự trích lập sổ tiết kiệm mang tên khách hàng nhưng không đưa trả cho các khách hàng, rồi giả chữ ký của khách hàng, của chủ tài khoản làm thủ tục thế chấp sổ tiết kiệm cho Ngân hàng Công thương để vay tiền.
Còn 50 tỷ đồng đứng tên 2 cá nhân, Như đã hủy bộ hồ sơ mở tài khoản thật của khách hàng, lập hai bộ hồ sơ mở tài khoản giả, ký giả chữ ký chủ tại khoản tại hai bộ hồ sơ này. Sau khi tiền đã được chuyển tiền vào Ngân hàng Công thương chi nhánh Nhà Bè, Như đã lập giả các lệnh chi, ký giả chữ ký của khách hàng để chuyển 50 tỷ đồng này vào tài khoản của Trần Thị Tố Quyên – người giúp việc cho Như. Sau đó, Quyên làm lệnh chi để rút số tiền này cho Như.
Về lý do tại sao chuyển tiền sang sổ tiết kiệm, khách hàng không giữ sổ, Huyền Như nêu vì Huyền Như tự làm không giao cho khách, chuyển sang sổ tiết kiệm nhằm mục đích thế chấp vay tiền Ngân hàng Công thương.
Trả lời câu hỏi tại sao hồ sơ vay giả lại được chấp nhận, tại sao các cá nhân đứng tên trên sổ tiết kiệm không đến ngân hàng mà vẫn được Ngân hàng Công thương giải quyết hồ sơ vay, tại sao chữ ký giả vẫn được cho qua, Huyền Như nêu theo quy định thì các cá nhân này phải đến Ngân hàng làm thủ tục, nhưng do nể nang Huyền Như nên các cán bộ Ngân hàng Công thương đã bỏ qua thủ tục để giải quyết hồ sơ vay này.
Chủ tọa phiên tòa nêu với hành vi giả chữ ký để thế chấp tức Huyền Như đã chiếm đoạt tiền của khách.
Về tiền chiếm đoạt được đi đâu, Huyền Như nêu không nhớ chi tiết từng khoản và đã khai với cơ quan điều tra.
Theo hồ sơ, các hợp đồng tiền gửi của các các nhân viên Ngân hàng Nam Việt và 32 hợp đồng tiền gửi của Ngân hàng Á Châu đều ký hợp pháp với Ngân hàng Công thương Chi nhánh TP.HCM, do Phó giám đốc Trương Minh Hoàng hoặc Nguyễn Thị Minh Hương ký.
Hiện Ngân hàng Á Châu, Ngân hàng Nam Việt không tham gia phiên tòa do các ngân hàng này cho rằng Ngân hàng Công thương phải chịu trách nhiệm trả tiền, các ngân hàng này không ký hợp đồng tiền gửi với Huyền Như, tiền gửi đều được chuyển vào tài khoản hợp pháp của khách hàng tại Ngân hàng Công thương.
Tòa xác định các ngân hàng này là nguyên đơn do bị Huyền Như chiếm đoạt, trong khi các ngân hàng này yêu cầu Ngân hàng Công thương trả tiền thì tòa không đưa Ngân hàng Công thương vào tham gia tố tụng với tư cách bị đơn.
Với việc Ngân hàng Công thương cho vay tiền trái quy định pháp luật, sau đó lại thu nợ từ tài khoản tiền gửi của khách, dù khách không ký hợp đồng thế chấp, thì không thể kết luận là Huyền Như chiếm đoạt tiền của khách, mà là Huyền Như chiếm đoạt tiền vay của Ngân hàng Công thương.
Như vậy, trong những ngày còn lại, nhiều vấn đề sẽ phải làm rõ: Những khách hàng bị mất tiền ký hợp đồng tiền gửi với ai: Huyền Như hay Ngân hàng Công thương, trách nhiệm của Ngân hàng Công thương thế nào, ai là người chấp nhận các chứng từ giả do Huyền Như lập để rút tiền, vay tiền, tiền chiếm đoạt đi đâu, việc thu hồi tiền do phạm tội mà có ...
Đặc biệt, ai sẽ là “nạn nhân”, Huyền Như chiếm đoạt tiền vay của Ngân hàng Công thương hay chiếm đoạt tiền gửi của khách hàng trong hành vi làm giả chứng từ, ký giả chữ ký để thế chấp tiền gửi của khách hàng vay tiền Ngân hàng Công thương.