Chính quyền của ông Trump đang cứng rắn với Trung Quốc

Khả năng Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump sẽ phớt lờ sự phản đối từ Trung Quốc để tiếp tục bán vũ khí cho Đài Loan.
Khả năng Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump sẽ phớt lờ sự phản đối từ Trung Quốc để tiếp tục bán vũ khí cho Đài Loan.
TPO - Chính quyền của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump đang tăng cường các mối quan hệ quân sự với Đài Loan nhằm kiềm chế Trung Quốc mở rộng tầm ảnh hưởng trong khu vực.

Theo bản báo cáo do Học viện Nghiên cứu và Chiến lược quốc gia tại Đại học Renmin Trung Quốc công bố, Giáo sư Yang Qijing nhận định Tổng thống đắc cử Donald Trump có thể sẽ còn tăng cường hợp tác an ninh với nhiều quốc gia tại châu Á trong thời gian tới. Ngoài ra, ông Trump sẽ phớt lờ những lời phản đối từ Bắc Kinh để tiếp tục thực hiện kế hoạch bán vũ khí cho Đài Loan. 

Phớt lờ Trung Quốc?

"Ông Trump có thể sẽ không quan tâm nhiều tới lời phản đối của Trung Quốc để tiếp tục bán vũ khí cho Đài Loan. Theo cách này, ông Trump sẽ mang thêm tiền về cho nước Mỹ nhưng lại tạo ra rắc rối với Trung Quốc", ông Yang nói thêm. 

Trong những ngày qua, quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đã dậy sóng sau cuộc điện đàm hôm 2/12 giữa ông Trump và nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn. Đây là cuộc trao đổi trực tiếp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Đài Loan kể từ năm 1979, thời điểm Washington thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Bắc Kinh. 

Trong khi đó, Trung Quốc vẫn nghi ngờ Nhà lãnh đạo Thái Anh Văn muốn giành độc lập cho Đài Loan dù Bắc Kinh coi Đài Loan chỉ là một tỉnh ly khai của Trung Quốc. 

Một số nhà bình luận Mỹ cho rằng cuộc điện đàm giữa bà Thái và ông Trump sẽ khơi mào cho một cuộc đối đầu với Bắc Kinh. Ông Trump cũng xem đây là tín hiệu gửi tới Trung Quốc rằng Mỹ sẽ không để Trung Quốc bắt nạt và Washington có thể tăng cường ủng hộ đối với nền dân chủ của Đài Loan.

Chính quyền của ông Trump đang cứng rắn với Trung Quốc ảnh 1

 Ông Trump điện đàm với Nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn 

Đe dọa tăng mức thuế 

Vụ việc "lời qua tiếng lại" giữa tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump và chính phủ Trung Quốc trở nên căng thẳng vào hôm 5/12 khi Trung Quốc phản ứng gay gắt trước những công kích từ ông Trump về vị thế kinh tế và an ninh của nước này, theo Wall Street Journal.

Diễn biến này báo hiệu một mối quan hệ mới, có thể sẽ mang tính đối địch hơn giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, khi ông Trump thực hiện những cam kết trong quá trình tranh cử nhằm đáp trả các chính sách thương mại và tiền tệ của Bắc Kinh.

Các quan chức Trung Quốc hồi cuối tuần trước ngỏ ý sẵn sàng bỏ qua cuộc điện đàm giữa ông Trump với lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn. Người Trung Quốc hướng sự giận dữ về phía Đài Loan thay vì tổng thống đắc cử Mỹ. Song họ cũng đã thể hiện thái độ không hài lòng trước một loạt bài viết trên Twitter của Trump, trong đó ông chỉ trích các chính sách tiền tệ và hiện diện quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông.

Sau khi Trump chính thức trở thành tổng thống Mỹ vào ngày 20/1, thử thách thực sự đầu tiên của ông với Trung Quốc có thể đến vào giữa tháng 4. Đấy là khi Bộ Tài chính công bố báo cáo tiền tệ, trong đó nêu chi tiết hành vi của các quốc gia khác.

Trong chiến dịch tranh cử tổng thống, Trump cáo buộc Trung Quốc là "kẻ thao túng tiền tệ". Ông cũng dành nhiều tháng chỉ trích các chính sách tiền tệ và thương mại Trung Quốc, đồng thời đe dọa sẽ áp mức thuế từ 35% tới 45% đối với hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ.

Đề xuất luật trừng phạt trên Biển Đông

Thượng Nghị sĩ Mỹ Marco Rubio đề xuất trừng phạt vì các hoạt động tranh chấp hàng hải trên Biển Đông và biển Hoa Đông vào đầu tuần này.

Chính quyền của ông Trump đang cứng rắn với Trung Quốc ảnh 2

Hình ảnh CSIS cho thấy Trung Quốc tăng cường xây dựng trái phép trên đá Xu Bi, quần đảo Trường Sa của Việt Nam

Đạo luật mang tên “Luật trừng phạt trên Biển Đông và Biển Hoa Đông 2015”, được trình lên Uỷ ban Quan hệ Ngoại giao Thượng viện. 

“Những hành động khiêu khích của Trung Quốc trên Biển Đông là bất hợp pháp và đe doạ tới an ninh khu vực và thương mại Mỹ, có tác động ngược tới nội địa Mỹ như hoạt động vận tải hàng hoá, vận chuyển của Mỹ qua Biển Đông và các cảng Florida”...

“An ninh của các nước đồng minh trong khu vực và đời sống kinh tế của chính nước Mỹ không thể bị đe doạ bởi những hành vi vi phạm luật lệ quốc tế đang tiếp diễn và ngang nhiên nhằm theo đuổi tham vọng thống trị Biển Đông và Biển Hoa Đông” - văn phòng ông Rubio cho biết. 

Dự luật cho thấy sự thay đổi tham vọng trong chính sách Mỹ. Nếu được thông qua thành luật, nó sẽ bắt buộc Tổng thống Mỹ phải thực hiện hàng loạt các động thái trừng phạt đối với các cá nhân và thực thể Trung Quốc vì các hoạt động bất hợp pháp trên Biển Đông, trừng phạt lần lượt các tổ chức tài chính thứ ba có dính líu tới các cá nhân tổ chức trong danh sách đen.

Thượng nghị sĩ Rubio đã đề xuất các biện pháp trừng phạt như phong tỏa tài sản, cấm đi lại, và hạn chế cấp thị thực nhập cảnh đối với "bất cứ cá nhân Trung Quốc nào" liên quan đến việc xây dựng hay phát triển các dự án ở những khu vực tranh chấp trên Biển Đông, hoặc những người có liên quan đến các hành động hay chính sách đe dọa tới sự ổn định của các khu vực đó.

Đề xuất của Thượng nghị sĩ Rubia còn bao gồm những thay đổi quan trọng đối với chính sách Mỹ như hạn chế hỗ trợ nước ngoài cho các nước ủng hộ quan điểm với Trung Quốc trong tranh chấp trên Biển Đông và Biển Hoa Đông. Quan trọng hơn cả, dự luật cho thấy sự thay đổi quan điểm cố hữu của Mỹ trong việc đứng hẳn về bên nào trong tranh chấp tại Biển Đông và Biển Hoa Đông (trừ một số trường hợp ngoại lệ).

MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.