Bộ Công thương cho biết, theo thông lệ đàm phán thương mại quốc tế, một hiệp định sẽ chỉ được công bố sau khi các bên tham gia đàm phán đã hoàn tất thủ tục rà soát pháp lý. Tuy nhiên, trước nhu cầu tìm hiểu thông tin rất lớn của người dân và doanh nghiệp, các nước tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã quyết định công bố toàn văn Hiệp định TPP mặc dù thủ tục rà soát pháp lý chưa hoàn tất.
Các nước TPP đã thống nhất giao New Zealand (nước được giao nhiệm vụ lưu chiểu văn kiện của Hiệp định) công bố toàn văn Hiệp định vào chiều 5/11 (giờ Hà Nội).
Do quá trình rà soát pháp lý vẫn đang tiếp tục nên bản công bố lần này chưa phải là bản cuối cùng. Bản cuối cùng có thể sẽ có một số thay đổi nhưng chỉ là các chỉnh sửa về mặt kỹ thuật, không ảnh hưởng đến nội dung cam kết.
Ngoài các nội dung cam kết trong Hiệp định, trong quá trình đàm phán các nước TPP cũng đạt được một số thỏa thuận song phương. Do các thỏa thuận này chỉ liên quan đến các Bên ký kết nên sẽ được các Bên ký kết công bố riêng.
Bộ Công Thương cũng cho công bố kèm theo các thỏa thuận song phương mà Việt Nam đã thống nhất với một số nước TPP. Các thỏa thuận này sẽ có hiệu lực cùng thời điểm với Hiệp định TPP.
“Do các nước TPP vẫn đang tiến hành thủ tục rà soát pháp lý, khối lượng tài liệu phải biên dịch lại rất lớn nên Bộ Công thương và các Bộ, ngành chưa thể công bố kèm theo bản dịch tiếng Việt của Hiệp định TPP. Để đáp ứng yêu cầu của người dân và doanh nghiệp, Bộ Công thương sẽ tích cực phối hợp với các Bộ, ngành nhanh chóng hoàn tất công việc dịch thuật và công bố bản dịch tiếng Việt trong thời gian sớm nhất”, Bộ Công Thương cho biết.
Sau khi công bố toàn văn Hiệp định, các nước TPP sẽ nhanh chóng hoàn tất thủ tục rà soát pháp lý để chuẩn bị cho việc ký kết Hiệp định. Mỗi nước, theo quy định của pháp luật nước mình, sẽ dành thời gian nhất định để người dân nghiên cứu Hiệp định trước khi ký kết, dao động từ 60 đến 90 ngày. Sau khoảng thời gian này, các nước TPP sẽ tiến hành ký kết chính thức. Thời điểm ký kết chính thức Hiệp định hiện chưa được xác định nhưng dự kiến sẽ không muộn hơn quý I năm 2016. Sau khi ký chính thức, các nước sẽ tiến hành thủ tục phê chuẩn Hiệp định theo quy định của pháp luật nước mình.
Theo Trưởng đoàn Đàm phán Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh, sau khi kết thúc đàm phàn, để hoàn tất TPP cần thời gian từ 18 tháng tới 2 năm. Việt Nam sẽ cùng các nước TPP thực hiện các bước: Rà soát pháp lý bảo đảm lời văn và các biểu cam kết thể hiện đúng kết quả đàm phán. Sau đó sẽ dành thời gian để các đại biểu Quốc hội, người dân và các doanh nghiệp nghiên cứu Ký kết Hiệp định (dự kiến nửa đầu tháng 1/2016). Cuối cùng, thực hiện quy trình thông qua Hiệp định theo đúng quy định của pháp luật từng nước (dự kiến từ tháng 1 đến 6/2018).