Chính sách gì cũng phải hợp lòng dân

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trao đổi ngoài lề với các cử tri
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trao đổi ngoài lề với các cử tri
TP - Sáng 4-5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri quận Ba Đình, Hà Nội trước kỳ họp QH sắp diễn ra. Tổng Bí thư nói: “Cần phải lắng nghe ý kiến nhiều chiều của người dân để có những điều chỉnh (chính sách) phù hợp”.

> Phong bì 'bôi trơn': Phổ biến

Tại buổi tiếp xúc, nhiều ý kiến bày tỏ bức xúc khi đề cập đề xuất thu phí phương tiện giao thông của Bộ GTVT.

Ông Huỳnh Ngọc Chung, cử tri phường Thành Công, cho rằng, ùn tắc giao thông hiện nay có nguyên nhân rất lớn là hạ tầng yếu kém, trong đó có lỗi lớn của việc quy hoạch và thực hiện quy hoạch vì đất dành cho giao thông ở thành phố chỉ 6-8% trong khi tiêu chuẩn phải là 20-25%.

“Tình trạng ùn tắc ngày càng căng thẳng nhưng trong nội đô, các chung cư và trung tâm thương mại cao tầng vượt quá quy định vẫn liên tiếp mọc lên, lỗi này là do ai?”, ông Chung đặt câu hỏi.

Theo ông, chuyện này có trách nhiệm rất lớn của các cơ quan hành chính, trong đó có Bộ Xây dựng và Bộ GTVT. “Các cơ quan này không thấy lỗi của mình lại đổ hết lỗi cho dân, bắt người tham gia giao thông phải chịu đủ các loại phí để sửa chữa sai lầm, rồi còn được tiếng là đưa ra sáng kiến nữa thì quả thực khó hiểu”, ông nói.

Ông Chung còn cho rằng: Hạn chế phương tiện cá nhân là vi phạm quyền tự do cá nhân của công dân và đề xuất thu phí cũng chỉ giải quyết phần ngọn mà chưa giải quyết tận gốc và một khi phương tiện giao thông công cộng còn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân mà bắt người dân phải từ bỏ phương tiện cá nhân thì họ lấy phương tiện gì để làm ăn, sinh sống.

Đồng tình với ý kiến trên, Giáo sư Vũ Trọng Hốt, cử tri phường Trúc Bạch, còn đề nghị Quốc hội tới đây không thông qua đề án này.

Cử tri Phạm Huy (phường Ngọc Khánh) nói: “Đề xuất thu phí không hợp lòng dân. Bộ trưởng Đinh La Thăng nói “đóng phí là yêu nước” nhưng tôi cho nói thế là quá ngây thơ và vô lý. Chả nhẽ tôi chưa đóng phí đồng nghĩa tôi không yêu nước hay sao?”.

Ghi nhận các ý kiến của cử tri, Tổng Bí thư sau đó nhấn mạnh: “Chính sách nào mà gặp nhiều phản ứng của người dân, người dân không chấp nhận thì rõ ràng là có vấn đề, cần phải lắng nghe ý kiến nhiều chiều của người dân để có những điều chỉnh phù hợp”.

Chống tham nhũng: Làm chắc từng bước

Cử tri Phạm Huy ở phường Ngọc Khánh cho rằng, tình hình tham nhũng vẫn phức tạp và có phần tinh vi hơn. Theo cử tri này, Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã có thông báo kỷ luật hai vị cán bộ cấp cao là Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang và Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Lăk Lữ Ngọc Cư, nhưng không thấy cơ quan nhà nước có thêm động thái, cũng không thấy từ chức, cách chức gì.

Ông Huy cũng tỏ ra băn khoăn với việc Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng trung ương và các tỉnh lại được đặt trong chính quyền, không thể tránh khỏi tình trạng vừa đá bóng, vừa thổi còi.

Theo ông Huy, cơ quan phòng chống tham nhũng phải độc lập, có như vậy mới mong mang lại hiệu quả thực chất.

Cử tri, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước phát biểu sau đó cũng nhấn mạnh đấu tranh chống tham nhũng là một cuộc chiến cực kỳ khó khăn. Ông cũng cho rằng cơ quan chống tham nhũng nên được đưa về trực thuộc Quốc hội.

Cử tri Phan Ba ở phường Thành Công khi nhắc đến Nghị quyết Trung ương 4 cũng bày tỏ sự đồng tình cao với tinh thần quyết tâm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng như của BCH T.Ư Đảng: Phải tiến hành từ trên xuống, từ lãnh đạo cấp cao xuống các lãnh đạo bộ, ngành, địa phương. Ngoài ra, không thể cứ hạ cánh an toàn nếu khi đương chức có nhiều sai phạm và tham nhũng.

Theo cử tri Ba, việc tự phê bình trong bối cảnh hiện nay không hy vọng mang lại hiệu quả vì việc này đã khác xa so với trước đây.

“Bây giờ tất cả đều đã gắn với quyền lợi vật chất, quyền lợi nhóm nên bắt buộc phải có những áp lực, giám sát từ bên ngoài thì mới mong có hiệu quả”, ông Ba nói.

Ghi nhận những băn khoăn này của các cử tri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, chống tham nhũng, tiêu cực là một cuộc chiến lâu dài vì “chừng nào còn chính quyền, còn quyền lực thì còn tham nhũng, và đó là vấn nạn không chỉ đối với Việt Nam”.

Vì vậy, trong việc chống tham nhũng nói riêng cũng như việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 tới đây, “chúng ta cần bình tĩnh, khách quan, làm chắc từng bước, không để bị lợi dụng”.

Tổng Bí thư cũng chia sẻ, mặc dù ý kiến cử tri đánh giá rất cao tinh thần của Nghị quyết Trung ương 4, cho rằng chúng ta đã bắt đúng bệnh, đã kê đúng thuốc nhưng nhiều ý kiến cũng lo là “con bệnh” có chịu uống thuốc hay không, uống có đủ liều không.

Tổng Bí thư nói: “Chưa ra trận mà đã lo lắng ngập n gừng như vậy thì càng khó”.

Tổng Bí thư khẳng định, chỉnh đốn Đảng không phải là việc bây giờ mới làm mà chúng ta đã bắt đầu làm từ lâu.

Có được như bây giờ cũng là thành quả của sự quyết liệt trong quá khứ. Việc này có trách nhiệm của tất cả chúng ta, toàn Đảng toàn dân phải làm, đẩy lùi từng bước một chứ chúng ta không nóng vội và ảo tưởng sẽ làm được ngay hết mọi việc.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG