Cưỡi ngựa giỏi, tha hồ thách cưới
Rambô dũng mãnh tung vó, xé gió lao về phía trước với những sải chân dài khiến bụi bay mù mịt; tiếng hí vang vọng cả khu rừng. Nhìn thấy chúng tôi, K’Truik vội hãm dây cương và hú hét cho con tuấn mã dừng lại. Anh mặc quần Jean bạc màu, đôi ủng da ống cao điệu nghệ, đội chiếc mũ da rộng vành, cổ đeo sợi dây chuyền có chiếc nanh heo rừng… trông như một cao bồi miền Tây chính hiệu.
K’Truik sinh sống dưới chân núi Lang Biang (huyện Lạc Dương, Lâm Đồng), chỉ cách trung tâm TP Đà Lạt hơn 10km. Là kỵ sĩ đua ngựa không yên lừng danh, K’Truik cùng Rambô nhiều lần là quán quân trong các giải đua ngựa không yên do tỉnh, huyện tổ chức. Trong cuộc đua cuối năm 2019, khi vào một khúc cua, Rambô và Nara tông nhau. Nara bị ngã, còn Rambô vẫn vững vàng băng về đích, giành giải nhất.
Ngựa cái Jicky của anh cũng đã 3 lần đoạt giải quán quân. “Con ngựa này sau đó được bán cho người khác. Người ta ít chăm sóc, để ngựa đi ra đường và bị xe tải tông chết ở dốc số 7. Mặc dù bán lâu rồi nhưng khi nghe tin ngựa chết, anh khóc ròng”, vợ của K’Truik kể. Một số con ngựa khác của anh từng giành giải nhất là Rambi, Maebết... Rambi 7 tuổi, có bộ lông đen tuyền, từng thắng rất nhiều giải; đến năm 2018, Ban tổ chức động viên K’Truik để Rambi ở ngoài “cuộc chơi” để dành cơ hội thắng giải cho những con ngựa khác.
Già làng Kra Jăn Plin cho biết đua ngựa không yên chinh phục các đỉnh núi cao là “cuộc chơi” nhằm thể hiện tài năng, sức mạnh, sự phóng khoáng của các chàng trai người Lạch. Khi mới 5-6 tuổi, các cậu bé được cho lên lưng ngựa dạo chơi trong rừng; đến khi 7-8 tuổi đã biết cho ngựa ăn, chải chuốt, vuốt ve để ngựa thích và nghe lời mình. Sau nhiều năm cùng ngựa rong chơi, ngã bùn, ngã suối, các cậu bé sẽ thuộc tính nết của ngựa, đoán được những tình huống ngựa có thể ngã, các thế ngã để rồi lựa chiều tiếp đất sao cho khỏi thương vong. Mỗi lần đi làm rẫy, thăm trâu…, bọn trẻ lại thách nhau giong cương băng rừng vượt suối trên lưng ngựa. Đến tuổi 15-16, các chàng trai đã biết chọn ngựa hay, thuần dưỡng chúng và khi đến tuổi cập kê thì chinh phục gái đẹp trên lưng ngựa.
Anh Dagout Blim cho biết già làng hay tổ chức đua ngựa không yên vào những dịp lễ hội, đặc biệt là mùa xuân, khi mùa màng đã thu hoạch xong. Đây là dịp để sơn nữ tìm hiểu, hẹn hò với trai làng rồi “bắt” làm chồng. Nói là cuộc chơi nhưng kỵ sĩ nào phong trần, lãng tử, luyện ngựa giỏi, cán đích sớm là nổi tiếng khắp buôn, tha hồ thách cưới.
“Ngựa bất kham” cưới được vợ đẹp
Trong khi người Lạch có tục “bắt chồng” thì K’Truik làm điều ngược lại: Thời gian theo học lớp trung cấp diễn viên tại Đại học Văn hóa Hà Nội, anh chủ động theo đuổi cô giảng viên trẻ đẹp Hà Thị Lan. “K’Truik nghịch ngợm và nhiều trò lắm, chẳng chịu tuân thủ nội quy của trường, chỉ nghe mỗi mình em. Khi em sang Lào để giảng dạy thì ổng đi theo, làm ca sĩ kiếm sống. Cuối cùng thì em “đổ cái rầm”, xin thôi việc để theo ổng về Lang Biang, sinh sống bằng nghề huấn luyện và cho thuê ngựa”, vợ của K’ Truik tâm sự.
K’Truik chia sẻ phải mất ít nhất 2-3 năm mới huấn luyện được chú ngựa hay. Đầu tiên cho ngựa làm quen dần rồi tiến tới chinh phục đèo dốc, sông suối, sườn núi hiểm trở để có nhiều kiểu bước chân khác nhau; cho ngựa tập luyện thường xuyên với cấp độ tăng dần để tạo sức bền, dẻo dai; luyện cho chúng bước chạy êm rồi cách chạy nhanh nhưng vẫn giữ được thăng bằng để tránh vấp ngã...
Về bí quyết đoạt giải, K’Truik chia sẻ trước mỗi kỳ thi đấu, không cho tiếp xúc với ngựa cái để khỏi mất sức hoặc ngựa lạ để khỏi học tính hoang dã, bất tuân lệnh chủ. Anh kể một tình huống trớ trêu: trong quá trình tập luyện, ả ngựa non Ritika từng đấu thắng cả Rambô và Rambi. Thế nhưng đến lúc tham gia giải đấu cấp huyện năm 2019, khi đang dẫn đầu đoàn, Ritika chợt thấy bầy đàn của mình bên sườn núi. Thế là ả dừng lại, nhập bầy, không chịu chạy tiếp.
Loài ngựa vô đối ở Tây Nguyên
K’Truik cho hay con ngựa giá trị nhất mà anh huấn luyện thành công và bán lại cho người khác với giá tới 120 triệu đồng. Rambô trị giá hơn 100 triệu, Rambi khoảng 70-80 triệu đồng… Đó đều là những con ngựa pha-rô, trong khi giá một con ngựa cỏ thuần chủng chỉ từ 5-7 triệu đồng.
Thuở trước, đoàn ngựa cỏ của người Lạch phải thồ sản vật núi rừng vượt hàng trăm dặm về tận dưới xuôi để đổi muối và các loại hải sản khác. Vết chân tròn của ngựa in dấu khắp nơi nên mới có câu phương ngôn “dấu chân Lạch tròn”. Ngựa Lạch nổi tiếng như thế bởi có sự dẻo dai, giỏi leo núi và ít bị bệnh. Tuy nhiên đây là giống ngựa lông ngắn, nhỏ con (trọng lượng trung bình của một con ngựa trưởng thành chỉ khoảng từ 200-250 kg) nên chẳng hề bắt mắt.
Năm 1893, bác sĩ Alexandre Yersin cùng đoàn tùy tùng đã cưỡi 6 con ngựa Trung Á lai Pháp thám hiểm đỉnh núi Lang Biang và khám phá ra Đà Lạt. Sau đó các giống ngựa Pháp, Úc, với trọng lượng khoảng 400-500 kg/con được nhập về vùng đất này. Người Lạch đã phối giống các loài ngựa “quý tộc” nói trên với ngựa cỏ của mình để sản sinh ra giống ngựa lai (pha-rô) vừa có những ưu thế của ngựa bản địa vừa có vóc dáng đẹp, cao ráo, bộ lông mượt mà và sức bật tốt của ngựa nhập ngoại.
Danh tiếng của loài ngựa pha-rô nhanh chóng lan xa. Nhiều tay lái ngựa tìm đến tận buôn làng người Lạch lùng mua những con tuấn mã pha-rô để bán cho các nài ngựa ở trường đua nổi tiếng Phú Thọ-TPHCM (từng được xếp hạng là trường đua lớn nhất nhì châu Á) kiếm lời.
Năm 2010, một nài ngựa đã mua con Dinhlăng của gia đình K’Truik nhưng vì đây là con ngựa chứng, không ai khuất phục được nên nài ngựa phải nhờ anh xuống tận trường đua Phú Thọ để huấn luyện. Dinhlăng đã 2 lần lên ngôi vô địch cuộc đua toàn quốc.
Sau những trận thắng vang lừng, Dinhlăng dần xuống sức và bị loại khỏi trường đua. K’Truik đã mua lại chú ngựa này và đưa trở về bản làng. Nhờ có mã ngoài đẹp, Dinhlăng luôn lọt top đầu những chú ngựa được du khách thuê để cưỡi và chụp ảnh lưu niệm hoặc tận hưởng thú vui làm kỵ sĩ trên sườn núi lộng gió. Mới đây một đoàn làm phim làm hợp đồng thuê mượn rồi đưa Dinhlăng về tận “sa mạc” cát trắng ở tỉnh Ninh Thuận đóng phim.
Theo già làng Kra Jăn Plin, là tộc người sinh sống lâu đời nhất ở Lang Biang, người Lạch sớm phát hiện, thuần phục được loài ngựa hoang trong rừng nên tiếng tăm lừng lẫy khắp vùng. Nhiều gia đình nuôi hàng chục con ngựa, đến khi ngựa chết thì mang đi chôn chứ không bao giờ ăn thịt. Sơn nữ Lạch thường được cha mẹ tặng một đôi ngựa làm của hồi môn khi đi “bắt chồng”.
Danh tiếng của loài ngựa pha-rô nhanh chóng lan xa. Nhiều tay lái ngựa tìm đến tận buôn làng người Lạch lùng mua những con tuấn mã pha-rô để bán cho các nài ngựa ở trường đua nổi tiếng Phú Thọ-TPHCM (từng được xếp hạng là trường đua lớn nhất nhì châu Á) kiếm lời.