> Chẳng ai biết nợ xấu thực sự bao nhiêu?
> Có “bít” được nợ xấu?
Phân tích bức tranh kinh tế hiện nay, ĐB Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) cho rằng “đang có nhiều mảng tối, hàng hoá dư thừa nhưng người dân không có tiền mua, ngân hàng nhiều tiền nhưng DN không vay và cũng không muốn vay do cục máu đông nợ xấu, hàng tồn kho quá lớn”.
Chưa hết, công nghiệp, xây dựng đình đốn, dịch vụ thưa vắng, chỉ còn nông nghiệp đang cố gắng hoạt động để nuôi sống cả nước dù nông dân đang phải chịu lỗ kép. Cả DN nhà nước và tư nhân đều rơi vào khó khăn, chỉ còn DN nước ngoài ổn định nhưng đang lăm le thôn tính thị phần của DN nội, những biểu hiện sa sút đó là đáng lo ngại.
“Tuy nhiên tôi muốn đề cập đến một tình hình khác đáng lo ngại hơn, rất tiếc lại đang diễn biến trong nền kinh tế nước ta. Đó là không khí im lặng, dò xét và tâm thế ngồi yên chờ thời của không ít DN. Đó là sự thiếu tin tưởng thậm chí ngờ vực các giải pháp vĩ mô nhà nước đang tiến hành, đó còn là sự lo ngại, ngao ngán về khả năng thao túng của các nhóm lợi ích. Tôi cho rằng chúng ta cần minh bạch và công khai hơn nữa để hoá giải tâm lý tiêu cực, niềm tin cần nhanh chóng được khôi phục” - ĐB Đáng bình luận.
Nhiều ĐB cho rằng báo cáo của Chính phủ quá đơn giản, chưa đánh giá đúng thực trạng nền kinh tế. Theo ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai), nếu đọc lại báo cáo ta thấy Chính phủ mới coi trọng liệu pháp tâm lý, lấy vị thuốc an thần là ưu tiên vì thế không báo cáo nào không mở đầu bằng liệt kê thành tựu, sau đó mới nói đến hạn chế, thiếu sót, trách nhiệm.
Tất cả được nối bằng liên từ “tuy nhiên” như một tất yếu để làm an lòng người. Phê cách làm báo cáo “cho đẹp”, ĐB Võ Thị Hồng Thoại (Bạc Liêu) cảnh báo, hậu quả sẽ rất nguy hại, ai cũng có thể lường được.
“Đề nghị Chính phủ quan tâm làm rõ, báo cáo thêm để giúp cho quyết định chính sách của chúng ta có thể mang lại sự đúng đắn, có hiệu quả hơn” - ĐB Thoại kiến nghị.
Theo ĐB Huỳnh Ngọc Đáng, trong tình hình hiện nay, chúng ta vẫn phải kiên trì mục tiêu kiềm chế lạm phát, duy trì tăng trưởng hợp lý. Những dự án, công trình đã đạt xấp xỉ 80% khối lượng nên được tiếp tục đầu tư để hoàn thành đưa vào sử dụng.
Những khoản nợ của nhà nước của DN trong các công trình đang thi công dang dở cần được giải ngân càng sớm càng tốt cho DN.
“Triển khai tái cơ cấu nền kinh tế chậm, chưa căn bản, chưa phân bổ sử dụng các nguồn lực có hiệu quả. Cần làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các bộ ngành” - ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai) đòi hỏi.
Chính sách sai không ai bị giáng chức
Đại biểu Lê Thị Nga. |
“Chính phủ cần xác định rõ trách nhiệm của cá nhân để xảy ra tình trạng chậm ban hành văn bản hướng dẫn luật”- ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên) nói và nêu ví dụ: Nghị định 84 kinh doanh xăng dầu là một minh chứng. Gần nửa nhiệm kỳ Quốc hội, dù nhiều lần kiến nghị, nghị định này vẫn chưa được sửa đổi.
“Có vẻ như một quy luật cứ trước mỗi kỳ họp Quốc hội giá xăng dầu lại nằm im hoặc được giảm đôi chút làm yên lòng đại biểu, cử tri, để rồi sau đó lại tiếp tục tăng trong sự hoài nghi của xã hội về tính minh bạch của nó. Chính phủ cũng cần trả lời Quốc hội về lý do của việc trì hoãn việc sửa đổi nghị định này” - ĐB Nga kiến nghị.
Cũng theo ĐB Nga, thời gian qua xảy ra những cuộc tranh luận gay gắt, trái chiều giữa các bộ. Một mặt cho thấy không khí dân chủ và bản lĩnh của một số lãnh đạo bộ khi cương quyết bảo vệ quan điểm trái chiều nhằm tạo thuận lợi cho dân.
“Có vẻ như một quy luật cứ trước mỗi kỳ họp Quốc hội giá xăng dầu lại nằm im hoặc được giảm đôi chút làm yên lòng đại biểu, cử tri, để rồi sau đó lại tiếp tục tăng trong sự hoài nghi của xã hội về tính minh bạch của nó”. ĐB Lê Thị Nga |
Đồng thời thể hiện điểm hạn chế do sự quá khác biệt giữa các cơ quan của Chính phủ trong việc đưa ra chính sách cùng vì mục tiêu chung là phục vụ dân. Có khi trong một tuần, một tháng mà các bộ liên tục đưa ra nhiều quan điểm khác nhau trong cùng một chính sách, thể hiện sự bất nhất, thiếu tầm nhìn, thiếu phối hợp và thiếu vai trò điều phối trong tư duy quản lý, điều hành.
“Một số công chức chịu trách nhiệm tham mưu, soạn thảo, thẩm định có dấu hiệu quan liêu, năng lực hạn chế. Nhưng hàng chục năm nay chưa thấy một cán bộ lãnh đạo nào, công chức nào bị giáng chức, buộc thôi việc hay bồi thường do lỗi đề xuất, thẩm định ban hành văn bản sai trái” - Bà Nga nói.
Nhanh chóng giải quyết nợ xấu
Theo ĐB Đặng Thuần Phong (Bến Tre), thách thức với nền kinh tế hiện nay rất lớn do thiếu bền vững, lệ thuộc thị trường thế giới, tăng trưởng chủ yếu nhờ vào đầu tư. Nợ xấu tăng, thị trường thu hẹp, sức khỏe DN giảm sút, không đủ khả năng đề kháng trước những tác động suy thoái kinh tế.
“Cần sớm có phương án giải quyết nợ xấu, đảm bảo công khai, minh bạch, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN” - ĐB Phong nói. Giải quyết nợ xấu, theo ĐB Phạm Huy Hùng (Hà Nội) “là vấn đề phức tạp”, “cần có sự đồng thuận cao của cả hệ thống chính trị và xã hội”.
Theo ĐB, đề án tổng thể xử lý nợ xấu cần có giải pháp mang tính đột phá, khả thi, giải quyết trong thời gian sớm nhất để khơi thông nguồn vốn.
Nhìn nhận về công tác quản lý vàng, ĐB Đặng Thuần Phong chỉ rõ, quản lý vàng phải đúng quy luật, nhanh chóng thu hẹp giá vàng trong nước và thế giới sau ngày 30/6/2013.
“Giá vàng hiện tại tuy chưa ảnh hưởng đến giá ngoại hối, chưa gây bất ổn kinh tế vĩ mô, nhưng đã gây bất bình trong dư luận xã hội, cần phải sớm khắc phục” - ĐB Phong nhận xét.