GS. Nguyễn Minh Thuyết

Chính phủ kiến tạo không làm thay dân

Ảnh: Nhật Minh
Ảnh: Nhật Minh
TP - Cùng trao đổi với Tiền Phong, GS. Nguyễn Minh Thuyết lý giải, “Nhà nước của dân, do dân và vì dân” là ba khía cạnh thể hiện một nhà nước dân chủ. “Do dân” là gốc của nhà nước, “của dân” là vị trí của nhà nước, còn “vì dân” chính là mục tiêu của nhà nước. Nói tóm lại, “nhà nước do dân, của dân, vì dân” có nghĩa là nhà nước do nhân dân lập ra, nhân dân làm chủ để phục vụ quyền lợi của nhân dân.

Theo GS. Thuyết, ba đặc tính này bao quát được đầy đủ các mặt của một chế độ dân chủ. Đúc rút kinh nghiệm thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định tư tưởng này từ lâu. Nhưng trong thực tế, việc thực hiện chưa được như mong muốn. Chẳng hạn, theo nguyên tắc “của dân” thì người dân phải được quyền quản lý, giám sát, còn cán bộ lãnh đạo là “công bộc của dân”, là “đầy tớ của nhân dân”. Nhưng nạn quan liêu, xa dân, hành dân còn nhiều; quyền giám sát của nhân dân cũng còn hạn chế. Quyền giám sát ấy được thực hiện bằng nhiều cách, trong đó điều kiện quan trọng là người dân phải được biết đầy đủ thông tin.

GS. Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, việc ra đời Luật Tiếp cận thông tin bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2018 là một điều vô cùng tiến bộ, nhưng đến bây giờ người dân vẫn chưa thấy đi vào cuộc sống. Đến thông tin bé nhất về quy hoạch thành phố, người dân cũng không được biết. Có nhiều việc lớn, mình cũng chưa trưng cầu ý dân. Suy cho cùng, để thực hiện quyền làm chủ, quyền giám sát của người dân, lãnh đạo phải thoát khỏi nếp nghĩ cũ, người dân cũng phải hiểu rõ và có trách nhiệm cao với quyền làm chủ của mình.

Theo cựu đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết, mục tiêu “vì dân” đã được khẳng định rất rõ trong các chủ trương, kế hoạch phát triển đất nước, nhưng vẫn chưa đạt được kết quả mong muốn. Do vẫn còn tư tưởng tập trung quan liêu bao cấp trong cả lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, nhà nước vẫn còn làm thay dân nhiều quá, nên không đủ sức để lo cho dân. Đáng lẽ, khi chuyển sang cơ chế thị trường thì phải thực sự xây dựng cơ chế thị trường, nhà nước chỉ xây dựng chính sách, pháp luật để tạo môi trường trong và ngoài nước thuận lợi cho dân làm ăn, còn lại để cho dân làm.

GS. Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, Chính phủ kiến tạo là Chính phủ tạo ra môi trường sinh sống, môi trường làm ăn thuận lợi cho người dân, đảm bảo sự phát triển cho mỗi người dân và đất nước. Chính phủ kiến tạo không nghĩ thay dân, làm thay dân. Chúng ta ghi nhận, trong mấy năm gần đây, cải cách hành chính đã có kết quả rõ rệt. Đến các công sở bây giờ, người dân được giải quyết công việc tốt hơn, nhanh hơn. Nhưng các cơ quan nhà nước vẫn phải “ôm” nhiều việc của dân quá.

Xây dựng một Chính phủ kiến tạo phải đi song song với cuộc đấu tranh phòng chống quan liêu, tham nhũng. “Cuộc đấu tranh ấy đang diễn ra dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Kết quả ban đầu đã đem lại lòng tin cho người dân, nhưng chắc chắn vẫn phải làm kiên quyết hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa. Đặc biệt là phải chú ý cải cách thể chế để bảo đảm phát huy được dân chủ, để bộ máy nhà nước tự nó tránh được, chống được những lệch lạc, những vật cản đường”, GS. Nguyễn Minh Thuyết đề nghị.

“Do dân” là gốc của nhà nước, “của dân” là vị trí của nhà nước, còn “vì dân” chính là mục tiêu của nhà nước".

GS. Nguyễn Minh Thuyết 

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10. 
Căn cứ lực lượng an ninh ở Iraq bị không kích
Căn cứ lực lượng an ninh ở Iraq bị không kích
TPO - Lực lượng Huy động Nhân dân (PMF) Iraq - một lực lượng an ninh chính thức - cho biết sở chỉ huy của họ tại căn cứ quân sự Kalso (cách thủ đô Baghdad khoảng 50 km về phía nam) đã hứng chịu một vụ nổ lớn vào tối 19/4. Hai nguồn tin an ninh cho biết vụ nổ là kết quả của một cuộc không kích.