Samvel Shahramanyan, lãnh đạo của nước cộng hòa tự xưng, đã ban hành sắc lệnh ngày 28/9 nhằm “giải thể tất cả các tổ chức nhà nước và các chi nhánh trước ngày 1/1/2024”.
“Cộng hòa Nagorno-Karabakh (Artsakh) không còn tồn tại”, sắc lệnh viết.
Văn bản này cũng ghi rõ cư dân trong khu vực, bao gồm cả những người đã sơ tán, nên “làm quen với các điều kiện tái hòa nhập do Cộng hòa Azerbaijan đưa ra” và tự đưa ra quyết định về việc có nên quay lại Nagorno-Karabakh hay không.
Theo sắc lệnh, việc giải thể “có liên quan đến tình hình quân sự-chính trị khó khăn hiện nay” và nhằm mục đích đảm bảo an toàn cho người dân Nagorno-Karabakh, đồng thời tính đến thỏa thuận do Nga làm trung gian với Baku. Thỏa thuận đã cho phép cư dân của khu vực ly khai, bao gồm cả quân nhân đã hạ vũ khí, được đi lại tự do.
Người gốc Armenia rời khỏi Nagorno-Karabakh. Ảnh: Reuters |
Sắc lệnh mang tính bước ngoặt này đặt dấu chấm hết cho lịch sử của nước cộng hòa không được công nhận, vốn tách khỏi Azerbaijan kể từ khi Liên Xô tan rã. Tình hình an ninh ở khu vực ly khai được đánh dấu bằng các cuộc giao tranh lẻ tẻ trong nhiều thập kỷ, bao gồm một cuộc chiến lớn vào đầu những năm 1990 và kết thúc bằng lệnh ngừng bắn vào năm 1994.
Một cuộc xung đột lớn khác xảy ra vào năm 2020 khi Baku nắm quyền kiểm soát phần lớn khu vực, và kết thúc bằng lệnh ngừng bắn do Nga làm trung gian.
Mới đây nhất, ngày 19/9, Azerbaijan đã tiến hành “các biện pháp chống khủng bố” nhằm vào khu vực tranh chấp, cáo buộc Armenia tăng cường hiện diện quân sự ở khu vực này. Yerevan phủ nhận các cáo buộc.
Một ngày sau khi bắt đầu chiến dịch, chính quyền Nagorno-Karabakh tuyên bố ngừng bắn với Azerbaijan, theo đề xuất của lực lượng gìn giữ hòa bình Nga. Theo các điều khoản của thỏa thuận, tất cả các lực lượng chiến đấu chống lại Azerbaijan trong khu vực phải rời khỏi vị trí chiến đấu và bàn giao toàn bộ vũ khí cho Baku.
Nhiều cư dân Nagorno-Karabakh đã quyết định rời khỏi khu vực ly khai, trong đó chính quyền Armenia tuyên bố rằng hơn 65.000 người đã đến nước này. Đầu tuần này, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev bày tỏ tin tưởng rằng quá trình tái hòa nhập Nagorno-Karabakh sẽ thành công, đồng thời cam kết tôn trọng quyền lợi của người dân địa phương.